Dự kiến vệ tinh thuộc sở hữu của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) sẽ quay trở lại bầu khí quyển Trái Đất ngày 19/4 và một số phần sẽ rơi tự do xuống mặt đất.
Trong khi hầu hết các vệ tinh Reuven Ramaty High Energy Solar Spectroscopic Imager (RHESSI) sẽ bốc cháy khi đi vào bầu khí quyển ở tốc độ cao - một số bộ phận của cỗ máy nặng khoảng 300 kg có khả năng sẽ "sống sót".
NASA và Lầu Năm Góc cho biết họ sẽ tiếp tục theo dõi chuyển động của vệ tinh và sẽ cập nhật dự đoán điểm rơi - tuy nhiên hiện họ vẫn chưa có thông tin này.
Tin tốt là NASA cũng lưu ý rằng nguy cơ các mảnh vỡ gây hại cho những người trên đất liền là thấp - chỉ ở mức "xấp xỉ 1/2.467".
Nhưng cũng cần lưu ý rằng RHESSI dự kiến sẽ quay trở lại bầu khí quyển vào khoảng 21h30 ngày 19/4 (giờ Mỹ) - và thời điểm này có thể giao động trong khoảng cộng/trừ 16 giờ.
Vệ tinh RHESSI bắt đầu hoạt động trên quỹ đạo vào năm 2002 và cho đến khi ngừng hoạt động vào năm 2018, nó đã quan sát thấy các tia lửa và các vụ phóng vật chất từ vành nhật hoa của Mặt Trời.
Công việc của nó cho phép các nhà khoa học tìm hiểu thêm về những vụ nổ năng lượng mạnh mẽ trên Mặt Trời. NASA lưu ý: "Dữ liệu từ RHESSI cung cấp manh mối quan trọng về các vết lóa mặt trời và các vụ phun trào khối lượng vành nhật hoa liên quan.
Những sự kiện này giải phóng năng lượng tương đương hàng tỷ megaton chất nổ TNT trong vòng vài phút vào khí quyển Mặt Trời và có thể gây ảnh hưởng đến Trái Đất - bao gồm cả việc làm gián đoạn hệ thống điện...
Nhiệm vụ cũng giúp cải thiện các phép đo về hình dạng của mặt trời và chứng minh rằng các các vụ nổ tia gamma phát ra từ tầng cao trong bầu khí quyển của Trái Đất - phía trên một số cơn giông bão - thường xuyên xảy ra hơn so với suy nghĩ ban đầu".
NASA cho biết thêm rằng RHESSI đã ngừng hoạt động vào năm 2018 sau khi việc duy trì liên lạc với nó trở nên khó khăn. Sau khi duy trì quỹ đạo thấp xung quanh Trái Đất trong 5 năm qua, vệ tinh này sắp phải đối mặt với một kết thúc rực lửa.