(Thethaovanhoa.vn) - Trong số những Trần Mạnh Dũng, Nguyễn Mạnh Dũng, Phạm Xuân Phú, Lê Quang Hùng, Chu Ngọc Anh, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Gia Từ, Phan Anh Tuấn, Nguyễn Văn Hưng, người trẻ nhất mới chỉ đôi mươi (Quang Hùng), người già nhất là Nguyễn Mạnh Dũng (33 tuổi). Số còn lại thì phần lớn đều bắt đầu bước vào tuổi chín nhất của sự nghiệp.
Mà nghiệp cầu thủ ngắn hay dài?! Ngắn, thậm chí là rất ngắn với những ai không may mắn dính phải chấn thương nặng, thậm chí ngay lúc này, với những người vừa bị VFF đình chỉ thi đấu vĩnh viễn. Quang Hùng sẽ kết thúc giấc mơ đổi đời bằng quả bóng ở tuổi 20?! Chiếu theo khung hình phạt và án phạt của VFF thì đích thị là thế rồi.
Giả sử VFF không treo giò vĩnh viễn với 9 cầu thủ của V.Ninh Bình mà án phạt chỉ là 10 năm thì thế nào? Nó cũng chẳng khác gì án chung thân với cầu thủ, bởi ngay cả trẻ như Quang Hùng thì cũng làm sao có thể trở lại sân cỏ sau 10 năm nữa?
Thế hệ của Văn Quyến, Quốc Anh, Phước Vĩnh, Hải Lâm, Bật Hiếu, Quốc Vượng… chỉ mất hơn 3 năm (kể từ đầu năm 2006, tức sau SEA Games Bacolod đến cuối năm 2008) đã được chơi bóng trở lại khi VFF giảm án cho họ, nhưng cũng chệch choạc lắm. Thậm chí, còn người được, người mất, như trường hợp của Văn Quyến, Quốc Vượng…
Khi Trương Văn Dưỡng, Trần Minh Trung, rồi Chu Văn Mùi… cũng bị cấm thi đấu vĩnh viễn vì nhiều lý do khác nhau, họ đồng loạt nghỉ luôn và chuyển hướng cho mình một cuộc sống khác. “Tôi thậm chí chẳng làm gì cả khi ông Hùng (cố trọng tài Tuấn Hùng) lao về phía mình, nhưng vẫn bị phạt nặng”, Chu Văn Mùi nhớ lại trận đấu ở Đồng Tháp năm 1996.
Ở địa vị của mình, những Trương Văn Dưỡng, Trần Minh Trung (thuộc biên chế Hải quan) hay Chu Văn Mùi (Công an TP.HCM) thì việc dính dáng đến tiêu cực còn có thể khiến họ bị cho ra khỏi ngành chứ đâu chỉ là vấn đề danh dự, công việc?! Nhưng, tại sao họ lại không kêu oan?! “Chúng tôi chấp nhận sự khắc nghiệt của cuộc chơi”, vẫn lời Văn Mùi.
Ngoài thủ thành Nguyễn Mạnh Dũng, cầu thủ thuộc hàng “gia đình có điều kiện”, như đã nhắc, số còn lại phần lớn đều còn khá trẻ (về tuổi đời chứ không phải tuổi nghề). Họ khó được trao cơ hội trở lại với sân cỏ (công việc đòi hỏi nhiều sức vóc), nhưng ngược lại, lại có cơ may lớn hơn trong việc hoà mình với cuộc sống ở một lĩnh vực khác.
Đấy cũng là trong hoạ có phúc. Suy nghĩ và hành động thế, há chẳng phải sẽ nhẹ nhàng hơn, thay vì nhìn về tương lai với tâm lý cay đắng!?
Trần Hải
Thể thao & Văn hóa
Tags