Những tờ lịch cuối cùng của năm 2023 rơi xuống và thay vì lời tổng kết, mời quý độc giả cùng Thể thao & Văn hóa cùng nhìn lại 10 sự kiện thể thao Việt Nam và thế giới nổi bật trong 365 ngày đã qua.
I. THỂ THAO VIỆT NAM
1. Thể thao Việt Nam lần đầu tiên đứng đầu kỳ SEA Games tổ chức ở nước ngoài
Tại Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 32 diễn ra ở Campuchia, đoàn Thể thao Việt Nam đã giành 136 Huy chương Vàng, 105 Huy chương Bạc và 114 Huy chương Đồng, xuất sắc giành vị trí số 1 chung cuộc, hơn đoàn xếp thứ hai là Thái Lan 28 huy chương Vàng. Đây cũng là lần đầu tiên, Việt Nam đứng đầu bảng tổng sắp huy chương ở một kỳ SEA Games tổ chức ở nước ngoài, sau 2 lần nhất toàn đoàn trên sân nhà vào các năm 2003 và 2022.
Không chỉ bảo vệ được ngôi vô địch toàn đoàn với số huy chương vượt trội, các tuyển thủ Việt Nam còn phá đến 14 kỷ lục tại SEA Games 32 với nhiều thành tích xuất sắc. Bên cạnh đó, nếu chỉ tính riêng tổng số huy chương Vàng ở môn thể thao Olympic với con số 69, đã chiếm hơn 50% tổng số huy chương Vàng mà đoàn Thể thao Việt Nam đã giành được. Tuy nhiên, cũng tại SEA Games 32, còn có những đội tuyển của đoàn Thể thao Việt Nam chưa hoàn thành mục tiêu đề ra như điền kinh, bóng đá nam, hay bơi...
2. ASIAD 19 - Một kỳ Á vận hội không thành công
4 tháng sau kỳ SEA Games đứng đầu khu vực Đông Nam Á, Thể thao Việt Nam tiếp tục góp mặt tại Đại hội thể thao châu Á ASIAD lần thứ 19 diễn ra tại Hàng Châu, Trung Quốc với không ít kỳ vọng.
Chung cuộc, đoàn Thể thao Việt Nam đã hoàn tất chỉ tiêu Vàng với 3 chức vô địch từ các môn bắn súng, cầu mây và karate, nhưng nếu so sánh vị trí số 1 tại SEA Games 32 với hạng 6 Đông Nam Á ở ASIAD 19, sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore, thì khó có thể nói, đây là kỳ Á vận hội thành công với thể thao nước nhà. Nguyên nhân chính theo đánh giá chung của các chuyên gia, đó là Việt Nam tham gia cạnh tranh huy chương ở nhiều môn thể thao, nhưng không có trọng điểm cụ thể để đua tranh Huy chương Vàng.
Thất bại tại ASIAD 19 cũng là lý do vào cuối năm 2023 đã diễn ra Hội nghị định hướng phát triển Thể thao thành tích cao đến năm 2030 mà mục tiêu không gì khác - Nâng thành tích lên tầm châu lục và thế giới, thay vì chỉ bằng lòng với thứ hạng ở khu vực.
3. Chia tay HLV Park Hang Seo và cuộc cách tân tranh cãi của ông Philippe Troussier
Ngày 31/1/2023, HLV Park Hang Seo kết thúc hợp đồng với VFF khép lại 5 năm thành công vang dội với bóng đá Việt Nam. Á quân U23 châu Á 2018; vô địch AFF Cup 2018; vào tứ kết ASIAN Cup 2019; góp mặt tại vòng loại thứ ba World Cup 2022; vô địch liên tiếp hai kỳ SEA Games (2019 và 2021)... đó đều là những kỳ tích của bóng đá nước nhà dưới thời HLV người Hàn Quốc.
Nhằm tiếp tục nâng tầm, đến ngày 27/2/2023, Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã chính thức công bố hợp đồng với HLV Philippe Troussier. Theo đó, nhà cầm quân người Pháp sẽ dẫn dắt đội tuyển quốc gia và đội tuyển U23 Việt Nam trong 3 năm với mục tiêu chính là vòng loại World Cup 2026.
Với 1 bản CV danh giá, nhưng quan điểm chiến thuật của HLV Troussier gây nhiều tranh cãi, khi ông muốn áp dụng lối chơi kiểm soát bóng thay vì phòng ngự phản công. Về nhân sự, chiến lược gia người Pháp cũng tạo ra những luồng ý kiến trái chiều khi sử dụng nhiều gương mặt trẻ và loại bỏ không ít ngôi sao đã từng tỏa sáng.
4. Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tham dự VCK World Cup nữ 2023
Ngày 22/7/2023 đi vào lịch sử bóng đá nước nhà khi Quốc ca Việt Nam chính thức vang lên tại VCK FIFA World Cup nữ 2023, trong khuôn khổ trận đấu mở màn bảng E giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Mỹ được tổ chức ở SVĐ Eden Park (Auckland, New Zealand).
Trước nhà ĐKVĐ giải đấu và dù có sự chênh lệch lớn về trình độ, nhưng các cô gái Việt Nam đã thể hiện được tinh thần thi đấu kiên cường và chỉ thua đội tuyển Mỹ với tỷ số 0-3. Dù vậy, không ngoài dự đoán, thầy trò HLV Mai Đức Chung đã dừng bước tại vòng bảng khi thua tiếp Bồ Đào Nha 0-2 và Hà Lan 0-7, nhưng việc gần đầu góp mặt tại sân chơi bóng đá nữ số 1 hành tinh đã là thành công lớn với bóng đá nữ Việt Nam.
Sau World Cup, trong năm 2023, đội tuyển nữ Việt Nam còn tham dự vòng loại Olympic Paris 2024 và ASIAD 19, tuy nhiên đều không thành công và HLV Mai Đức Chung cũng quyết định chia tay sau 20 năm cùng làm nên nhiều kỳ tích cho bóng đá nữ nước nhà.
5. 1 năm kỳ tích của bóng chuyền nữ Việt Nam
Riêng trong năm 2023, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam tham dự tổng cộng 9 giải đấu, một con số được xem là kỷ lục. Và tuyệt vời hơn là các cô gái bóng chuyền đã gặt hái rất nhiều "trái ngọt" trong 1 năm lịch sử này.
Đầu tiên phải kể đến chức vô địch giải các CLB nữ châu Á, được tổ chức tại Vĩnh Phúc vào tháng 4. 2 tháng sau, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã giành chiến thắng 3-2 trước Indonesia ở Cúp bóng chuyền Challenge châu Á, qua đó đoạt tấm vé duy nhất dự Cúp bóng chuyền Challenge thế giới 2023. Đây là những chức vô địch châu lục ở cấp CLB và ĐTQG đầu tiên trong lịch sử của bóng chuyền nữ Việt Nam.
Sau trải nghiệm ở Challenge thế giới 2023, các cô gái tiếp tục tham dự giải vô địch bóng chuyền nữ châu Á, xuất sắc đánh bại Hàn Quốc trên hành trình vào bán kết lần đầu tiên trong lịch sử. Trong năm, đội lại tham dự ASIAD 19 và cũng vào đến bán kết để một lần nữa kết thúc trong Top 4 đội tuyển mạnh nhất châu lục.
II. THỂ THAO THẾ GIỚI
1. World Cup nữ 2023 thành công vang dội
Lần đầu tiên trong lịch sử, World Cup nữ được tổ chức ở hơn 1 quốc gia, và mở rộng tới 32 đội. Vì thế, nó mở ra cơ hội cho những đội tuyển như Việt Nam, Philippines lần đầu dự VCK.
Sau một tháng tranh tài, đội tuyển Tây Ban Nha lần đầu vô địch khi đánh bại Anh 1-0 ở chung kết nhờ bàn duy nhất của Carmona. Không ngạc nhiên khi các cô gái xứ đấu bò cũng sở hữu hai danh hiệu cá nhân khác là Cầu thủ xuất sắc nhất (Aitana Monmati) và Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất (Salma Paralluello). Hinata Miyaza (Nhật Bản) nhận danh hiệu Vua phá lưới với 5 bàn thắng, còn Mary Earp (Anh) là Thủ môn xuất sắc nhất.
World Cup nữ 2023 chứng kiến Đức lần đầu tiên bị loại ở vòng bảng, và Mỹ lần đầu tiên bị loại ở vòng 1/8. Giải đấu này cũng lập kỷ lục về số khán giả đến sân xem với gần 2 triệu người, kèm theo là những thay đổi lớn về doanh thu bản quyền truyền hình cũng như mức thưởng, hỗ trợ từ Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA cho các đội bóng tham dự.
2. Lionel Messi lần thứ 8 giành Quả bóng Vàng
Với việc VCK World Cup 2022 diễn ra vào mùa Đông, và những màn trình diễn tại đây được tính cho cuộc đua Quả bóng Vàng 2023, Lionel Messi đã tận dụng tốt thời cơ để lần thứ 8 đoạt danh hiệu này.
Siêu sao người Argentina đã trải qua một giải đấu không thể quên khi rực sáng giúp đội nhà lên ngôi vô địch. Ở Qatar, Messi ghi bàn ở mọi vòng đấu, và nhận danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất giải. Nhờ thành tích ấn tượng cùng đội tuyển Argentina, trong cuộc bầu chọn từ số phiếu bầu của 100 nhà báo đến từ các quốc gia có thứ hạng cao nhất trong bảng xếp hạng FIFA, Messi nhận được 462 điểm. Anh nhiều hơn Erling Haaland - ngôi sao trong cú ăn ba của Man City - đến 105 điểm, và hơn Mbappe - Vua phá lưới World Cup 2022 (8 bàn) 192 điểm.
Messi đã tự phá kỷ lục của chính mình khi giành 8 Quả Bóng Vàng, vào các năm 2009, 2010, 2011, 2012, 2015, 2019, 2021 và 2023. Anh bỏ xa cầu thủ đứng sau với 5 danh hiệu là Cristiano Ronaldo.
3. Man City giành cú ăn ba lịch sử
Ở cấp độ CLB, Man City chính là đội bóng xuất sắc nhất trong năm 2023 với cú ăn ba lịch sử. Kỳ tích ấy đã được xác lập sau chiến thắng 1-0 trước Inter Milan ở chung kết Champions League (Rodri ghi bàn duy nhất) hôm 10/6. Trước đó, họ đánh bại MU 2-1 ở chung kết cúp FA, và vô địch Ngoại hạng Anh với 5 điểm nhiều hơn đội á quân Arsenal.
Erling Haaland dĩ nhiên là nhân tố nổi nhất trong chiến tích kỳ vĩ ấy của Man City. Ngay mùa đầu tiên ở Ngoại hạng Anh, anh ghi 36 bàn/35 trận, vượt kỷ lục 32 bàn của Mohamed Salah. Tại Champions League, anh cũng đoạt danh hiệu Vua phá lưới. Tính trên mọi mặt trận, Haaland ghi tới 52 bàn thắng. Ngoài ra, Man City còn sở hữu chân chuyền số một Kevin De Bruyne với 31 đường kiến tạo thành bàn.
Kết thúc mùa giải kỳ diệu 2022-23, Haaland nhận danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất của UEFA, Pep Guardiola là HLV xuất sắc nhất. Ngoài ra, có đến 7 cầu thủ Man City hiện diện trong đội hình tiêu biểu của UEFA.
4. Novak Djokovic thống trị Grand Slam
Khởi đầu năm 2023 bằng việc trở lại Australia Open sau 1 năm bị cấm nhập cảnh vì không chịu tiêm vắc-xin ngừa Covid, Novak Djokovic đã cân bằng kỷ lục 22 Grand Slam mà Rafael Nadal đang nắm giữ sau khi hạ Stefanos Tsitsipas ở trận chung kết.
Đến Roland Garros - giải đấu mà Nadal vắng mặt vì chấn thương, Djokovic tiếp tục cho thấy mình không có đối thủ khi đánh bại Casper Ruud ở chung kết để lập kỷ lục mới 23 Grand Slam. Sau thất bại trước Carlos Alcaraz ở chung kết Wimbledon, Djokovic tiếp tuc đăng quang tại giải Mỹ mở rộng (thắng Daniil Medvedev ở chung kết) để nâng cao thành tích của mình lên 24 Grand Slam - cân bằng kỷ lục cả nam và nữ do huyền thoại Margaret Court đang nắm giữ.
Sau khi vô địch Paris Masters và ATP Finals, Djokovic đã lần thứ 8 kết thúc năm ở ngôi số một thế giới. Và với việc chưa hề có ý định giải nghệ, Djokovic nhiều khả năng sẽ tiếp tục xô đổ các cột mốc trong năm 2024 khi mà anh vẫn giữ được thứ tennis đỉnh cao, dù đã 36 tuổi.
5. Làn sóng mang tên Saudi Pro League
Sau khi Ronaldo "nổ phát súng lệnh" khi gia nhập Al Nassr với mức lương lên tới hơn 200 triệu euro/mùa, một loạt ngôi sao lớn của châu Âu cũng cập bến giải đấu giàu sụ này. Có thể kể đến những cái tên đình đám khác như Karim Benzema, N'Golo Kante (Al Ittihad), Riyad Mahrez, Roberto Firmino (Al Ahli), Neymar, Milinkovic-Savic (Al Hilal), Sadio Mane, Alex Telles (Al Nassr),…
Trong kỳ chuyển nhượng Hè 2023 các CLB của giải Saudi Pro League (SPL) đã chi gần 1 tỷ euro để mua 94 ngoại binh đến từ 5 giải đấu lớn của châu Âu. Đặc biệt, Top 4 CLB hàng đầu của Saudi Arabia là Al Nassr, Al Ahli, Al Hilal, và Al Ittihad đã chi 835,1 triệu euro để mua sắm. Riêng Al Hilal đã chi hơn 353 triệu euro, nhiều hơn cả 2 ông lớn PSG và Arsenal.
Không lâu sau làn sóng này, Saudi Arabia đã chiến thắng trong cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup 2034. Quốc gia Tây Á này cũng không giấu diếm tham vọng đưa giải đấu và ĐTQG Saudi Arabia lên trình độ hàng đầu thế giới.
Tags