(Thethaovanhoa.vn) - Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê - nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc dân tộc nổi tiếng ở Việt Nam, người có công lớn trong việc quảng bá âm nhạc Việt Nam nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung ra thế giới.
Ngày 24/7/2021, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, những văn nghệ sỹ, những người yêu mến âm nhạc truyền thống trên khắp mọi miền đất nước lại nhớ đến ông, nhớ đến những đóng góp to lớn của ông trong việc bảo vệ, gìn giữ âm nhạc cổ truyền của dân tộc và đưa âm nhạc dân tộc Việt Nam đến với thế giới.
Một đời tâm huyết với âm nhạc dân tộc
Giáo sư Trần Văn Khê (24/7/1921- 24/6/2015) đã sống một cuộc đời thật đặc biệt. Ông sinh ra trong gia đình có bốn đời là nhạc sỹ truyền thống, tại Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Gia đình ông đã nhiều thế hệ là nghệ nhân âm nhạc cổ truyền nổi tiếng. Cụ cố nội là ông Trần Quang Thọ (nhạc công triều đình Huế). Ông nội ông là Trần Quang Diệm (Năm Diệm) chơi đàn kìm, tranh, tỳ bà.
Cha ông là Trần Quang Chiêu (Bảy Triều) nổi tiếng trong giới nhạc tài tử Nam bộ với những ngón đàn kìm độc đáo. Cô ruột ông là Trần Ngọc Viện (tức Ba Viện) - người sáng lập gánh hát Đồng Nữ Ban nổi tiếng ở Vĩnh Kim (Mỹ Tho). Cụ cố ngoại ông là tướng quân Nguyễn Tri Phương. Ông ngoại ông là Nguyễn Tri Túc, cũng say mê âm nhạc, có ba người con đều theo nghiệp đờn ca. Một trong số đó, Nguyễn Tri Khương là thầy dạy nhạc và nhà soạn tuồng cải lương nổi tiếng…
Lớn lên trong cái nôi của âm nhạc truyền thống, nên từ nhỏ cậu bé Trần Văn Khê đã được làm quen với nhạc cổ truyền và tình yêu âm nhạc đã đi vào tâm thức của ông một cách rất tự nhiên. Từ năm 6 tuổi, ông đã được dạy và biết đánh đàn kìm (đàn nguyệt), 8 tuổi biết đánh đàn cò (đàn nhị), 12 tuổi biết đánh đàn tranh, 14 tuổi biết chơi trống nhạc…
Cha mẹ mất sớm, ông cùng với hai em là Trần Văn Trạch và Trần Ngọc Sương được cô Ba Viện nuôi nấng và cho đi học. Từ tiểu học đến trung học, Trần Văn Khê đều học rất giỏi, ông đã giành được nhiều phần thưởng lớn nhờ có thành tích học tốt.
Năm 1942, Trần Văn Khê ra Hà Nội học Y khoa. Tại đây, ông cùng với một số người bạn là Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Phan Huỳnh Tấng (nay đổi thành Phạm Hữu Tùng), Nguyễn Thành Nguyên, hoạt động trong khuôn khổ của Tổng hội Sinh viên. Ông còn tham gia phong trào "Truyền bá quốc ngữ"… Năm 1943, ông cưới bà Nguyễn Thị Sương, sau đó vì nhiều lý do, ông phải xin thôi học để trở về miền Nam. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia kháng chiến một thời gian rồi về vùng Pháp kiểm soát cuối năm 1946.
Năm 1949, ông sang Pháp du học và tốt nghiệp trường Chính trị Khoa giao dịch quốc tế. Nhưng cơ duyên lại đưa ông đến với âm nhạc và theo học khoa Nhạc học của Đại học Sorbonne, ông thực hiện luận án tiến sĩ dưới sự chỉ đạo của các Giáo sư Jacques Chailley, Emile Gaspardone và André Schaeffner. Tháng 6/1958, ông bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ Văn khoa (môn Nhạc học) của Đại học Sorbonne với đề tài chính là "Âm nhạc truyền thống Việt Nam", cùng 2 đề tài phụ là: "Khổng Tử và âm nhạc" và "Vị trí âm nhạc trong xã hội Việt Nam". Ông trở thành người Việt Nam đầu tiên đỗ bằng Tiến sĩ ngành dân tộc nhạc học tại Pháp và là Giáo sư tại Đại học Sorbonne (Pháp). Từ đó, ông bắt đầu con đường giảng dạy và truyền bá âm nhạc dân tộc Việt Nam ra thế giới.
Giáo sư Trần Văn Khê từng là thành viên của Viện Khoa học Pháp, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm châu Âu về Khoa học, Văn chương và Nghệ thuật, cũng như nhiều hội nghiên cứu âm nhạc quốc tế khác. Ông là Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện quốc tế nghiên cứu âm nhạc bằng phương pháp đối chiếu của Đức…
Năm 2006, ông chính thức trở về sinh sống và tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu, giảng dạy âm nhạc dân tộc tại Việt Nam. Năm 2015, ông qua đời tại Thành phố Hồ Chí Minh, thọ 94 tuổi. Ông cũng là người đã hiến tặng cho Thành phố Hồ Chí Minh 420 kiện hiện vật quý, trong đó có nhiều loại nhạc cụ dân tộc và tài liệu âm nhạc.
Trong cuộc đời hoạt động âm nhạc của mình, Giáo sư Trần Văn Khê đã giành được nhiều giải thưởng lớn gồm: Giải thưởng lớn Hàn lâm Viện Đĩa hát Pháp, Giải thưởng Đại học Pháp, Giải thưởng Dân tộc nhạc học năm 1960 và 1970, tiến sĩ danh dự về Âm nhạc Đại học Ottawa (Canada, 1975), Giải thưởng lớn về Âm Nhạc UNESCO và Hội Đồng quốc tế Âm nhạc (1981), Huân chương Nghệ thuật và Văn chương Cấp Officier, Bộ Văn hóa Chính phủ Pháp tặng (1991), Giải thưởng quốc tế về Dân tộc nhạc học KOIZUMI Fumio (Nhật Bản, năm 1995), Tiến sĩ danh dự về Dân tộc Nhạc học Đại học Moncton (Canada, 1999), Huy chương Vì Văn hóa Dân tộc của Bộ Văn hóa Việt Nam trao tặng năm 1998, Huân chương Lao động hạng nhất do Chủ tịch Trần Đức Lương trao tặng năm 1999, Giải thưởng Đào Tấn do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc trao tặng năm 2005, Giải thưởng Phan Châu Trinh về nghiên cứu năm 2011.
Đưa âm nhạc dân tộc ra thế giới
Nhắc đến Giáo sư Trần Văn Khê, những người yêu âm nhạc dân tộc Việt Nam nhớ đến những đóng góp lớn lao của ông đối với nền văn hóa nghệ thuật nước nhà. Ông được xem là người có công lớn trong việc đưa âm nhạc dân tộc Việt Nam đi vào bản đồ âm nhạc thế giới và quảng bá âm nhạc Việt Nam nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung ra thế giới. Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên được ghi tên vào Đại từ điển Âm nhạc thế giới.
Sinh thời, Giáo sư Trần Văn Khê từng nói, ông luôn thương nước Việt Nam, nên ông đã chọn con đường nghiên cứu, giảng dạy, thuyết giảng về âm nhạc để giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về Việt Nam… Có lẽ vì thế mà ông đã dành cả đời mình cho công cuộc sưu tầm, nghiên cứu và quảng bá những giá trị đặc sắc của âm nhạc truyền thống Việt Nam đến với bạn bè năm châu, để từ đó họ yêu hơn và hiểu hơn về đất nước Việt Nam.
Giới âm nhạc từng ví, Giáo sư Trần Văn Khê là một "cây đại thụ" trong làng âm nhạc dân tộc Việt Nam, ông như một "pho sử", một "từ điển sống" về âm nhạc dân tộc Việt Nam, bởi ông có cả một "kho tri thức" về chèo, tuồng, ả đào, hát xẩm, hát ví, hát bài chòi, điệu hò, điệu lý, nhạc tài tử… Bằng kiến thức, tài năng và tâm huyết của mình, Giáo sư Trần Văn Khê đã giúp nhiều người Việt Nam và nhiều người trên khắp thế giới hiểu và yêu vẻ đẹp của âm nhạc dân tộc. Ông là người đã có những đóng góp quan trọng trong việc đưa Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Đờn ca tài tử Nam bộ… trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trong suốt thời kỳ hoạt động âm nhạc ở nước ngoài, Giáo sư Trần Văn Khê đã đi nhiều nước trên thế giới để thuyết trình và biểu diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam. Đặc biệt, ông không bỏ qua một cơ hội nào để nhạc truyền thống Việt Nam được góp mặt trên các diễn đàn, để chứng minh cho bạn bè khắp năm châu hiểu thêm về sự đa dạng, phong phú và đặc sắc của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Ông đã tham dự khoảng 210 hội nghị quốc tế về âm nhạc ở 67 quốc gia, tham dự khoảng 20 liên hoan quốc tế về âm nhạc. Trong đó, rất nhiều hội nghị và liên hoan đã được Giáo sư Trần Văn Khê giới thiệu những nét đặc sắc của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Ngoài ra, ông còn viết nhiều bài báo, tham luận về âm nhạc truyền thống Việt Nam đăng trên nhiều báo, trong đó có tạp chí của UNESCO được dịch ra 14 thứ tiếng.
Từ những năm 70 của thế kỷ trước, Giáo sư Trần Văn Khê đã rất quan tâm tới vấn đề bảo tồn và quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam. Năm 1976, khi đất nước vừa thống nhất, ông về nước, miệt mài thu âm các loại hình âm nhạc truyền thống ở Bắc Bộ như quan họ, ca trù. Đặc biệt, bản thu âm tiếng hát của các nghệ nhân Quách Thị Hồ và Nguyễn Thị Phúc, tiếng đàn đáy của cụ Đinh Khắc Ban, tiếng trống chầu của cụ Trúc Hiền đã được đánh giá cao tại Liên hoan Âm nhạc Quốc tế Bình Nhưỡng (1983).
Cả cuộc đời mình, Giáo sư Trần Văn Khê dành cho âm nhạc dân tộc. Năm 2006, ông chuyển hẳn về Việt Nam sinh sống, mang theo rất nhiều tư liệu, hiện vật quý giá về âm nhạc dân tộc. Đến khi ra đi, di nguyện của ông là: Tất cả những hiện vật liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của ông từ Pháp mang về Việt Nam như: Sách vở, báo chí, đĩa hát các loại, phim ảnh, nhạc khí, máy ghi hình, máy ghi âm, tranh, hình ảnh... được dùng vào việc bảo tồn và phổ biến văn hóa truyền thống Việt Nam. Có thể nói, di sản ông để lại là "gia tài" vô giá dành cho những ai yêu, muốn nghiên cứu, tìm hiểu về âm nhạc dân tộc Việt Nam.
Những ngày này, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Giáo sư Trần Văn Khê, Quỹ Trần Văn Khê và Nhóm thân hữu đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm cổ vũ và gìn giữ, phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống Việt Nam, trong đó có cuộc thi tìm hiểu về Giáo sư Trần Văn Khê và âm nhạc dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, Quỹ học bổng Trần Văn Khê đã chính thức được UBND Thành phố Hồ Chí Minh cấp phép thành lập là một sự kiện có ý nghĩa lớn nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.
- Giáo sư Trần Văn Khê và những lựa chọn quan trọng
- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viếng Giáo sư Trần Văn Khê
- Giáo sư Trần Văn Khê có nhiều đóng góp lớn trong việc bảo tồn Nhã nhạc cung đình Huế
Quỹ Học bổng ra đời nhằm khuyến khích học sinh - sinh viên, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ đóng góp và phát huy giá trị âm nhạc dân tộc. Quỹ sẽ tiến hành trao giải thưởng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động âm nhạc truyền thống, đồng thời cấp học bổng nhằm tiếp thêm lửa để các thế hệ học sinh - sinh viên có động lực theo đuổi nền nghệ thuật âm nhạc dân tộc nước nhà. Việc xét tặng giải thưởng được thực hiện luân phiên theo từng khu vực Nam, Trung, Bắc. Riêng năm 2021, Quỹ sẽ xét tặng giải cho khu vực Nam Bộ. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 bùng phát, nên không thể tổ chức trao giải thưởng như dự kiến. Do đó, Hội đồng quản lý Quỹ đã quyết định dời hoạt động này vào tháng 11/2021, nhân dịp Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11). Cũng trong dịp này, Hội đồng quản lý Quỹ dự kiến sẽ tổ chức hội thảo "Trần Văn Khê với các giá trị truyền thống và đương đại".
Cùng với Quỹ Học bổng, Nhóm thân hữu Trần Văn Khê cũng đang xúc tiến thành lập không gian văn hóa mang tên ông tọa lạc trong khuôn viên Trường Đại học Văn Lang, Thành phố Hồ Chí Minh. Dự kiến, đây sẽ là không gian trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật về Giáo sư Trần Văn Khê đến công chúng và sinh viên, đồng thời còn là nơi giao lưu, gặp mặt của giới trí thức, nhà văn hóa, âm nhạc trong và ngoài nước yêu mến ông…
Giáo sư Trần Văn Khê đã rời cõi tạm tròn 6 năm, nhưng với những người yêu và gắn bó với âm nhạc truyền thống thì ông mãi mãi là người làm rạng danh nền âm nhạc truyền thống Việt Nam, là người thầy, người truyền lửa để tình yêu âm nhạc dân tộc luôn sống cùng thời gian.
Phương Hà/TTXVN
Tags