(Thethaovanhoa.vn) - Người Argentina có câu nói rằng: “Mọi thứ đều thay đổi, ngoại trừ điệu tango”. Điều đó đã đúng - cho đến khi Astor Piazzolla tạo ra một cuộc cách mạng về thể loại này.
Hiếm có nhà soạn nhạc nào gắn liền với một phong cách âm nhạc như Astor Piazzolla từng gắn với điệu tango. Ban đầu, Piazzolla chỉ là một nghệ sĩ đam mê nhạc jazz và có chút yêu thích dòng nhạc này. Nhưng mọi thứ đã thay đổi đáng kể.
Điệu nhạc của tuổi thơ
Astor Pantaleon Piazzolla chào đời cách đây tròn 100 năm (tháng 3/1921) tại khu nghỉ mát bên bờ biển Mar del Plata (Argentina). Ông là con của những người nhập cư Italy. Đất nước Nam Mỹ này không mang lại nhiều hy vọng về sự thịnh vượng, vì vậy khi Piazzolla mới 4 tuổi, cha mẹ ông đã khăn gói chuyển đến New York (Mỹ) để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cha ông - Vincente - đã mở một tiệm làm tóc ở thành phố mới này, nhưng con trai ông trở nên say mê âm nhạc hơn là nghề làm tóc. Piazzolla học chơi piano từ khi còn nhỏ và nhanh chóng phát triển niềm yêu thích nhạc jazz và các bản nhạc của Johann Sebastian Bach.
Tuy nhiên, trong nhà Piazzolla luôn vang lên những giai điệu tango vì cha ông luôn cảm thấy nhớ nhà và yêu âm thanh của dòng nhạc này hơn bất cứ thứ gì khác. “Cha tôi nghe tango mọi lúc và suy nghĩ mông lung về Buenos Aires, về gia đình và bạn bè của ông ấy. Luôn chỉ là tango, tango, tango” - Piazzolla nhớ lại.
Vincente đã tặng cho con trai mình một cây đàn bandoneon và cậu bé 8 tuổi không chỉ siêng năng luyện tập piano mà còn cả nhạc cụ này. Có điều, niềm đam mê tango vẫn chưa hề trỗi dậy ở chàng trai trẻ Piazzolla ngay cả khi ông gặp ca sĩ Carlos Gardel – “vị thần tango” của những năm 1930 - vào năm 1935. Khi ấy, Piazzolla đóng vai một cậu bé bán giấy trong bộ phim El día que me quieras (The Day That You Love Me) được quay ở Mỹ, còn Gardel đóng vai chính.
Năm 1937, gia đình Piazzolla trở lại Buenos Aires. Và Piazzolla trải qua một bước ngoặt mới với tango. Khi tham dự buổi biểu diễn của ban hòa tấu Elvino Vardaro, Piazzolla nhận thấy rằng thể loại này có thể được diễn giải trên sân khấu theo một cách hoàn toàn mới. Ngọn lửa bùng cháy trong chàng trai trẻ và Piazzolla tham gia vào dàn nhạc tango nổi tiếng do Anibal Troilo chỉ huy.
Nhưng phải mất nhiều năm, Piazzolla mới phát triển những giai điệu tango độc đáo của riêng mình. Piazzolla có những mục tiêu hoàn toàn khác. Ông muốn trở thành một nhà soạn nhạc cổ điển và đã theo học Alberto Ginastera - một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất trong thời đại của ông. Piazzolla đã sáng tác các bản giao hưởng, cho dàn nhạc, nhạc thính phòng và cả một số bản tango nữa. Có điều, những bản tango của Piazzolla không dành cho công chúng vì ở quê hương ông, thời đó người ta vẫn còn mang tư tưởng nặng nề về nơi khai sinh ra điệu tango: quận cảng cũ La Boca ở Buenos Aires.
Vào cuối thế kỷ 19, La Boca là một lưu vực cho những đám người nhập cư muốn làm nên cơ đồ trên sông Rio der la Plata. Nhưng tất cả đều sớm vỡ mộng. Nhiều người muốn trốn khỏi thực tế đó bằng cách lao vào vòng tội phạm, say mê rượu chè, cờ bạc và mại dâm - và điệu tango phản ánh thế giới này.
Trong những ngày đầu, giới thượng lưu Argentina cảm thấy xấu hổ vì điệu tango “tục tĩu” từ các rãnh nước của thành phố. Phải mất một thời gian dài dòng nhạc này mới được xã hội chấp nhận.
Tango để lắng nghe
Piazzolla cũng vậy. Ban đầu ông giấu kín “chuyến du ngoạn” âm nhạc của mình vào thế giới tango khi nhận được học bổng ở Paris năm 1954 và được phép thử giọng với giáo viên âm nhạc nổi tiếng thế giới người Pháp Nadia Boulanger. Tại buổi thử giọng, Piazzolla muốn tỏa sáng với những tác phẩm cổ điển, nhưng Boulanger nhận thấy những gì Piazzolla thể hiện trên cây đàn piano vẫn thô cứng và thiếu cảm xúc. Cho đến khi Piazzolla chơi một bản tango của mình thì Boulanger thốt lên: “Đó mới thực sự là Piazzolla - đừng bao giờ rời xa cách chơi này”.
Boulanger đã dạy Piazzolla tin tưởng vào bản thân. Sau này ông kể lại: “Tôi nghĩ rằng mình là một tên cặn bã khi chơi tango trong những chiếc taxi, nhưng Boulanger đã khiến tôi nhận ra rằng tôi có phong cách”.
Kể từ thời điểm đó, Piazzolla trút bỏ mọi mặc cảm về nhạc tango. Về nước, ông thành lập nhóm nhạc Octeto Buenos Aires vào năm 1955, gồm cả một cây guitar điện đột phá – nhạc cụ chưa từng được nghe trong điệu tango trước đó.
Piazzolla đã sáng tạo liên tục để định nghĩa lại điệu tango và trình bày nó theo cách đương đại. Tango của ông không phải để khiêu vũ mà để lắng nghe, như Piazzolla từng tuyên bố. Ông “chỉnh trang” điệu tango với các yếu tố nhạc jazz và văn hóa dân gian đồng thời thử một số kỹ thuật mới. Tuy nhiên, những người theo chủ nghĩa thuần túy tango lại không chấp nhận.
“Có những tổng thống mới, giám mục mới, cầu thủ bóng đá mới, mọi thứ đều thay đổi, nhưng điệu tango? Không! Những người này muốn tango cổ xưa, nhàm chán và luôn giống nhau” - Piazzolla than thở. Sự thù địch đối với “Tango Nuevo” (thể loại nhạc trong đó các yếu tố mới được kết hợp vào âm nhạc tango truyền thống) của Piazzolla leo thang đến mức đôi khi ông và gia đình hầu như không dám đi bộ trên đường phố Buenos Aires. Tại các buổi hòa nhạc, khán giả hét lên đòi nghe “tango thực sự”.
- Ca khúc 'Livery Stable Blues': Những tranh cãi về bản thu nhạc jazz đầu tiên
- Nhạc Jazz Đức 'khuấy động' Liên hoan Âm nhạc châu Âu
- Nhạc jazz trong những ngày châu Âu
Từ “tội đồ” trở thành người hùng dân tộc
Piazzolla không hề cảm thấy nản lòng. Tuy nhiên, vì không đạt được thành công về mặt thương mại, Piazzolla rời Argentina để trở về quê hương Italy của tổ tiên mình vào năm 1974 và không trở lại Argentina trong hơn 10 năm. Ông bị ám ảnh với Tango Nuevo, làm nhạc, sáng tác và hợp tác với các nhạc sĩ nhạc jazz, cổ điển.
Nhiều tác phẩm của ông hiện là một phần của các tiết mục tiêu chuẩn của các dàn nhạc lớn. Piazzolla đã sáng tác Adios Nonino - một bài hát chia tay - chỉ trong 30 phút vào năm 1959, khi ông biết tin cha mình qua đời khi đang trong một chuyến lưu diễn. Năm 1974, ông viết Libertango - tác phẩm đưa Grace Jones vào các bảng xếp hạng nhạc pop 8 năm sau đó với tựa đề I've Seen That Face Before.
Nhà soạn nhạc đã không mệt mỏi theo đuổi sáng tạo của mình cho đến khi ông bị xuất huyết não ở Paris hồi năm 1990. Chính Tổng thống Argentina Carlos Menem đã can thiệp để đưa Piazzolla trở về quê hương. Đáng nói nữa, người Argentina không chỉ hòa giải với nhà “cách tân” điệu tango mà họ còn coi Piazzolla như một vị anh hùng dân tộc.
Piazzolla qua đời tại Buenos Aires vào ngày 4/7/1992 ở tuổi 71. Ông không thực hiện được ước mơ viết một vở opera tango về việc khám phá nước Mỹ, nhưng ông đã để lại một gia tài âm nhạc lớn gồm hơn 300 bản tango và 50 bản nhạc phim.
“Tôi có tưởng tượng rằng tác phẩm của mình sẽ vẫn được nghe vào năm 2020 và cả năm 3000... Bởi vì vào năm 1955, điệu tango cũ mất đi và một điệu mới ra đời” – Piazzolla từng chia sẻ.
Libertango do Grace Jones trình bày với tựa đề "I've Seen That Face Before":
Việt Lâm (tổng hợp)
Tags