(Thethaovanhoa.vn) - Từ thuở còn quàng khăn đỏ tôi đã sống với ánh bình minh Ai dậy sớm, sống với tình thân ái tỏa ra từ Những chiếc áo ấm… Đến tuổi thanh xuân tâm hồn tôi đã vang lên tiếng “gà gáy” từ Quê nội của Võ Quảng. Có lẽ cũng là do sự yêu thích ánh mặt trời buổi sớm ảnh hưởng từ thơ văn Võ Quảng nên tôi đã đặt tên cho tác phẩm đầu tay của mình là Những tia nắng đầu tiên.
Năm 1979 khi được đi dự Trại sáng tác do NXB Kim Đồng tổ chức tại TP Nha Trang, tôi được gặp nhà văn Võ Quảng. Ông có gương mặt và ánh mắt sáng láng hiền hậu, khi nói chuyện thỉnh thoảng ông mỉm cười hóm hỉnh. Ngày ấy tôi đang là giáo viên ở một ngôi trường làng ngoại thành Hà Nội. Ông nói với tôi một câu mà tôi nhớ mãi: “Cô đang ở một nơi mà biết nhìn sâu sẽ vươn tới cái nhìn xa”.
Cuộc dấn thân trọn vẹn
Thuở đó tôi chưa thật thấu hiểu câu nói ấy và càng chưa hiểu về con người nói câu đó, về sau tôi mới thấm thía hơn…
Thực ra tôi đã được “gặp” nhà văn Võ Quảng từ khi đọc những bài thơ Gà mái hoa, Mời vào, Ai dậy sớm… xem bộ phim hoạt hình Những chiếc áo ấm và say sưa với những trang văn Quê nội đã nhiều năm, trước khi được gặp gỡ và trò chuyện cùng ông ở Nha Trang… Sau này được làm biên tập ở NXB Kim Đồng, đọc thơ văn, bài viết của nhà văn Võ Quảng như một người đồng nghiệp, một người bạn vong niên, tôi mới hiểu rằng để đạt tới những vần thơ, những áng văn lấp lánh đó, ông đã có một cuộc dấn thân trọn vẹn.
Trong một cuộc thảo luận về sự dấn thân của người trí thức, tôi đã được biết một ý kiến cho rằng: “Người dám dấn thân là người hình thành được chủ kiến về đề tài mà mình theo đuổi, đẩy nó lên đỉnh cao nhất của sự tìm tòi suy nghĩ, rồi sau đó tìm mọi cách để hiện thực hóa chủ kiến đó”.
Võ Quảng đã là một người như thế! Ông ấp ủ một tư tưởng tiến bộ về văn học dành cho trẻ em từ những năm hoạt động cách mạng ở Quảng Nam. Võ Quảng là học trò thân thiết của nhà giáo, nhà thơ Khương Hữu Dụng (dịch giả Hán Nôm) và giáo sư văn học Huỳnh Lý (dịch giả Không gia đình của Hector Malot). Từ khi là học trò ông đã tìm đọc sách của những triết gia khai sáng như Voltaire và Jean-Jacques Rousseau. Đến khi tập kết ra Bắc gặp gỡ nhà văn Tô Hoài, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng… các ông đã cùng đồng lòng sáng lập NXB Kim Đồng. Khi nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ trần, nhà văn Tô Hoài công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam, Võ Quảng đã là Tổng biên tập đầu tiên của NXB Kim Đồng.
Võ Quảng là học sinh trường Quốc học Huế như các nhà thơ nổi tiếng Huy Cận, Xuân Diệu, Tố Hữu… nhưng ông không theo con đường Thơ mới như Huy Cận, Xuân Diệu, cũng không làm Thơ chính luận như Tố Hữu. Ông khai mở con đường Thơ thiếu nhi! Tập thơ đầu tiên của Võ Quảng là Gà mái hoa (1957), khi ấy ông đã ở tuổi 37.
Từ khi 18 tuổi, Võ Quảng đã tham gia tổ chức Thanh niên Dân chủ rồi Thanh niên Phản đế. Khi 21 tuổi vì tham gia cách mạng bị địch bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế), ông đã vượt qua mọi thử thách, uy vũ không khuất phục, giàu sang không cám dỗ, kiên gan theo cách mạng.
Sau khi ra tù, từ 1944 ông trở về tham gia cuộc vận động Cách mạng tháng Tám, đã từng là Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến TP Đà Nẵng, đã từng là Phó Chánh án Tòa án quân sự miền Nam Việt Nam. Võ Quảng đã là một người như thế, ông đã trải qua mọi thử thách trong cuộc sống để tìm thấy một con đường của mình: Con đường thơ văn cho trẻ em. Kỳ diệu thay, ông không rơi vào bi kịch “lực bất tòng tâm”, ông có tâm và lại có tài để dấn thân thực hiện ước mơ và chủ kiến của mình.
Ngay từ tác phẩm thơ đầu tiên xuất hiện năm 1957, Võ Quảng đã sáng tạo một phong cách thơ thiếu nhi! Tác phẩm Gà mái hoa có nhạc điệu rộn rã như tiếng trống hát bội (tuồng cổ) đã từng thấm thía trong tâm hồn Võ Quảng từ thời thơ ấu. Hình tượng Gà mái hoa rất sinh động, hồn nhiên, chân thật:
Bỗng mái hoa đổi nết/ Cái đầu nó nghênh nghếch/ Cái cổ nó thon thót/ Nó kêu: Tốt, tốt, tốt!/ Nó nhảy lên bàn/ Nó đạp ngã bát/ Bát rơi đánh đốp…!
Võ Quảng đã nhìn “nhân vật” Gà Mái hoa bằng đôi mắt ngạc nhiên hiếu động của đứa trẻ (nhân vật Tý trong bài thơ)! Lời thơ tự nhiên như tiếng nói của con trẻ, như lời đồng dao. Võ Quảng đã vượt qua tuổi tác để làm thơ thiếu nhi nhưng ông không cố tình tạo ra những câu thơ giả vờ ngây thơ, ngờ nghệch.
Thơ Võ Quảng có vẻ minh triết của một nhà văn hóa phương Đông lấy tĩnh tâm là chủ đạo: Một chú chẫu chàng/ Ngồi trên lá sen/ Mải nhìn hồ nước/ Thấy trời lộn ngược/ Mây trắng rung rinh/ Chú ngồi lặng thinh/ Như đang mơ tưởng.
Từ trạng thái “tĩnh” chuyển thành “động” rất tự nhiên, không chần chừ, rất quyết đoán: Chợt: Cạc, cạc, cạc!/ Có tiếng đàn vịt/ Chú chẫu chàng/ Nhanh như chớp/ Đánh một phóc/ Vụt biến mất! Thơ Võ Quảng rất thơ ngây và cũng rất sáng suốt. Thơ Võ Quảng không là thơ giải trí, thơ Võ Quảng gợi mở sự bừng thức trong tâm hồn.
Nhưng đã nói ở trên, tôi đã tiếp nhận ánh sáng từ thơ văn Võ Quảng. Ông là người sáng tác có ý thức trong từng câu, từng chữ. Ở bài thơ có 3 khổ thơ như bài Ai dậy sớm, tác giả đã dùng các động từ mạnh dần, khổ thứ nhất là “bước”, khổ thứ 2 là “đi”, khổ thứ 3 là “chạy”. Ở khổ cuối cùng: Ai dậy sớm/ Chạy lên đồi/ Cả đất trời đang chờ đón. Nhà thơ đã nâng tư thế của trẻ nhỏ lên giữa đất trời. Khi đọc bài thơ tự nhiên tôi có một cảm xúc vươn vai đứng dậy “làm người”! Một con người đàng hoàng giữa đất, trời, sống hòa hợp với đất, trời.
Tính khai sáng của thơ Võ Quảng thể hiện rất rõ trong một bài thơ vui vẻ đó là bài Mời vào! Bài thơ thực sự là một trò chơi với các nhân vật thỏ, nai, vạc để người chơi nhận biết ra các nhân vật, ai cũng có đặc điểm riêng. Cuối cùng là nhân vật “gió” đưa người chơi vượt ra “biển cả” với mục đích rõ ràng: “Đẩy buồm thuyền/ Đi khắp miền/Làm việc tốt!”. Bài thơ vui nhộn như tiếng vỗ tay, hấp dẫn trong từng cảnh xuất hiện của các nhân vật, cứ như thế vui vẻ tưng bừng khai mở lòng lương thiện mãi mãi cho các thế hệ thiếu nhi Việt Nam.
Đi theo “ánh sáng” của Võ Quảng
Tôi còn nhớ một ngày cuối năm 1973 khi đến trụ sở NXB Kim Đồng chợt thấy nhà văn Bùi Hồng đứng ở cổng (64 Bà Triệu) trên tay cầm một cuốn sách mới tinh, đó là cuốn Quê nội của nhà văn Võ Quảng. Ngày ấy được Tổng biên tập NXB Kim Đồng tặng một cuốn sách mới của nhà văn lớn, tôi rất xúc động. Sau đó tôi lại được chính nhà văn Võ Quảng tặng cuốn Tảng sáng (phần tiếp theo của Quê nội). Khi đưa cuốn sách cho tôi, từ ánh mắt của nhà văn Võ Quảng tỏa ra niềm tin cậy như gửi gắm một báu vật quý giá mà vàng ngọc không sánh được!
Cảm nhận lần đầu cầm trên tay Quê nội - Tảng sáng (sau này in chung là Quê nội) đã đi theo tôi suốt bao năm qua khiến tôi đọc đi đọc lại Quê nội để hiểu những gì mà nhà văn Võ Quảng và cả thế hệ các anh chị đi trước đã gửi gắm lại cho đời sau.
Dẫu tôi không phải là người quê Quảng Nam mà khi đọc Quê nội tôi bỗng thấy một tình yêu quê hương trong trái tim mình. Nói như nhà văn Đoàn Giỏi: “Xã Hòa Phước của tỉnh Quảng Nam, bối cảnh chính của tác phẩm Quê nội, một nơi tôi chưa hề tới hiện ra trong tôi như một nỗi nhớ. Tôi như gặp lại - nói theo kiểu người xưa - một quê hương tiền kiếp, như thể kiếp trước tôi đã từng sống ở đó, lớn lên và chết ở đó một lần rồi”.
Từ trang đầu tiên các hình ảnh nhân vật của cuốn sách đã hiện ra trong tiếng Gà gáy! Nhà văn Võ Quảng đã miêu tả âm thanh những tiếng gà gáy của từng nhà trong làng với đủ vẻ khác nhau mang tính cách của các nhân vật ở làng Hòa Phước. Việc mở đầu tác phẩm như thế thật vui nhộn tạo cho người đọc một tâm trạng háo hức bước vào làng Hòa Phước (không gian của cuốn sách) để đón nhận những gì sẽ đến… Thật hoàn toàn khác hẳn với tâm trạng của người đọc khi bước vào những tác phẩm nổi tiếng Việt Nam như Tắt đèn (của Ngô Tất Tố), Quê người (của Tô Hoài)…
Tác phẩm Quê nội kể về thời gian lịch sử năm 1945 bằng câu chuyện của cha con cậu bé Cù Lao trước đây nghèo khổ phải bỏ làng đi phiêu bạt nay được trở về làng trong tình thương bao bọc của bà con. Quê hương của 2 cậu bé Cục và Cù Lao (2 nhân vật chính của cuốn sách) hiện ra sống động với nghề trồng dâu nuôi tằm, nghề làm đường, với chợ Quảng Huế rộn rịp…
Cuộc kháng chiến trường kỳ hiển hiện với cảnh lên thác xuống ghềnh từ rừng thượng nguồn về miền hạ lưu sông Thu Bồn. Tiếng súng có vang lên ở một vài trang trong Quê nội nhưng những con người hiền hòa của làng quê xứ Quảng vẫn nhân hậu bên nhau sống bền bỉ với quê hương.
Quê nội dẫn người đọc về một thời lịch sử, một thời làng quê xóa bỏ các hủ tục mê tín dị đoan, người người theo học chữ quốc ngữ. Đoạn văn tả chú bé Cục dạy bà Hiến - một người phụ nữ nghèo khổ - trong làng học chữ là một đoạn văn độc đáo với những câu văn đan xen tiếng Tây, tiếng ta…
Ngôn ngữ của Võ Quảng đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Có thể nói Quê nội là cuốn sách vui tươi, chan chứa tình yêu quê hương đất nước, tình tương thân tương ái của con người. Cuốn sách đã được lớp lớp người đọc lưu giữ trong tâm hồn như một ký ức chung của nhiều thế hệ.
Đối với người viết bài này, Võ Quảng là một nhà văn có sức tỏa sáng trong từng câu thơ, từng câu văn. Ánh sáng đó là nghị lực để Võ Quảng sống trọn đời với văn học thiếu nhi Việt Nam. Tôi thực sự tự hào là người đi theo ánh sáng của Võ Quảng.
Lê Phương Liên
Tags