(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 24/2 vừa qua là thời điểm tròn 100 năm sinh Richard Hamilton (1922 - 2011), người được mệnh danh là “cha đẻ của pop-art”(nghệ thuật đại chúng).
Rất lâu trước khi những nghệ sĩ người Mỹ như Andy Warhol - được mệnh danh là “Vua pop-art” - hay James Rosenquist được biết đến với nghệ thuật đại chúng, Hamilton đã làm chấn động nền nghệ thuật của Anh khi đưa các kỹ thuật sản xuất hàng loạt vào hội họa.
Cô đơn trong hành trình đầy gian nan
Sau khi theo học các trường nghệ thuật khác nhau ở London, Hamilton bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một nghệ sĩ pop vào đầu những năm 1950. Ông là một trong những nhân vật đi đầu trong phong trào trí thức và nghệ thuật được gọi là “Nhóm độc lập” (TIG), gồm các nghệ sĩ, nhà văn và nhà phê bình trẻ tuổi gặp nhau tại Viện Nghệ thuật Đương đại, London.
Khi được hỏi về “Nhóm độc lập” 20 năm trước trong một cuộc triển lãm tại Bảo tàng Ludwig ở Cologne (Đức), Hamilton nhớ lại thời kỳ hoàng kim của nhóm: “Trong những năm 1956 - 1957, tôi bắt đầu nghĩ về lý do tại sao các nghệ sĩ lại quan tâm đến những thứ chẳng liên quan gì đến cuộc sống hàng ngày của họ.
Thời gian đó, tất cả chúng tôi đều đi xem phim ít nhất 3 lần/tuần. Nhưng hầu hết họ đều quay trở lại xưởng vẽ của mình và vẽ những bức tranh đơn sắc hoặc trừu tượng. Đó là lý do tại sao tôi lập ra một chương trình mà trong đó đã tôi đã viết ra tất cả những gì có vẻ quan trọng đối với nghệ thuật đương đại. Đó là một loại tuyên ngôn mà tôi hy vọng các đồng nghiệp sẽ quan tâm, dù điều này không thành hiện thực”.
Tuy nhiên, Hamilton không hề nản lòng. Hiện thực hóa nghệ thuật đầu tiên của tuyên ngôn này là tác phẩm sắp đặt Fun House (Ngôi nhà vui vẻ) mà ông thiết kế cho triển lãm This Is Tomorrow (Đây là ngày mai) ở London hồi năm 1956 của TIG. Cuộc triển lãm này được xem là một bước ngoặt khám phá mối liên hệ giữa nghệ thuật, văn hóa thương mại và đại chúng. Du khách phải chen chúc qua một hành lang hẹp để có được cái nhìn lướt qua những tác phẩm“pin-up” (ảnh chụp ngườiđẹp, nổi tiếng), hàng trăm quảng cáo, áp phích phim và đĩa màu quay, trong khi các bài hát của Elvis Presley và Little Richard luân phiên vang lên từ máy hát tự động. Đáng nói, trong số này, tác phẩm Just What Is It That Makes Today's Homes So Different, So Appealing? của Hamilton được sử dụng làm áp phích triển lãm và được giới phê bình và sử gia coi là một trong những tác phẩm đầu tiên của pop-art.
“Với những thứ tôi trưng bày trong Fun House, tôi cố gắng phản ánh thái độ sống của giới trẻ về âm nhạc, phim khoa học viễn tưởng, đồ vật” - Hamilton từng chia sẻ khi sinh thời - “Tôi khá cô đơn trong cuộc triển lãm với những thứ đó. Nhưng chính sự đóng góp của tôi đã gây ra xúc động với người xem”.
Vào những năm 1960, Hamilton. tập trung vào việc sử dụng nhiếp ảnh làm nền tảng cho tác phẩm của mình. Marcel Duchamp và tác giả người Ireland James Joyce với cuốn tiểu thuyết mang phong cách riêng của ông Ulysses là những hình mẫu quan trọng đối với Hamilton. Nghệ sĩ giải thích tình yêu của mình với cuốn sách được coi là đặc biệt phức tạp này: “Tôi chưa bao giờ trải nghiệm điều này trong bất kỳ cuốn sách nào khác. Joyce kết hợp toàn bộ lịch sử văn học Anh trong một chương: Shakespeare, Pope, Milton. Đối với tôi, đây là thách thức của việc kết hợp các kỹ thuật và phẩm chất hoàn toàn khác nhau vào một bức tranh”.
Trong quá trình này, Hamilton làm việc qua nhiều thể loại hội họa đặc thù: Phong cảnh, nội thất và tĩnh vật. Mỗi họa tiết, mỗi kiểu tranh đều được ông gia công và biến hóa theo những cách đa dạng nhất.
“Bắt tay” với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng
Sinh ra tại London năm 1922, Hamilton rời trường học mà không có bằng cấp chính thức và nhưng sự khéo léo thiên bẩm củaông được phát hiện tại một công ty linh kiện điện. Hamilton bắt đầu vẽ tranh tại các lớp học buổi tối trước khi nhập học tại Học viện Hoàng gia vào năm 1938. Nhưng sau 2 năm, trong Thế chiến II, ông rời ghế giảng đườngđại học để làm công việc phác thảo các bản vẽ kỹ thuật và năm 1946 lại trở lại trường. Tuy nhiên, ông sớm bị đuổi học vì trường tuyên bố “không đạt hiệu quả với hướng dẫn đưa ra”.
Sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự, Hamilton trở thành sinh viên của Trường Nghệ thuật Slade từ năm 1948 đến năm 1951. Trong năm học cuối cùng, ông bắt đầu triển lãm ở London. Một bức tranh sơn dầu trừu tượng từ thời kỳ này - Respective (1951) cho thấy mối quan tâm ban đầu của Hamilton đối với nhận thức thị giác.
Hamilton say mê với những tác phẩm của hoạ sĩ, nhàđiêu khắcngười Pháp nổi tiếng Marcel Duchamp. Năm 1966, Hamilton hỗ trợ Phòng trưng bày Tate tổ chức triển lãm về Duchamp. Nhận thấy tác phẩm Large Glass quá mỏng manh để chuyển từ quê hương của nóở Philadelphia (Mỹ), nghệ sĩ đã dành 1 năm để tạo ra một bản sao có quy mô đầy đủ, mặc dù không chính xác đến từng chi tiết. Trong quá trình tham gia tổ chức triển lãm của Duchamp tại Tate, Hamilton từ bỏ vị trí giảng dạy có ảnh hưởng của mình tại Đại học Newcastle, nơi các học trò của ông bao gồm các nghệ sĩ Rita Donagh, Tim Head, Mark Lancaster và Bryan Ferry, sau này là thủ lĩnh của ban nhạc Roxy Music những năm 1970.
Thời gian đó, tình bạn của Hamilton với nhà kinh doanh nghệ thuật Robert Fraser đã giúp ông tạo dựng được mối quan hệ với những ngôi sao văn hóa của thời đại, nổi bật là các ban nhạc rock The Beatles và Rolling Stones. Ông là tác giả bìa đơn sắc nổi tiếng của album chính thức mang tên The Beatles được tung ra hồi năm 1968 và ngày nay được biết đến nhiều hơn với cái tên The White Album. Còn với ban nhạc Rolling Stones, nghệ sĩ đã thể hiện sự tức giận tột độ với tội tàng trữ ma túy trái phép của ca sĩ của Mick Jagger (cùng với Fraser) trong loạt tác phẩm Swingeing London 67. Hamilton đã lấy bức ảnh bị cáo bị còng tay khi đến tòa trong xe cảnh sát làm tư liệu để tạo ra một loạt các tác phẩm xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông khác nhau.
Năm 2014 - 3 năm sau khi Hamilton qua đời - Tate Modern, một Trung tâm triển lãm tại Anh, đã tổ chức triển lãm lớn đầu tiên trưng bày toàn bộ tác phẩm của Hamilton, từ những thiết kế triển lãm đầu tiên vào những năm 1950 đến những bức tranh cuối cùng của ông vào năm 2011. Triển lãm khảo sát mối quan hệ của ông với thiết kế, hội họa, nhiếp ảnh và truyền hình cũng như sự tham gia và cộng tác của ông với các nghệ sĩ khác.
Hình mẫu cho các nghệ sĩ trẻ Trong cuộc đời mình, Hamilton từng đại diện cho Vương quốc Anh tham gia Venice Biennale 1993 - một trong những triển lãm nghệ thuật đương đại lớn và uy tín nhất thế giới. Không giống như Andy Warhol, James Rosenquist hay Roy Lichtenstein, Hamilton ông là một nhà tuyên truyền mà là một nhà bình luận phân tích về văn hóa đại chúng. Ông được coi là nghệ sĩ tiên phong của nghệ thuật đại chúng và các tác phẩm của ông là hình mẫu cho rất nhiều nghệ sĩ trẻ. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Tags