Trong 20 năm tồn tại, Trường Mỹ thuật Đông Dương (1925 - 1945) đã có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại trên nhiều bình diện. Trong đó, nổi bật phải kể đến những đóng góp về mặt phong cách, tiêu biểu là phong cách mỹ thuật Đông Dương được hình thành trong giai đoạn này và có ảnh hưởng đến tận ngày nay.
Theo nhà phê bình mỹ thuật Bùi Như Hương, khi nói đến Trường Mỹ thuật Đông Dương, người ta thường nói có một phong cách mỹ thuật Đông Dương, một mỹ cảm riêng, một hương vị riêng nào đó của mỹ thuật thời kỳ này. Phong cách này có thể cảm nhận được khá rõ rệt, song lại chưa xác định, khó nắm bắt.
Đa dạng bút pháp, ngôn ngữ nghệ thuật
Như lời nhà nghiên cứu này, để xem xét, tìm hiểu về một phong cách nghệ thuật, thường không thể bỏ qua 3 bước định tính - định dạng, tựa như 3 câu hỏi chính về một tác phẩm. Thứ nhất là bút pháp, ngôn ngữ nghệ thuật của họa sĩ; thứ hai là đối tượng, hình tượng, chủ đề được họa sĩ ưa thích; và thứ ba là quan niệm về vẻ đẹp thẩm mỹ cũng như vẻ đẹp tinh thần thể hiện trong tác phẩm.
Ở khía cạnh thứ nhất, bà Hương cho rằng, bút pháp, ngôn ngữ nghệ thuật thuộc phong cách mỹ thuật Đông Dương rất đa dạng. Trường Mỹ thuật Đông Dương đã dạy cho học trò các bài học về vẽ hàn lâm cổ điển, vẽ dessin, vẽ nghiên cứu hình họa cho đúng tỉ lệ, đúng giải phẫu, rồi các bài học về kỹ thuật vẽ sơn dầu. Bút pháp hiện thực cổ điển, hiện thực pha ấn tượng chủ yếu được truyền từ các thầy Victor Tardieu, Inguimberty, Nam Sơn,…
Trong đó, bút pháp hiện thực cổ điển được thấy ở một vài bức chân dung bằng sơn dầu ít ỏi còn lại của họa sĩ Nam Sơn. Còn hiện thực pha ấn tượng rất rõ nét trong sáng tác của Nguyễn Gia Trí với Bến Hồng Quảng (1948); Nguyễn Tường Lân với Thiếu nữ Trung Hoa (1946), Bà và cháu (1946); Lưu Văn Sìn với Đường đi bản Muốn (1936) và nhiều tác phẩm nổi tiếng khác của Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Mai Trung Thứ,…
Cũng theo bà Hương, "vào những năm 1930, bên cạnh bút pháp hiện thực - ấn tượng, chủ yếu vẽ bằng sơn dầu, phong cách mỹ thuật Đông Dương bắt đầu mở rộng ra, xuất hiện các tác phẩm vẽ trên lụa, sơn mài, rồi in khắc gỗ chịu ảnh hưởng ít nhiều từ nghệ thuật phương Đông, từ khắc gỗ Nhật Bản, và thể hiện mong muốn quay về gần hơn với mỹ cảm phương Đông và dân tộc. Sự phát triển mở rộng này, bên cạnh sự khích lệ của thầy cô giáo, chắc chắn còn do những nỗ lực cá nhân, tự học, tự tìm tòi, sự trưởng thành về nhận thức và tài năng của họa sĩ".
Ví như, các tranh lụa nổi tiếng của Lê Phổ, Lê Văn Đệ, Mai Trung Thứ, Nguyễn Tiến Chung… cho thấy nhiều đường viền hơn, uốn lượn hơn, chiều sâu viễn cận dần lược bỏ, không gian phẳng dần ra, thêm vào đó là các yếu tố tượng trưng, ước lệ, trang trí. Một tinh thần phương Đông rõ rệt.
Hoặc, tranh sơn mài bắt đầu có tiếng nói nhất định. Những người có nhiều trải nghiệm với sơn mài thời kỳ này là Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Khang, Phạm Hậu, Văn Bình, Hoàng Tích Chù, Lê Quốc Lộc, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Huyến… Ở chất liệu này, Nguyễn Gia Trí là họa sĩ bứt hẳn lên, ông sớm xác định một con đường riêng, quan niệm riêng về nghệ thuật sơn mài, vừa mang vẻ đẹp trang trí lẫn vẻ đẹp bồng lai tiên cảnh, tôn giáo thần bí.
Những họa sĩ còn lại mỗi người một vẻ, đều có dấu ấn riêng, song không ít người còn vướng víu, luẩn quẩn với cái nhìn và cảm thức của trang trí mỹ nghệ mang tính dân gian cổ truyền trước đây.
Kể như vậy để thấy về bút pháp, ngôn ngữ nghệ thuật, phong cách mỹ thuật Đông Dương đã bao trùm các thể loại sơn dầu, sơn mài, lụa, in khắc gỗ, vẽ chì than, bột màu, chưa kể đến điêu khắc. Phong cách này đã có sự thu nạp, tiếp biến các ảnh hưởng từ phương Tây (với hiện thực cổ điển, ấn tượng, hậu ấn tượng, symbolism) cho đến phương Đông (với tranh khắc gỗ Nhật Bản, tranh thủy mặc, tiểu họa Trung Hoa).
Hương vị nghệ thuật riêng
Ở khía cạnh đối tượng, hình tượng nghệ thuật, nhà nghiên cứu Bùi Như Hương cho biết, phong cách mỹ thuật Đông Dương thường gặp các chủ đề: phong cách nông thôn, miền núi, bến sông, bến thuyền, chùa chiền, phong cảnh Huế… êm ả, trữ tình; cảnh sinh hoạt đi chợ, đánh cá, mùa gặt, hội chùa, du Xuân… bình dị, an vui.
Còn nữa, các chủ đề như chân dung thôn nữ, người nhà quê thuần phác bản địa đầu thế kỷ 20, hiền hòa, mộc mạc, nâu sồng, nón thúng quai thao; chân dung các thiếu nữ tân thời áo dài với vẻ đẹp mơ màng, đài các; các chủ đề tình cảm dịu dàng, trìu mến như thiếu nữ bên hoa sen, hoa cúc, hoa huệ, chị em, mẹ con, gia đình, đan thêu, gội đầu, cho chim ăn…. cũng trở nên quen thuộc trong các sáng tác thuộc phong cách mỹ thuật Đông Dương.
Theo bà Hương, nghệ thuật thời kỳ này toát ra một hương vị riêng, như Tô Ngọc Vân nói, "cái đẹp trong tranh không phải cái đẹp ngoài đời", hoặc theo Lê Phổ, "nghệ thuật của tôi là tả những cảnh khiến ai trông thấy cũng phải mơ màng, quan niệm của tôi là nhẹ nhàng huyền ảo…". Phong cách này đại diện cho một xu hướng nghệ thuật duy mỹ, nhìn đời bằng con mắt thơ mộng, bình lặng, trong sáng, một khung cảnh chậm rãi, nhàn tản, thoát ly cái phần hiện thực nghiệt ngã, ảm đạm, gai góc của cuộc sống. Tinh thần này cũng trả lời cho câu hỏi thứ ba về phong cách mỹ thuật Đông Dương, đó là thẩm mỹ và quan niệm về cái đẹp.
Cụ thể, như lời chuyên gia này, ảnh hưởng của trường phái Ấn tượng cùng những bài học trong Trường Mỹ thuật Đông Dương đã hướng các sinh viên đến một cái nhìn Hiện thực - Ấn tượng luôn bình ổn, trữ tình. Những phong cảnh êm đềm khói sương, hoặc lấp lánh màu sắc, ánh sáng… là hình mẫu được học trò ưa thích, noi theo. Cũng bút pháp Hiện thực - Ấn tượng này, nhiều người còn thích vẽ chân dung phụ nữ với dáng vẻ mơ màng, thư thái, khuê các.
"Thời kỳ này, sinh viên mỹ thuật còn chịu tác động mạnh mẽ bởi các luồng ảnh hưởng văn hóa tư tưởng từ bên ngoài xã hội. Ở đây, Hà Nội chính là trung tâm giao thoa của mọi ảnh hưởng: phong trào Âu hóa với các tư tưởng tự do phương Tây tràn về; phong trào văn nghệ mới những năm 1930 - 1940 với các tác phẩm của Tự lực Văn đoàn như Hồn bướm mơ tiên, Gánh hàng hoa,… đều là những tiếng nói của tự do cá nhân, tự do mộng mơ, tự do tâm tưởng…", bà Hương phân tích. "Và điều tất yếu cuối cùng, các sinh viên mỹ thuật qua nhiều kênh khác nhau chắc chắn biết đến các trào lưu nghệ thuật phương Tây cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20 như: Ấn tượng, Hậu Ấn tượng, trường phái Paris và các ngã rẽ của nó… Từ đó mà tinh thần "nghệ thuật vị nghệ thuật", vẻ đẹp thần bí siêu thoát, trào lưu hướng về phương Đông được đề cao".
Ví như, tranh của nhóm họa sĩ tiêu biểu như Lê Phổ, Lê Văn Đệ, Mai Trung Thứ thể hiện những ảnh hưởng kết hợp từ nghệ thuật tôn giáo phương Tây sang nghệ thuật in khắc gỗ phương Đông, Nhật Bản, nhất là khi vẽ về phụ nữ. Một vẻ đẹp phụ nữ tài hoa, được lý tưởng hóa, an nhiên trên nền lụa Á Đông, hoặc trên nền một bức sơn dầu với thiên nhiên cây cỏ cùng bảng màu bồng bềnh đa sắc của cõi bồng lai, mộng mơ. Đó là một tinh thần hoàn toàn "nghệ thuật vị nghệ thuật".
"Dừng ở đâu, đi về đâu hay đã kết thúc?"
Từ việc nhận diện các đặc điểm nổi bật của phong cách mỹ thuật Đông Dương, nhà phê bình mỹ thuật Bùi Như Hương đặt vấn đề phong cách này dừng ở đâu, đi về đâu, hay đã kết thúc?
Thực tế cho thấy, sự phát triển của phong cách mỹ thuật Đông Dương đã có nhiều ngã rẽ khác nhau. Đơn cử như trong những năm 1940 đã có một nhóm họa sĩ đi Pháp và định cư ở đó như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu. Họ tiếp tục sáng tác và hình thành nên một phong cách mỹ thuật Đông Dương riêng của nhóm, xoay quanh trụ cột là Lê Phổ.
Một nhánh khác, rất nhiều họa sĩ có tên tuổi như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung… tham gia Cách mạng tháng Tám. Sau năm 1945, họ đi lên chiến khu Việt bắc xây dựng nên Khóa Mỹ thuật Kháng chiến làm nền tảng cho trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam sau này (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Đây là một nhánh rẽ lớn khác của phong cách mỹ thuật Đông Dương dẫn đến nhiều thay đổi về bản chất của phong cách, nhất là quan niệm thẩm mỹ, cái đẹp. Ở nhánh này, có sự pha trộn dần ảnh hưởng của bút pháp Hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Còn nữa, các họa sĩ thế hệ cuối cùng của Trường Mỹ thuật Đông Dương với bộ tứ nổi tiếng Sáng – Phái - Nghiêm - Liên đều phát triển những phong cách của riêng mình, cả về bút pháp lẫn tinh thần không mấy dính dấp đến phong cách mỹ thuật Đông Dương.
Từ thực tế, nhà nghiên cứu này cũng nhấn mạnh, sự tồn tại ngắn ngủi của Trường Mỹ thuật Đông Dương (1925 - 1945) cùng với nhiều biến động lịch sử đã tạo nên nhiều ngã rẽ của nghệ thuật. Phong cách mỹ thuật Đông Dương chắc chắn vẫn là một câu hỏi lớn, để mở, một đề tài rộng lớn dành cho giới nghiên cứu và người viết sử mỹ thuật sau này.
(Còn nữa)
Tags