100 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương (kỳ 3 & hết): Vai trò kiến tạo nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại

Thứ Sáu, 01/11/2024 18:00 GMT+7

Google News

Có một thực tế không thể phủ nhận đó là, Trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời có vai trò to lớn, trở thành tiền đề cho sự hình thành và phát triển của mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Sự hình thành của ngôi trường này đã tạo cơ sở khoa học, làm phong phú hơn nghệ thuật dân tộc, là cầu nối giữa nghệ thuật phương Đông với nghệ thuật phương Tây. Đây cũng là nơi đào tạo nên các thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc tên tuổi cho nền mỹ thuật tạo hình của Việt Nam.

TS Đặng Thị Phong Lan (Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) cho rằng, Trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời là tiền đề cho sự khởi dựng nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại với lĩnh vực hội họa, đồ họa và điêu khắc. Cụ thể, những tài liệu còn lưu trữ cho thấy các hoạt động và nội dung chương trình giảng dạy của trường được mô phỏng theo Trường Mỹ thuật Quốc gia Paris năm 1793, đồng thời tích hợp một khóa đào tạo chuyên sâu về nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

100 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương (kỳ 3&hết): Vai trò kiến tạo nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại - Ảnh 1.

Các ký họa đường phố của Vũ Cao Đàm (trên) và Mai Trung Thứ, sinh viên khóa 2 và 1, Trường Mỹ thuật Đông Dương, vẽ năm 1929. Ảnh: Tư liệu

Bước ngoặt kết thúc thời kỳ khuyết danh

"Trước khi có Trường Mỹ thuật Đông Dương, Việt Nam vốn có một nền mỹ thuật truyền thống giàu bản sắc với tượng thờ, tranh dân gian… mang tính trang trí, cách điệu được sáng tạo dưới đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân theo hình thức phường nghè, cha truyền con nối" - bà Lan phân tích - "Với chương trình đào tạo của Trường Mỹ thuật Đông Dương, việc đào tạo mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20 bước sang một giai đoạn mới. Đó là sự tiếp nhận nền giáo dục văn minh của Pháp với những bài nghiên cứu cơ bản về hình họa, giải phẫu tạo hình, luật viễn cận, bố cục, màu sắc… Bên cạnh đó, chương trình còn có các môn học tìm hiểu về lịch sử mỹ thuật, mỹ học nhằm nâng cao tư duy thẩm mỹ, đánh thức ý tưởng sáng tạo của nghệ sĩ".

Theo chuyên gia này, đây là một bước ngoặt quan trọng để các tác phẩm mỹ thuật tạo hình của Việt Nam chính thức có tên tác giả, năm sáng tác, chất liệu, đánh dấu sự kết thúc một thời kỳ khuyết danh tác giả trong nền mỹ thuật cổ Việt Nam.

100 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương (kỳ 3&hết): Vai trò kiến tạo nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại - Ảnh 2.

Các ký hoạ đường phố của sinh viên Lê Phổ, khoá 1, Trường Mỹ thuật Đông Dương, vẽ năm 1929. Ảnh: Tư liệu

Đồng quan điểm, TS Hoàng Thị Đào (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) cho rằng, bước ngoặt này là một đóng góp quan trọng mang tính chuyên nghiệp trong sáng tác. Trước khi Trường Mỹ thuật Đông Dương được thành lập, ở Việt Nam chưa có đội ngũ nghệ sĩ chuyên nghiệp. Những người làm nghệ thuật là nghệ sĩ dân gian khuyết danh, nghệ nhân tự do trong các làng nghề. Họ có tham gia vẽ tranh, đắp tượng những chỉ là công việc mà không phải là sáng tạo tác phẩm.

Trong khi ở Trường Mỹ thuật Đông Dương các nghệ sĩ được đào tạo bài bản. Họ chú trọng cái đẹp, quan tâm đến sáng tác, giá trị nghệ thuật của tác phẩm và trưng bày triển lãm những tác phẩm của mình đến công chúng. Các tác giả sẽ ký tên trên từng tác phẩm của mình và sinh hoạt trong hệ tư tưởng nghệ thuật, lấy tư chất nghệ sĩ làm thước đo để khẳng định giá trị tài năng của cá nhân cũng như ấn tượng về tác phẩm của họ trong lòng công chúng.

100 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương (kỳ 3&hết): Vai trò kiến tạo nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại - Ảnh 3.

Tòa nhà Trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1929. Ảnh: Tư liệu

"Chính những tư tưởng, mối quan hệ này đã vô hình tạo dựng nên phẩm chất nghệ sĩ. Và sự sáng tạo trong tác phẩm làm nên phong cách chuyên biệt của mỗi người. Sự chuyên nghiệp của các nghệ sĩ đã góp phần làm phong phú từ đề tài, phong cách sáng tác và phong trào nghệ thuật cho nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại" - TS Đào nhấn mạnh.

"Cái nôi" đào tạo những thế hệ tên tuổi

Một trong những đóng góp quan trọng khác của Trường Mỹ thuật Đông Dương đó là nơi đào tạo những thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc tên tuổi góp phần khởi dựng nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại có nhiều tiếng vang trên thế giới.

Ra đời trong một thời gian ngắn ngủi cùng bối cảnh chính trị nhiều biến động nhưng vai trò và đóng góp của Trường Mỹ thuật Đông Dương rất to lớn đối với lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại thời kỳ đầu. Trong 20 năm tồn tại (1925 - 1945), Trường Mỹ thuật Đông Dương đã đào tạo được 128 sinh viên trong đó có 118 sinh viên hội họa và 10 sinh viên điêu khắc. "Đây được xem là cái nôi đào tạo nhiều thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc đã đi vào lịch sử nghệ thuật Việt Nam. Những thế hệ sinh viên đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương tốt nghiệp và tiếp tục hoạt động sáng tạo theo đúng chuyên ngành của họ với những thành tích đáng nể" - nhà nghiên cứu Đặng Thị Phong Lan nhấn mạnh.

100 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương (kỳ 3&hết): Vai trò kiến tạo nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại - Ảnh 4.

Phòng tranh của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ảnh: Tư liệu

Minh chứng dễ thấy ở sự phát triển đa dạng kỹ thuật tạo hình trên chất liệu đều có những tên tuổi thành danh, định hình phong cách riêng. Đơn cử với chất liệu sơn dầu của phương Tây, có nhiều họa sĩ nhuần nhuyễn những kỹ thuật, sự pha trộn màu sắc, kinh nghiệm sử dụng kết hợp với luật phối cảnh. Phát huy yếu tố bản sắc như đưa phong cảnh quê hương đất nước và những ấn tượng về con người Việt Nam vào tranh như các họa sĩ Nguyễn Nam Sơn, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Tô Ngọc Vân, Tôn Thất Đào, Trần Văn Cẩn…

Ở tranh lụa Việt Nam lại có sự kế thừa từ Đông sang Tây, từ dân gian đến hiện đại. Các họa sĩ Việt Nam thời Đông Dương còn khai thác truyền thống trên chất liệu lụa, tạo ra những cách vẽ lụa chỉ riêng của Việt Nam. Đó là lối nhuộm lụa khác với cách vẽ của Nhật Bản, Trung Hoa, tiêu biểu có tác giả Nguyễn Phan Chánh, Thanh Trần Phềnh, Lê Thị Lựu, Lê Văn Đệ, Nguyễn Tiến Chung, Lưu Văn Sìn…

Trong khi đó, sơn mài là chất liệu được thầy trò Trường Mỹ thuật Đông Dương tìm tòi phát triển kỹ thuật từ nghề sơn ta vốn để làm thủ công mỹ nghệ tại các làng nghề truyền thống nhưng được người nghệ sĩ liên tục sáng tạo, đổi mới để chúng có những hiệu ứng về màu, độ trong thẳm của nước sơn khi toát… Từ những gam màu hạn chế như màu cánh gián, đen của sơn then, đỏ của chu sa, qua sự sáng tạo của nghệ sĩ trở thành chất liệu làm tranh sơn mài đã có thêm màu vàng, màu trắng trứng, màu bạc, son, then, vỏ trai… Các họa sĩ tiêu biểu có nhiều tác phẩm thành công trên chất liệu sơn mài như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Văn Tỵ, Phạm Hậu, Nguyễn Đỗ Chung, Phan Kế An…

Ngoài ra còn một số chất liệu khác cũng được thể nghiệm và đã có những thể hiện thành công như tranh khắc gỗ có các họa sĩ Đỗ Sơn, Trần Văn Cẩn, Đỗ Đức Thuận… Tranh màu nước có các họa sĩ tiêu biểu như Hoàng Lập Ngôn, Nguyễn Sĩ Ngọc, Nguyễn Trọng Hợp…

100 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương (kỳ 3&hết): Vai trò kiến tạo nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại - Ảnh 5.

Các tác phẩm của sinh viên khóa 1 và 2, Trường Mỹ thuật Đông Dương trong phòng vẽ của trường vào khoảng năm 1930. Ảnh: Tư liệu

Từ lớp lớp những họa sĩ thành danh như thế, theo TS Phong Lan, Trường Mỹ thuật Đông Dương đã cống hiến những thế hệ họa sĩ tiền phong cho nền hội họa Việt Nam hiện đại. Những họa sĩ này tiếp thu và dấn mình vào nền nghệ thuật với tất cả lòng say mê cùng ý thức thẩm mỹ vững vàng.

"Chúng ta có thể xem lại những bức tranh đặc sắc của một số danh họa tiêu biểu thời ấy. Những cảnh sắc với gam màu nâu đen, cũ kỹ, êm đềm và thơ mộng mang đặc trưng Việt trong tranh Nguyễn Phan Cánh được dư luận Pháp đặc biệt chú ý tại Paris năm 1931. Hoặc những phong cảnh, sinh hoạt đậm chất Á Đông của Lương Xuân Nhị, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Đỗ Cung, cùng những thiếu nữ đầy vẻ lãng mạn đang xõa tóc gội đầu, ngồi trước bình phong cũ, tựa trên bình sen hay khóm huệ, dưới bóng cây trong buổi trưa Hè của Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Mai Trung Thứ…" - TS Lan bày tỏ.

Cũng theo nhà nghiên cứu này, chúng ta còn phải nhắc đến nhiều tên tuổi khác như Lê Văn Đệ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn, Hoàng Lập Ngôn, Nguyễn Khang, Lưu Văn Sìn, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Văn Tỵ, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm… Họ đã đổi mới ngôn ngữ tạo hình, thực hiện một cuộc cách mạng toàn diện, triệt để cả về tư duy, thẩm mỹ, kỹ thuật, tạo hình để đặt nền tảng cho một nền nghệ thuật mới mẻ hòa nhập với thế giới mà vẫn đậm bản sắc.

Công Bắc

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›