Những đóng góp quan trọng của thơ Văn Cao trong tiến trình vận động của thi ca Việt Nam hiện đại được làm sáng rõ tại hội thảo Văn Cao - mùa chữ, mùa người do Ban Văn học nghệ thuật VOV6, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức vào sáng 14/11 tại Hà Nội. Hội thảo nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Văn Cao (15/11/1923 - 15/11/2023).
Dịp này, cuốn sách Văn Cao - mùa chữ, mùa người (NXB Hội Nhà văn, 2023) cũng được ra mắt gồm 21 bài tiểu luận, nghiên cứu về thơ Văn Cao. Phần cuối sách còn tập hợp nhiều bài thơ viết về, viết tặng Văn Cao và một số minh họa mà Văn Cao đã vẽ trong tiểu thuyết Búp sen xanh của Sơn Tùng và Tuyển tập thơ Victor Hugo.
Từ lãng mạn đến tượng trưng
Theo nhà văn Thiên Sơn, nếu như về âm nhạc Văn Cao đã được khẳng định ở vị trí số 1 Việt Nam trong thế kỷ 20, thì các lĩnh vực sáng tác khác, là họa và đặc biệt là thơ của ông, dường như chưa có sự nghiên cứu thấu đáo.
"Giờ nhìn lại sự nghiệp thơ Văn Cao, ta không khỏi ngạc nhiên, khi chỉ trong hơn 10 năm kể từ khi có tác phẩm thơ đầu tiên, từ một nhà lãng mạn cuối mùa, ông đã làm một hành trình dài, lao thẳng vào hiện đại như một cánh chim xuyên qua bão táp của những thành kiến trong thời đại mình để trở thành một nhà tiên phong, mở ra một cánh cửa mới cho thơ hiện đại Việt Nam, mà cho đến nay chúng ta chưa đi hết cung đường mà ông đã vạch ra".
Thiên Sơn dẫn chứng, cuối những năm 1930, đầu những năm 1940, phong trào Thơ mới bắt đầu cạn dần dòng chảy của nó. Những sáng tác đầu tiên của Văn Cao (bài thơ đầu tiên giữ lại được sáng tác năm 1939) chịu ảnh hưởng của tư duy Thơ mới, nhưng lối dùng chữ vẫn còn nặng về Hán Việt, nhạc thơ còn chưa thật nhuần nhuyễn. Nhưng, chỉ khoảng 1 năm sau, khi ông viết Một đêm đàn lạnh trên sông Huế (1940) thì độ điêu luyện, mượt mà đã không kém các bậc đàn anh trong Thơ mới trước đó.
Và cũng chỉ mấy năm sau, ông viết Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc thì không chỉ độ điêu luyện đã lên đến đỉnh, mà còn cho thấy cách nhìn, cách miêu tả hiện thực sắc sảo, trực diện trước thảm họa khủng khiếp của dân tộc ta trong nạn đói năm 1945. Đó là thời điểm Văn Cao đã hoàn toàn vượt qua ảnh hưởng của Thơ mới và nghiêng theo chủ nghĩa hiện thực.
Cũng theo Thiên Sơn, dù không sáng tác nhiều thơ, Văn Cao cũng đã ôm chứa trong ông bước dịch chuyển lớn lao, mang dấu ấn của hơn nửa thế kỷ tìm đường của thơ Việt Nam. "Từ một nhà lãng mạn, Văn Cao đã nỗ lực để trở thành một nhà thơ hiện thực, từ một nhà hiện thực, Văn Cao đã tiến thêm một bước vào lãnh địa của thơ tượng trưng".
Làm rõ hơn các dấu mốc trên đường thơ Văn Cao, PGS-TS Phùng Gia Thế cho biết, trước 1945, có 2 nhánh chính. Thoạt tiên là những bài mang âm hưởng lãng mạn hoài cổ "đẹp - buồn - xa vắng" pha chút trầm hùng - bi tráng, một tông thơ vốn dĩ khá phổ biến bấy giờ (kiểu Tống biệt hành của Thâm Tâm, Dặm về của Nguyễn Đình Tiên…) với Ly khách, Ai về Kinh Bắc… Đến Một đêm đàn lạnh trên sông Huế, Bài thơ bên suối, Thu cô liêu… thì Văn Cao dường như đi qua Thơ mới, chạm vào cõi tượng trưng, nhuần nhị với cách dùng nhạc điệu, biểu tượng trong diễn tả cảm xúc, đây đó phảng phất trực giác mơ hồ.
Năm 1945, Văn Cao viết Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, bài thơ đánh dấu bước dịch chuyển quan điểm thẩm mỹ của Văn Cao, mở đường cho một kiểu tư duy thơ của ông suốt quãng thời gian sau đó. Lúc này, Văn Cao đã là người của cách mạng, còn bài thơ được ông viết ra trong cảm trạng tinh thần một thi nhân. Để rồi, Văn Cao vừa làm cách mạng, vừa làm nghệ thuật.
Và lấp lánh, bền bỉ sống
Đến giai đoạn 1945-1954, khác với phần lớn các nhà thơ mê mải reo vui, lâng lâng trên mặt đất, Văn Cao không sử thi hóa hiện cảnh, mà kiên định lối thơ riêng, không hòa lẫn trong tiếng hát, tiếng thét thời đại, ngay ở những bài thơ nhìn cuộc đời bằng con mắt mới. Ngoại ô mùa Đông 1946 là một ví dụ. Đây là bài thơ vừa mang tính thời sự, vừa lắng sâu về một Hà Nội hào hùng, đau thương, giờ xa xăm trong niềm nhớ, với câu kết phảng phất mơ hồ: "Mùa Xuân về giữa chiến hào xa…".
Đáng nói, Phùng Gia Thế còn nhấn mạnh đến giai đoạn 1954-1975, trường ca Những người trên cửa biển (1956) đóng một vai trò "then chốt" trong sự nghiệp Văn Cao. Trường ca thể hiện sức vóc cảm xúc và nội lực mãnh liệt của Văn Cao".
Nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha thì cho rằng Văn Cao là người "chín sớm bằng âm nhạc", "chín muộn bằng thi ca" và nhiều tiếc nuối nhất trong hội họa.
Theo thời gian, thơ Văn Cao vẫn cứ lấp lánh và bền bỉ sống như nó vốn có, như tinh thần Văn Cao. 100 năm Văn Cao, "suối nguồn thơ ca chảy mãi" (thơ Đỗ Bạch Mai) và người đời sau vẫn nhắc tên ông như một bậc kỳ tài của thế kỷ 20.
Tags