Hàn Mặc Tử là một trong những cây bút nổi bật của dòng thơ lãng mạn Việt Nam. Ông đã biến nỗi đau của đời mình thành khao khát được sống, được yêu, được sáng tạo đến vô cùng… Nỗi đau tận cùng và tình thơ mạnh mẽ đã tạo nên một Hàn Mạc Tử trong lòng người yêu thơ Việt Nam. Hàn Mặc Tử sinh vào ngày này cách đây 110 năm, ngày 22/9/1912.
Người đem đến cho thơ mới một phong cách độc đáo và sáng tạo
Rời ghế nhà trường để bước vào đời ở tuổi 18 và trút hơi thở cuối cùng khi chưa tròn 28 tuổi, thời gian va chạm với đời của Hàn Mặc Tử chỉ kéo dài chưa tới 10 năm. Dù sự hiện diện trên cõi đời chỉ như hương hoa trong khoảnh khắc, nhưng bằng tài năng xuất chúng, với nỗi đau của định mệnh nghiệt ngã, Hàn Mặc Tử đã để lại cho đời một di sản quí báu với nhiều bài thơ “thần bút”, lưu lại những dấu vết bất tử theo thời gian và sống mãi bên cạnh tên tuổi chàng thi sĩ tài hoa nhưng bạc phận.
Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22/9/1912 tại ngôi làng Lệ Mỹ bên dòng Nhật Lệ, nay thuộc thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Hàn Mặc Tử bộc lộ một tài năng thơ ca từ rất sớm. Năm 16 tuổi, ông đã bắt đầu làm thơ và nổi tiếng trên thi đàn với bài thơ đầu tiên “Vội vàng chi lắm” họa vận bài Gởi nhạn của nhà thơ Mộng Châu.
Năm 1931, với bút hiệu Phong Trần, Hàn Mặc Tử có ba bài thơ “Chùa hoang”, “Gái ở chùa” và “Thức khuya” đăng trên Thực nghiệp Dân báo, được cụ Phan Bội Châu chủ nhân Thi xã Mộng Du họa thơ và đề cao. Đó là những câu thơ tiên phong trong cách tân chữ nghĩa và cách mạng trong tư tưởng:
Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối
Gió Thu lọt cửa cọ mài chăn.
(Thức khuya)
Từ năm 1935, ông đổi bút hiệu thành Lệ Thanh, rồi Hàn Mặc Tử. "Hàn Mặc Tử" là "chàng bức rèm lạnh" hay "chàng đơn lạnh". Cái tên ấy đã ứng với dự cảm về những năm cuối trên đỉnh thơ cô đơn, lẻ lạnh của riêng ông.
Năm 1936, Hàn Mặc Tử cho xuất bản tập "Gái quê" lừng danh và cũng chính lúc này ông phát hiện mình bị bệnh phong. Ông đã thành lập Trường thơ Loạn, dốc tàn lực viết nên những thi phẩm nổi tiếng.
Hàn Mặc Tử đã đem đến cho thơ mới một phong cách độc đáo và sáng tạo. Bên cạnh những tác phẩm bình dị, trong trẻo, chan chứa tình quê là các tác phẩm đầy những cảm hứng lạ lùng, huyền bí, thậm chí đến điên loạn, phản ảnh trực tiếp một tâm hồn yêu thơ, yêu đời chan chứa, nhưng lại quằn quại vì cơn bệnh phong đau đớn dày vò. Nói như Hoài Thanh trong cuốn Thi nhân Việt Nam: “Đây là một nguồn thơ dào dạt và lạ lùng, vườn thơ Hàn rộng không bờ, bến, càng xa càng ớn lạnh…".
Cống hiến cho đời những thi phẩm vừa lãng mạn vừa dữ dội
Hàn Mặc Tử là một người đa sầu đa cảm. Gặp ai cũng đem lòng thương nhớ. Vì thế có rất nhiều hình bóng giai nhân đã đi vào thơ của Hàn Mặc Tử, và ông cũng đã đổ biết bao máu lệ để tặng cho họ những vần thơ. Nhờ tình yêu, Hàn Mặc Tử đã cống hiến cho đời những thi phẩm vừa lãng mạn vừa dữ dội.
Mộng Cầm là mối tình đầu của nhà thơ khi hai người gặp gỡ nhau tại Phan Thiết và Quy Nhơn. Hai người thề nguyền gắn bó keo sơn, cùng nhau xướng họa thi văn, hẹn hò trăm năm. Nhưng 6 tháng sau khi Hàn Mặc Tử lâm bệnh, Mộng Cầm đã đi lấy chồng! Nỗi đau đớn tuyệt vọng của thi sỹ có lúc như phẫn uất, điên cuồng: "Làm sao giết được người trong mộng. Để trả thù duyên kiếp phủ phàng", có lúc chợt vỡ oà thành tiếng khóc não nùng, thê thiết: “Trăng vàng ngọc, trăng ân tình chưa phỉ/Ta nhìn trăng, khôn xiết ngậm ngùi trăng”.
Trong số các người tình của Hàn Mặc Tử, có lẽ không ai yêu ông tha thiết bằng nữ sĩ Mai Ðình, tên thật là Mai Thị Lệ Kiều. Mai Ðình thường gửi những bài thơ ký tên Lệ Kiều xin nhà thơ sửa và đăng báo. Từ đó tình thơ chớm nở. Biết người yêu mang trọng bệnh nhưng bất chấp sự ngăn cản của gia đình cũng như sự né tránh của người yêu, Mai Ðình vẫn gần gũi và chăm sóc ông hết mình. Sau này, khi về thăm mộ nhà thơ, nữ sĩ Mai Ðình đã viết những vần thơ nức nở:
“Bên anh, xin Chúa cho xây mãi
Nấm mồ thương nhớ, khổ thương đau
Hình anh, em khắc trong tim
Cho mai trắng nở quanh viền mộ anh”.
Và còn nhiều nữa những hình bóng giai nhân xuất hiện trong thơ Hàn Mặc Tử, có những người để lại dấu ấn đậm nét, cũng có những người chỉ là cơn gió thoảng qua, nhưng tất cả đều là những nguồn thơ bất tận, được thi sĩ gửi vào những vần thơ tuyệt tác.
Trong những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời, Hàn Mặc Tử đã dốc toàn lực viết nên thi phẩm nổi tiếng, trong đó có bài “Đây thôn Vĩ Dạ” in trong tập "Đau thương" để tặng người yêu là Kim Cúc.
"Đây thôn Vỹ Dạ" là giọng tình day dứt – là một lời tỏ tình với cuộc đời của một tình yêu tuyệt vọng, đơn phương. Bài thơ còn là tình yêu thiên nhiên, yêu con người Vĩ Dạ một cách nồng cháy – nơi chất chứa biết bao kỷ niệm.
Trải qua bao năm tháng, cái tình của Hàn Mặc Tử vẫn còn tươi nguyên, nóng hổi và day dứt trong lòng người đọc.
Hàn Mặc Tử đã trút hơi thở cuối vào sáng sớm một ngày cuối năm 1940 tại nhà thương Quy Hoà trong tiếng chuông nhà nguyện đưa thi sĩ về thế giới bên kia…
- Người đương thời lại bàn về việc 'đọc' Hàn Mặc Tử
- Nhà phê bình Đặng Tiến: Hàn Mặc Tử là nạn nhân của chính mình
- Đêm thơ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mặc Tử
Giã từ cõi nhân gian vừa lúc 28 tuổi xuân xanh bởi sự nghiệt ngã của tật bệnh. Ngôi sao ấy xẹt qua bầu trời thi ca Việt nhưng đã kịp để lại vầng sáng lạ lùng và dữ dội. Nửa đời người chưa qua hết nhưng Hàn Mặc Tử đã làm tròn sứ mệnh của mình, để lại cho nền văn học Việt Nam một đời thơ giá trị.
Phương Phương/TTXVN
Tags