Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong số ít các nhân vật trở thành huyền thoại ngay cả khi còn tại thế. Chỉ bằng con đường tự học và trải nghiệm thông qua thực tiễn hoạt động và chiến đấu, ông đã trở thành một vị tướng kiệt xuất; một nhà chiến lược mưu trí, sáng tạo; một vị Tổng tư lệnh văn võ song toàn; là “Tư lệnh của các Tư lệnh”; “Chính ủy của các Chính ủy”; một nhà tổ chức hàng đầu của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh vào ngày này cách đây 111 năm, ngày 25/8/1911.
Thiên tài quân sự lỗi lạc
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước, tại làng An Xá, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Chính mảnh đất quê hương giàu truyền thống cách mạng và anh hùng đã hun đúc nên nhân cách người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này.
Tham gia cách mạng từ rất sớm, chàng thanh niên Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho trọng trách thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) để đẩy mạnh đấu tranh vũ trang trong thời kỳ chuẩn bị cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, tiếp đó là Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Tổng chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Trên những cương vị đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những cống hiến đặc biệt xuất sắc, cùng Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối quân sự của Đảng, tổ chức và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân, vận dụng sáng tạo phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân và nghệ thuật quân sự độc đáo.
Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về: xây dựng lực lượng quân đội nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; xác định nhiệm vụ trọng tâm của quân đội “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”… được Đại tướng áp dụng một cách nhuần nhuyễn. Từ đó, xây dựng một Quân đội nhân dân Việt Nam vô địch, đánh thắng những kẻ thù lớn mạnh nhất trong thời đại Hồ Chí Minh, giành độc lập tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước.
Với tư cách là Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng luôn ghi nhớ, noi gương và thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: làm cách mạng là phải "dĩ công vi thượng", tức là phải đặt lợi ích chung lên trên hết; đồng thời, ông luôn đề cao vai trò của tập thể, phục tùng tổ chức. Điển hình, tại Mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954, tuy là người chỉ huy cao nhất được Bác và Bộ Chính trị trao toàn quyền quyết định các vấn đề, nhưng trước khi quyết định những vấn đề hệ trọng, bao giờ Đại tướng cũng đưa ra thảo luận ở tập thể Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch, tham khảo ý kiến của Đoàn cố vấn, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao.
Và quyết định thay đổi phương châm tác chiến, từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” của Đại tướng không chỉ thể hiện tư duy quân sự sắc sảo, bản lĩnh của người cầm quân, mà còn giúp trận Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” giành được thắng lợi cao nhất với sự hy sinh xương máu thấp nhất.
Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tư lệnh đã thiết kế nên một thế trận đặc biệt: căng địch ra ở hai đầu chiến tuyến. Phía Bắc giữ địch ở mặt trận Huế-Đà Nẵng, phía Nam giữ địch ở Sài Gòn, làm cho địch bộc lộ sơ hở ở quãng giữa là miền Trung, Tây Nguyên. Khi địch đã rơi vào thế trận do ta sắp đặt, quân ta bất ngờ phá vỡ Tây Nguyên, tạo ra đột biến về chiến lược.
Lợi dụng thời cơ, ta giải phóng Huế, Đà Nẵng, đẩy địch vào thế tan rã. Và với sự nhạy bén và quyết đoán của nhà chiến lược quân sự, ông đã chỉ huy các mũi tiến công của đại quân ta bằng mệnh lệnh: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng". Mệnh lệnh của ông vừa là tiếng kèn xung trận, vừa là chiết xuất của một tư duy quân sự thiên tài trước thời khắc hệ trọng lịch sử của dân tộc.
Từ một thầy giáo dạy sử, chưa hề qua đào tạo của một trường lớp quân sự nào, Võ Nguyên Giáp đã trở thành một danh tướng, "một tư lệnh của các tư lệnh, một chính ủy của các chính ủy" - như cách định nghĩa của Thượng tướng Trần Văn Trà. Với nhãn quan thiên tài về quân sự, Đại tướng đã kế thừa tinh hoa quân sự của thế giới, phát huy cao độ nghệ thuật chiến tranh nhân dân của truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc, phát huy tư tưởng quân sự và sự chỉ đạo sâu sát của Chủ tịch Hồ Chí Minh để làm nên những chiến thắng vẻ vang, làm rạng danh dân tộc Việt Nam anh hùng.
“Cây đại thụ rợp bóng nhân văn”
Trong lòng những người dân đất Việt, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp không chỉ là một danh tướng, một “nhà chính trị đi trước nhà quân sự”, mà còn là một “cây đại thụ rợp bóng nhân văn”. Ông là một vị tướng hiểu rõ và thấm nhuần sâu sắc tư tưởng “trọng dân”, “nước lấy dân làm gốc” của các bậc tiền nhân. Yếu tố nhân dân luôn bám rễ sâu trong tư duy quân sự của ông. Ngay trong buổi đầu thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân-đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, ông đã trực tiếp soạn thảo “Mười lời thề” cho đội, trong đó nhiều nội dung đều đề cập đến quan hệ quân-dân.
Trên cương vị Tổng Tư lệnh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có công lớn cùng tập thể Quân ủy Trung ương đưa quan hệ quân-dân trở thành một trong những nét đẹp truyền thống quý báu của Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng như trong việc tạo dựng hình ảnh đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân.
Ông cũng là một vị tướng thương yêu bộ đội hết mực. Với cán bộ, chiến sĩ dưới quyền, ông như người cha, người anh, người đồng chí thân thiết và gần gũi. Trước nhiều trận đánh, ông đều viết thư động viên, nhắc nhở và thăm hỏi tình hình sức khỏe của bộ đội, dân công, thanh niên xung phong… Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn tại chiến trường, Đại tướng vẫn thường xuyên quan tâm, nhắc nhở cơ quan hậu cần, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị chăm lo sức khỏe, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội… Viên tướng Nava, Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, khi nhận xét về “quan hệ cán-binh” của Việt Minh ở Mặt trận Điện Biên Phủ từng phải thốt lên: “Đã bao lần tôi phát ghen với tướng Giáp!”.
Chiến thắng là cái đích của người cầm quân, song với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không phải lúc nào cũng giành chiến thắng bằng mọi giá, mà chiến thắng đó phải luôn đi kèm với việc giảm đến mức thấp nhất hy sinh xương máu của bộ đội. Trong tư tưởng của vị Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, bảo vệ lực lượng, bảo vệ sinh mạng người lính của mình là mối quan tâm thường trực nhất, vì rằng “một chiến thắng lớn nhất là chiến thắng có được với số người phải hy sinh nhỏ nhất”.
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo từng ca ngợi: “…Tôi biết rõ Tổng Tư lệnh đã nhiều đêm thao thức, nước mắt ướt đầm, vì được tin một chiến dịch nào đó máu chiến sĩ đổ quá nhiều, mà chiến thắng thì chưa tương xứng. Đấy là trái tim anh Văn! Đấy là cách đánh và cách tiến công nhân văn”. Còn Thượng tướng Trần Văn Trà, một người bạn chí thiết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi sinh thời đã viết: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị Tổng Tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh!”.
Với kẻ thù, thấu triệt tinh thần “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” của các bậc tiền nhân, Võ Nguyên Giáp không chỉ là một vị tướng biết đánh thắng địch bằng quân sự, mà còn biết thắng địch bằng nhân nghĩa. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, sau trận mở màn chiến dịch, tiến công cụm cứ điểm Him Lam của Đại đoàn 312, thương vong của địch rất lớn, tử thương la liệt khắp trận địa. Theo đề nghị của Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ thị cho ông Mạc Ninh thảo ngay một bức thư chuyển cho Bộ chỉ huy quân Pháp ở Điện Biên Phủ đề nghị cho người ra Him Lam nhận tử thương.
Việc làm đó thể hiện tinh thần nhân đạo và trên thực tế nó đã tạo ra một "sang chấn" về tâm lý đối với binh lính Pháp tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngay sau ngày chiến thắng, trên cánh đồng Mường Thanh và dọc theo bờ sông Nậm Rốm, Đại tướng cùng Bộ chỉ huy chiến dịch đã cho dựng hàng chục chiếc lều từ vải dù để cứu chữa cho tù binh, hàng binh bị thương… Một nữ tù binh sau khi được phẫu thuật cứu sống kịp thời đã thốt lên: “Cha mẹ tôi đã sinh ra tôi, nhưng chính là nhân dân và quân đội Việt Nam mới thực sự đã cứu tôi sống lại!". Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà nhiều người từng một thời đứng bên kia chiến tuyến, từ những tướng lĩnh của Pháp đến những người lính Âu-Phi... đều dành cho Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp sự kính trọng và khâm phục đặc biệt.
Trong suốt sự nghiệp quân sự của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn là người nghiêm khắc, nhưng khiêm tốn, bình dị, bao dung và độ lượng. Khi đề cập đến chiến thắng của các chiến dịch, thắng lợi của hai cuộc kháng chiến, bao giờ và trước hết Đại tướng cũng nói đến vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy; nhắc đến công lao, cống hiến của đồng đội, đồng chí và đồng bào cả nước… Khi được hỏi: Vị tướng nào trong chiến tranh được Đại tướng đánh giá cao nhất? Ông đã khiêm tốn trả lời: Các vị tướng dù có công lao to lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ... Vị tướng tôi đánh giá cao nhất là Tướng Nhân Dân.
Danh tướng huyền thoại của thế giới
Với trí tuệ uyên thâm, tinh thần tự học, tự rèn luyện bằng thực tế chiến đấu, cùng sự nhạy cảm của một thiên tài quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khiến thế giới phải ngả mũ khâm phục, suy tôn là “Danh tướng”, “một trong những thống soái kiệt xuất nhất trong lịch sử nhân loại”, “một trong số những người hiếm hoi có khả năng làm thay đổi dòng chảy lịch sử”... Ông cũng là vị tướng châu Á được phương Tây và thế giới nhắc tới nhiều nhất sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, bằng sự kính nể và ngưỡng mộ sâu sắc.
Đại tướng Anh Peter Macdonald, đồng thời là một nhà phân tích về chiến lược, trong cuốn Giap an assessment đã viết: “Từ năm 1944-1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn của mọi thời đại... Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có”.
Trong tác phẩm Chiến thắng bằng mọi giá - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiên tài của Việt Nam, nhà sử học quân sự Mỹ Cecil B.Currey tiếp tục bày tỏ sự kính phục của mình: "Ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX, và một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại. Ông Giáp là chuyên gia hiện hữu vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân”.
Năm 2006, Thời báo châu Á (Times Asia) số ra đặc biệt kỷ niệm 60 năm ngày phát hành số đầu tiên, đã dành một bài viết dài về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong loạt bài viết tôn vinh các “Anh hùng châu Á” - những nhân vật nổi tiếng làm thay đổi cục diện châu lục trong những năm nửa cuối của thế kỷ XX. Theo Time Asia, nhờ tài cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân đội Việt Nam đã chiến thắng lẫy lừng trong chiến dịch quân sự kéo dài 56 ngày đêm và tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp năm 1954, đánh dấu sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi đầu tiên của một lực lượng kháng chiến châu Á đánh thắng quân đội thực dân trong một trận chiến quy mô và làm tiêu tan huyền thoại về sự vô địch của phương Tây thời đó.
Không chỉ báo chí châu lục, giới nghiên cứu và dư luận phương Tây và Mỹ cũng dành sự quan tâm đặc biệt đối với cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 1984, Hội đồng khoa học Hoàng gia Anh đã bầu chọn Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong 10 danh nhân quân sự vĩ đại nhất thế giới. Đặc biệt, trong số 10 bức chân dung được tạc tượng bằng vàng và đặt trang trọng ở Viện bảo tàng lớn nhất London, chỉ duy nhất Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tạc tượng khi vẫn đang còn sống.
Trong Bách khoa toàn thư của nhiều nước, tên và hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ghi lại như là một trong những vĩ nhân quân sự hiển hách nhất. Bách khoa toàn thư quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ, xuất bản năm 1993 viết: "Tài thao lược của Tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao... Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử".
Tân bách khoa toàn thư của nước Anh (xuất bản năm 1985) trong chuyên mục giới thiệu các danh tướng thế giới từ thời cổ đại cho đến ngày nay, cùng với Hannibal, Kutudôp, Napoléon... đã giới thiệu hai danh tướng Việt Nam là Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn (tập 10, tr.88) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tập 10, tr. 493-494).
- Xem phim 'Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Một huyền thoại': Hình tượng trọn vẹn về Đại tướng
- Xây dựng các quân đoàn chủ lực - Tầm nhìn chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
- 'Trái tim Việt Nam': Kỉ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Nhà báo, nhà sử học Bernard Fall, trong tác phẩm Võ Nguyên Giáp - Con người và huyền thoại, đã đánh giá: “Trong một tương lai có thể thấy trước, phương Tây chưa thể đào tạo được một vị tướng nào sánh kịp Võ Nguyên Giáp”.
Có thể nói, những chiến thắng vĩ đại của cách mạng Việt Nam, mà Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp góp phần làm nên, đã tác động mạnh mẽ vào dòng chảy lịch sử của dân tộc. Những chiến tích của vị tướng chưa hề được đào tạo qua trường lớp quân sự nào đã khiến thế giới phải ngả mũ khâm phục, để lại dấu son rực rỡ trong lịch sử quân sự thế giới và luôn ngời sáng mãi trong lòng những người dân đất Việt.
Hoàng Yến/TTXVN (tổng hợp)
Tags