Làm việc lâu năm trong ngành tài chính và đã lên đến vị trí quản lý tại một trong những hệ thống Ngân hàng lớn nhất Việt Nam, nhưng chị Vũ Hạnh Hoa quyết định bắt đầu lại từ con số 0 với lĩnh vực mà mình yêu thích và giúp mình cảm thấy sống có nghĩa hơn.
Khó khăn công việc bủa vây, áp lực gia đình
- Từng “đậu Top" vào 2 trong “Big 4 Ngân hàng” của Việt Nam và có con đường thăng tiến thuận lợi trong ngành tài chính, tại sao chị quyết định bước ra khỏi “vùng an toàn”, làm lại từ đầu ở tuổi 34 trong một lĩnh vực hoàn toàn mới?
Từ nhỏ, tôi vốn có thành tích học tập nổi trội, được vào thẳng đại học, sau khi ra trường có 2 sự lựa chọn vào 2 ngân hàng lớn trong Big 4 của Việt Nam, và tôi chọn BIDV.
12 năm làm tại BIDV, tôi được sếp trọng dụng trong rất nhiều dự án lớn, hoàn thành chứng chỉ CFA level 2 (được coi là “chứng chỉ vàng" của những người làm trong ngành này), tôi đã có những cơ hội thăng tiến và phát triển rất tốt.
Tuy nhiên, trong 12 năm đó, đã có không ít lần, tôi tự hỏi liệu đây có phải công việc phù hợp nhất với mình không.
Sau nhiều trải nghiệm và chiêm nghiệm, tôi lại thấy mình có hứng thú làm việc với “con người” hơn với “con số”. Tôi nhận ra mình đã “chọn sai nghề" và quyết định rời vị trí Phó Giám đốc khối tại Công ty chứng khoán BSC của BIDV vào năm 2015, và quyết định ra ngoài bắt đầu từ con số 0 với một lĩnh vực hoàn toàn mới, đào tạo và phát triển con người.
- Ở thời điểm đưa ra quyết định bước ngoặt đó, chắc hẳn chị đã gặp không ít khó khăn, áp lực?
Điều áp lực nhất đối với tôi khi đó là cú sốc của mẹ tôi về việc này. Chính vì rất lo lắng cho tôi, thời điểm đó mẹ đã không ít lần nói với tôi rằng “Con làm mẹ thất vọng”. Tôi rất thương mẹ vì mẹ tôi đã rất vất vả khi một mình nuôi hai chị em tôi khôn lớn, tôi luôn muốn học thật giỏi, làm việc thật tốt để mẹ có thể tự hào vì mình. Trong tôi đã từng có sự tổn thương “vì mình là con gái nên bố mẹ mới chia tay, mình cần chứng minh cho mọi người thấy rằng con gái cũng có giá trị, con gái cũng không thua kém con trai”. Chính vì suốt bao năm tôi cố gắng sống để mẹ có thể tự hào về mình, nên câu nói “Con làm mẹ thất vọng” khiến tôi có lúc tưởng chừng quỵ ngã.
Thời gian ấy, tình trạng tâm lý của tôi rất tệ, tôi đã rơi vào trạng thái trầm cảm trong một thời gian khá dài.
May mắn thế nào, tôi lại được biết đến cuốn sách “Giận” của thầy Thích Nhất Hạnh. Đối với tôi, đó chính là liều thuốc giải độc giúp tôi thoát khỏi hố sâu của sự thất vọng. Và tôi cũng nhận ra một bài học: “Mọi đau khổ đều xuất phát từ sự thiếu hiểu biết”. Hiểu biết đủ sẽ biết cách kiểm soát và vượt qua những nỗi đau khổ và bế tắc của mình. Đó là động lực để tôi bắt đầu hành trình “hiểu biết để hạnh phúc" cũng như giúp người khác làm điều đó giống như mình.
- Ra khỏi vùng an toàn với chặng đường tiếp theo đầy rẫy khó khăn và áp lực, đã bao giờ chị muốn “quay lại vùng an toàn"?
Nói chưa bao giờ thì không đúng (cười). Con người cũng có những lúc yếu đuối. Những dịp Tết đến phải nai lưng vay tiền trả lương, thưởng cho nhân viên thay vì chờ tiền thưởng đổ về tài khoản dồn dập như xưa, tôi cũng rất chạnh lòng và có những phút giây nuối tiếc. Nhưng những cảm giác đó chỉ thoáng qua thôi, còn khi bên trong lòng đã cân bằng, bình tĩnh, tôi không bao giờ muốn quay lại công việc cũ. Đó không phải là nơi mà tôi cảm thấy mình được phát huy hết thế mạnh. Tôi muốn được làm người truyền cảm hứng, được giúp đỡ người khác thay đổi và hạnh phúc hơn.
- Không chỉ áp lực từ mẹ mà chị còn có rất nhiều áp lực từ gia đình nhỏ hiện tại với một cậu con trai tự kỷ?
Con trai tôi 15 tuổi, bị tự kỷ thể nặng nên gần như mọi việc sinh hoạt đều phải có người kèm sát. Đặc biệt, đôi khi con không thể kiểm soát cảm xúc và hành vi, thường hay bột phát những cơn nóng giận vô cớ, thậm chí đánh bố mẹ, em gái… Vì vậy, người thân của trẻ tự kỷ cần có nhiều tình yêu thương, sự bao dung và kiên nhẫn với con. Cũng do đó mà tôi tự yêu cầu chính mình không ngừng học hỏi, phát triển bản thân và “yêu thương vô điều kiện". Tôi luôn suy nghĩ lạc quan rằng, bệnh của con trai đã tạo ra “nghịch cảnh" để tôi có được cơ hội phát triển bản thân, rèn luyện “sức bền tinh thần" cho mình.
Sức bền tinh thần - Yếu tố tối quan trọng đối với lãnh đạo
- Xu hướng xã hội hiện nay “chạy theo" cách làm giàu hay kỹ năng quản trị, nhưng chị lại lựa chọn mang kiến thức để “chữa lành” những tổn thương bên trong những nhà lãnh đạo?
Đúng là đã có quá nhiều bên dạy về kỹ năng kinh doanh, cách làm giàu, nhưng thực tế qua trải nghiệm và quan sát của mình, tôi nhận thấy những vấn đề mà những nhà lãnh đạo gặp phải đôi khi không nằm ở tài năng hay kỹ năng… mà lại nằm ở tâm lý và cách họ kiểm soát chúng trong công việc.
Ví dụ như lãnh đạo thấy thường xuyên bị quá tải, đơn độc vì nhân viên thụ động, lười biếng, hay đòi hỏi quyền lợi. Có thể do chính góc nhìn và cách quản trị của lãnh đạo chưa giúp nhân viên có được động lực, tinh thần làm chủ và sự yêu mến, gắn bó với công ty.
Lãnh đạo hay nóng giận, bực tức với nhân viên, ức chế với chính bản thân mình và thậm chí mang sự nặng nề về gia đình, nhiều khi lại là do lãnh đạo không biết cách “tự sạc pin" cho bản thân mình, không biết “kiểm soát cơn giận" hiệu quả.
Đó là những lúc cần tới “sức bền tinh thần" của người lãnh đạo bởi dù có nhiều kỹ năng kinh doanh, làm giàu đến đâu sẽ rất khó để thành công lâu dài và bền vững. Rõ ràng, “sức bền tinh thần" rất thiết thực chứ không mơ hồ chút nào!
- Liệu có phải chỉ các nữ lãnh đạo mới gặp phải vấn đề “sức bền tinh thần" không, thưa chị?
Theo kinh nghiệm của tôi thì thậm chí sức bền tinh thần của phái nữ đôi khi còn tốt hơn phái nam. Tạo hóa sinh ra phụ nữ đã cho họ được phép yếu mềm, còn đàn ông lại luôn phải gồng lên để tỏ ra mình mạnh mẽ. Vậy nên nhiều khi, nếu được sống thật với cảm xúc, nhiều nam lãnh đạo còn căng thẳng và dễ suy sụp hơn so với nữ lãnh đạo rất nhiều.
- Vậy với một người có nhiều tổn thương trong quá khứ và cả những áp lực hiện tại, chị đã và đang cân bằng tinh thần trong cuộc sống và công việc thế nào?
Tôi không dám nhận mình là hình mẫu “sức bền tinh thần". Nói đúng hơn, trên hành trình tôi rèn luyện sức bền cho bản thân mình, để đối diện và vượt qua những nghịch cảnh, khó khăn và áp lực trong cuộc sống, công việc của mình, tôi đúc rút được rất nhiều kiến thức bổ ích, tìm ra những phương thức tuyệt vời từ những nhà lãnh đạo vĩ đại, những nhà tâm lý nổi tiếng, từ đó mà tôi chắt lọc, hệ thống và chia sẻ lại với các học viên.
- Nhân ngày 8/3, chị có điều gì muốn nhắn nhủ với những nhà lãnh đạo nữ giống như mình?
Có một chủ đề hội thảo mà chúng tôi từng tổ chức đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, hưởng ứng là “Có hay không người phụ nữ vừa thành công, vừa hạnh phúc?”.
Nhiều người cho rằng nữ lãnh đạo với nhiều áp lực và mục tiêu thăng tiến sẽ rất khó cân bằng được cuộc sống và sự nghiệp, rất khó có được cả thành công và hạnh phúc. Tuy nhiên tôi đã chứng kiến rất nhiều nữ lãnh đạo có được cả 2 điều này, và bản thân tôi cũng đang trên hành trình cố gắng gìn giữ được cả 2 yếu tố đó một cách thực sự và bền vững.
Tôi nghĩ “bí quyết" nằm ở chỗ chúng ta phải thực sự biết yêu thương bản thân đúng cách, yêu thương những người trong gia đình và cả những người làm việc với mình đúng cách. Đó chính là triết lý của “Quyền lực mềm" - khóa học nổi bật nhất của JoyUni, niềm tự hào của cá nhân tôi suốt thời gian qua.
Thế mạnh của phụ nữ cũng nằm chính ở 2 chữ “yêu thương", vì vậy cứ nên tận dụng thế mạnh đó để thành công.
Cám ơn chị về cuộc trò chuyện!