Bộ Nội vụ cho biết tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, kể cả đã nghỉ việc, nghỉ hưu; đẩy mạnh các giải pháp nhằm thực hiện quy định của Đảng về kịp thời thay thế, đình chỉ công tác đối với cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Thống kê của Bộ Nội vụ cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, có 1.338 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật, trong đó có 139 cán bộ, 432 công chức, 767 viên chức.
Công tác thanh tra, pháp chế đạt kết quả tích cực, kịp thời rà soát, điều chỉnh, kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực Nội vụ cho phù hợp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, khả thi, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành Nội vụ.
Trong nửa đầu năm 2024, Bộ Nội vụ đã tiếp nhận và xử lý 767 đơn, trong đó có 264 đơn tố cáo, 117 đơn khiếu nại và 386 đơn kiến nghị phản ánh, tất cả các đơn thư đều được tiếp nhận, xem xét, giải quyết đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và thời hạn theo luật định. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Nội vụ đã tiến hành kiểm tra tình hình công chức, viên chức thôi việc, bỏ việc, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật công vụ liên quan đến người dân và doanh nghiệp tại Hà Nội, Cần Thơ, Bình Dương.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra tại các bộ, ngành, địa phương đã phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu quả và kỷ cương, kỷ luật, công vụ; phát hiện những tồn tại, hạn chế trong cơ chế, chính sách và áp dụng pháp luật để báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, sửa đổi các quy định pháp luật cho phù hợp; phát hiện và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý trách nhiệm, thu hồi các quyết định vi phạm pháp luật. Để nâng cao kỷ luật, kỷ cương, chủ động phòng ngừa vi phạm trong thực thi công vụ, Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2024 và trong 6 tháng đầu năm đã tổ chức 543 cuộc thanh tra, kiểm tra thuộc lĩnh vực Nội vụ (gồm 101 cuộc thanh tra và 442 cuộc kiểm tra).
Cũng trong 6 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tuyển dụng 13.965 công chức, viên chức (bộ, ngành tuyển dụng 169 công chức, 391 viên chức; địa phương tuyển dụng 1.519 công chức, 11.886 viên chức). Tuyển dụng theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP (về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ) được 30 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ (bộ, ngành tuyển dụng 4 người, địa phương tuyển 26 người) để bổ sung vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của cả nước.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng được các bộ, ngành, địa phương xác định là khâu đột phá để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức gắn với chuyển đổi số quốc gia. Từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã cử 94.437 công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức vụ, chức danh và vị trí việc làm (trong đó, bộ, ngành có 11.553 lượt người và địa phương có 82.884 lượt người).
Các địa phương đã chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo ngành, lĩnh vực; công tác tuyển dụng, sử dụng, tiếp nhận, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện đúng quy định, phù hợp nhu cầu và theo vị trí việc làm, tiêu biểu như: Cao Bằng, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nội, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ Nội vụ đã tập trung nghiên cứu rà soát, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Bộ tích cực phối hợp các cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, nhằm tạo cơ sở pháp lý, ban hành khung chính sách, nhất là xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các cấp, các ngành trong việc phát hiện, thu hút, sử dụng, trọng dụng đối với người có tài năng. Bộ đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện Nghị định số 85/2023/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức) và thực hiện quy định về cơ cấu ngạch công chức, qua đó đã giải quyết cơ bản những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
Tags