(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày không quần vợt vì đại dịch Covid-19, người ta càng có lý do để hồi tưởng quá khứ. Và chắc hẳn, Rafael Nadal đang rất nhớ khoảnh khắc vinh quang đúng 15 năm trước, khi anh lần đầu tiên giành một danh hiệu lớn. Monte Carlo, một chiều tháng Tư…
Đó không phải là mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên của Rafael Nadal, nhưng là mùa giải đánh dấu sự vươn mình của anh, từ một tài năng trẻ đầy hứa hẹn thành một cây vợt lớn thực sự, từ chức vô địch Masters Series đầu tiên cho đến danh hiệu Grand Slam đầu tiên.
Video clip highlights chung kết Monte Carlo Masters Series 2005
Cột mốc đáng nhớ
Ngày Chủ nhật hôm ấy, khi Nadal đánh bại Guillermo Coria 6-3, 6-1, 0-6, 7-5 ở trận chung kết Monte Carlo Masters 2005, anh mới chỉ 18 tuổi. Trước đó hai năm, cũng sân đấu đất nện nổi tiếng ven bờ Địa Trung Hải này, cậu bé 16 tuổi Nadal từng khiến làng banh nỉ thế giới kinh ngạc bởi chiến tích đánh bại tay vợt số 7 thế giới Albert Costa – khi ấy là đương kim vô địch Roland Garros – 7-5, 6-3 ở vòng 2 Monte Carlo Masters 2003.
Chức vô địch Monte Carlo 2005 là một trong số 11 danh hiệu mà Nadal giành được ở mùa giải ấy. Điều đáng chú ý nhất: 8 trong số đó là các giải đấu trên sân đất nện tại Costa do Sauipe, Acapulco, Monte Carlo, Barcelona, Rome, Roland Garros, Bastad, và Stuttgart. Đó là minh chứng hùng hồn cho vị thế của vị quân vương trẻ tuổi trên mặt sân đất nện. Ngoài ra, anh cũng biết cách vô địch ở các mặt sân khác nữa, với ba chức vô địch trên mặt sân cứng ở Canada, Bắc Kinh và Madrid.
Những chiến tích trên sân quần đã được thể hiện rất rõ ràng trên bảng xếp hạng ATP. Cuối năm 2004, Nadal còn nằm ngoài Top 50 thế giới (chính xác là vị trí thứ 51). 12 tháng sau, Nadal là tay vợt số 2 thế giới, chỉ sau mỗi Roger Federer – người sau này trở thành kình địch số một trong sự nghiệp của anh.
Nếu như sân đất nện là thế mạnh của Rafael Nadal thì Monte Carlo là một mảnh đất lành thực sự. Trong số 85 danh hiệu mà anh giành được trong sự nghiệp thì có tới 11 lần tại Công quốc này, trong đó kỷ lục 8 lần vô địch liên tiếp ở giai đoạn 2005-2012, và 3 lần nữa ở giai đoạn 2016-18. Trong 76 trận đã đấu tại Monte Carlo, Nadal chỉ thua có 5 lần.
Sự khởi đầu của một huyền thoại
Mặc dù Nadal đã vô địch đầy thuyết phục ở Monte Carlo, nhưng ít người nghĩ rằng Rafa có thể đăng quang tại Roland Garros năm ấy. Tại sao ư? Vì đó là lần đầu tiên, anh góp mặt ở giải Grand Slam trên sân đất nện này (năm 2004, anh lỡ hẹn với giải đấu này vì chấn thương mắt cá chân trái). Và trong 5 Grand Slam đã chơi trước đó (Australian Open 2004, 2005, Wimbledon 2003, và US Open 2003, 2004), thành tích tốt nhất của tay vợt tuổi teen này chỉ là lọt vào tới vòng 4.
Bản thân Rafa khi đó cũng không tin rằng mình có thể lập được kỳ tích. “Ồ không, tôi không phải ứng cử viên. Không đâu. Đây là Roland Garros đầu tiên của tôi”, tay vợt trẻ đến từ Mallorca trả lời phóng viên trong phòng họp báo bằng thứ tiếng Anh bập bẹ mà anh đã học 20, 30 phút mỗi ngày, “Hôm nay, tôi đã chơi tốt, nhưng tôi chưa rõ là đến Roland Garros thì mình sẽ chơi tốt hay chơi tệ nữa”.
Thực tế, những gì diễn ra trên sân đấu khác hẳn với sự rụt rè, khiêm tốn ấy. Vài tuần sau, Nadal đánh bại Roger Federer ở bán kết, trước khi hạ gục nốt Mariano Puerta ở chung kết Roland Garros dù bị dẫn trước 1 set. Sau chiến tích ấy, anh giành thêm 11 chức vô địch Roland Garros nữa, góp phần lớn vào bảng vàng 19 danh hiệu Grand Slam, chỉ kém kỷ lục của Federer đúng 1 danh hiệu. Thành tích ấy có thể còn ấn tượng hơn nếu Rafa không phải vật lộn với những chấn thương ở cổ tay và đầu gối, những chấn thương đã khiến anh phải vắng mặt ở 9 Grand Slam.
Đại dịch Covid-19 đã khiến Nadal không có cơ hội nâng cao chức vô địch Monte Carlo Masters lần thứ 12. Nhưng việc quần vợt bị đóng băng đã ghi nhận 15 năm đỉnh cao của Nadal, với 209 tuần trên ngôi số một thế giới. Và hãy nhớ, kể từ sau chức vô địch Monte Carlo 2005 ấy, anh chưa hề bị bật khỏi Top 10.
Nhà vô địch về ý chí “Anh ấy là một nhà vô địch về ý chí, điều đó được thể hiện qua những màn trình diễn trên mọi mặt sân nhiều năm qua, qua cách anh ấy trở lại sau vô số chấn thương”, Novak Djokovic đã nói như vậy về đối thủ lâu năm của mình. “Sự kiên cường và tập trung mà Nadal mang đến sân đấu – thể hiện qua cách anh nhảy lên trước khi bước vào sân đã đủ khiến đối phương e ngại. Một người khổng lồ thực sự về cả tinh thần và thể lực”, Murray đồng ý với Djokovic, “Tôi dám khẳng định rằng xét về sự ổn định, Rafa là tay vợt có tinh thần mạnh mẽ bậc nhất. Điều đó được thể hiện ngay từ khi anh 18, 19 tuổi, trong khi thông thường thì nó phải được xây đắp qua nhiều năm tháng”. Nadal đang kém Djokovic về đối đầu (26-29), nhưng anh đang vượt trội so với Roger Federer (24-16) và Andy Murray (17-7), hai tay vợt khác trong Big Four. |
Phương Chi
Tags