(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 10/7 vừa qua, cả thế giới cùng tôn vinh thời điểm kỷ niệm 150 năm sinh của nhà văn Pháp Marcel Proust - tác giả bộ tiểu thuyết 7 tập Đi tìm thời gian đã mất (A La Recherche du Temps Perdu). Nhưng trong thời đại 4.0 hiện nay, tác phẩm này có còn được đón nhận khi độc giả sẽ phải mất nhiều thời gian và suy ngẫm để đọc nó?
Được các nhà phê bình và nhà văn coi là một trong những tác giả có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20, Proust đã viết tác phẩm hoành tráng Đi tìm thời gian đã mất vào năm 1909 ở tuổi 38 và xuất bản trong 7 năm, từ năm 1913 đến năm 1920, trong đó 3 tập cuối được phát hành sau khi nhà văn qua đời. Ông mất vào tháng 11 do biến chứng của bệnh viêm phế quản.
Tác phẩm không dễ nắm bắt
Đi tìm thời gian đã mất là tiểu thuyết có dáng dấp tự truyện với nhân vật chính là người kể chuyện ở ngôi thứ nhất xưng “tôi”. Nhân vật “tôi” kể chuyện mình từ ngày còn nhỏ, với những ước mơ, dằn vặt và mối tình với Gilberte - con gái của Swann - cũng như với Albertine, một trong “những cô gái tuổi hoa” có mối tình thơ mộng và đau xót làm cho người kể chuyện phải quằn quại.
Ngoài ra, tiểu thuyết còn là những thiên đường tuổi ấu thơ, là một xã hội thượng lưu giả dối, nhạt nhẽo, là câu chuyện của Albertine sống bên cạnh Marcel như một “nữ tù nhân” rồi chết một cách thảm thương. Cuối cùng “thời gian lại tìm thấy”, khi người kể chuyện tìm ra lẽ sống của mình là cống hiến cuộc đời cho nghệ thuật. Với ông, tất cả những hoạt động mang tính xã hội chỉ là “thời gian đã mất”.
Như thế, Đi tìm thời gian đã mất là công cuộc đi tìm bản sắc với muôn ngàn bóng dáng luôn luôn thay hình đổi dạng. Ở đó, người kể chuyện có nhiều nhân cách trong một nhân cách, với cái tôi được khơi dậy từ quá khứ. Trong cuốn sách, kỷ niệm sẽ bỗng nhiên sống lại từ bóng tối của thời gian, còn ký ức là một sức mạnh sáng tạo như Proust đã viết: “Những thiên đường thật là những thiên đường đã mất”.
Proust được coi là một biểu tượng của văn hóa châu Âu. Tác phẩm của ông xoay quanh những câu hỏi: Chúng ta nhớ gì, nhớ khi nào, nhớ như thế nào? Làm thế nào để ký ức thay đổi? Và Đi tìm thời gian đã mất - với tổng cộng hơn 4.000 trang - đã trả lời những câu hỏi đó.
Theo Ulrike Sprenger, giáo sư nghiên cứu văn học tại Đại học Konstanz của Đức đồng thời là tác giả của công trình nghiên cứu Proust ABC(xuất bản lần đầu tiên vào năm 1997), Đi tìm thời gian đã mất “giờ đã trở thành một kho báu quốc gia của Pháp nhưng người đọc phải mất nhiều thời gian và sự suy ngẫm để đọc tác phẩm này”.
Thực tế, một thời gian dài, trong số tầng lớp trung lưu có học, bất cứ ai đọc Proust đều đáng được khen ngợi bởi cuốn truyện của Proust được coi là tác phẩm văn học không dễ dàng nắm bắt.
Điều này có thể thấy rõ trong “Cuộc thi tóm tắt Proust toàn nước Anh” của chương trình truyền hình hài kịch phác thảo Monty Python (Anh) hồi năm 1972. Tiêu đề cuộc thi đã nói lên tất cả: Những người dự thi được yêu cầu tóm tắt cuốn Đi tìm thời gian đã mất trong 15 giây.
Vậy tác phẩm của Proust là một ví dụ điển hình cho những cuốn sách văn học trừu tượng và khó hiểu? “Đã có những bình luận trong thời điểm giãn cách xã hội vừa qua, rằng người ta có thể bắt tôi ở nhà nhưng không thể bắt tôi đọc Proust”- GS Sprenger chia sẻ với báo giới.
Bà nói thêm: “Proust không bao giờ muốn được nhớ tới như một tượng đài. Ông chỉ muốn viết một cuốn sách để khám phá cuộc sống của chính mình, để xem trí nhớ hoạt động như thế nào, suy nghĩ về bản thân như thế nào”.
Mãi hấp dẫn đến ngày nay
Năm 1919, tập thứ 2 trong Đi tìm thời gian đã mất được trao giải Prix Goncourt, giải thưởng văn học cao quý nhất của Pháp. Như phân tích của những nhà phê bình khi ấy, Proust với những trang viết của mình đã chứng minh một điều đơn giản: Không có sự thật nào là bất biến, khi nó luôn được xây dựng lên từ lăng kính chủ quan của mỗi người.
Thực tế, tác phẩm của Proust vẫn luôn hấp dẫn cho đến ngày nay. Các nhà văn thế kỷ 20 thừa nhận, dù thích hay không thích, tác phẩm này vẫn là một minh chứng khiến các nghệ sĩ hiện đại phải thay đổi cách nhìn của mình về thế giới, và tiếp đó là cách mà họ thể hiện thế giới ấy trong tác phẩm của mình.
- Marcel Proust và hành trình 'đi tìm tác phẩm đã mất'
- Đi tìm 'kho báu' của tiểu thuyết gia Marcel Proust
- 100 năm 'Đi tìm thời gian đã mất': Marcel Proust 'vẫn còn'!
Năm 1998, Alain de Botton, một nhà văn kiêm nhà triết học người Anh gốcThụy Sĩ, đã viết cuốn How Proust Can Change Your Life (Proust có thể thay đổi cuộc đời bạn như thế nào). Rồi, vào năm 2020, nhà sử học người Israel Saul Friedlander đã xoáy đến cuốn Đi tìm thời gian đã mất của Proust trong một bài luận có tựa đề Reading Proust (Đọc Proust).
Các nhà ngôn ngữ học và học giả văn học cũng dày công nghiên cứu các tác phẩm của tiểu thuyết gia thế kỷ 19 này. Lothar Muller, một nhà báo người Đức, năm nay đã xuất bản cuốn Adrien Proust And His Son Marcel (Adrien Proust và con trai Marcel), trong đó có sự so sánh thú vị giữa thế giới văn học và lĩnh vực y học. Trong khi đó, dịch giả về Proust - Bernd-Jurgen Fischer - đã khám phá gia đình và vòng kết nối bạn bè của nhà văn trong cuốn In Search Of Marcel Proust (Tìm kiếm Marcel Proust -2020). Các văn bản chưa biết trước đó của Proust cũng đã được xuất bản gần đây.
Ulrike Sprenger khẳng định, mỗi trang của Proust đều đáng giá: “Proust dạy chúng ta nhìn và hiểu điều gì là quan trọng đối với mình, cho dù đó có thể là những điều tưởng như nhỏ nhặt”.
Đi tìm thời gian đã mất lọt Top 10 cuốn tiểu thuyết được thanh niên Pháp ưa thích nhất trong thế kỷ 20. Tạp chí Time cũng đưa Đi tìm thời gian đã mất vào Top 10 cuốn sách vĩ đại nhất mọi thời. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Tags