(Thethaovanhoa.vn) - Danh họa Hà Lan Van Gogh (1853-1890) là một trong những họa sĩ nổi tiếng nhất thế giới. 165 năm sau ngày sinh của danh họa, cuộc đời và những bức tranh của ông vẫn lôi cuốn người yêu hội họa trên khắp thế giới.
- Bày tranh của danh họa Van Gogh tại Australia: Khách tham quan kỷ lục
- Kiệt tác 'Poppy Flowers' của Van Gogh vẫn mất tích bí ẩn
- Danh họa Van Gogh đã bị sát hại?
1. Phong cách vẽ của Van Gogh rất dễ nhận biết. Những bức tranh nổi tiếng nhất của Van Gogh như: Sunflowers (1887), Cafe Terrace at Night (1888) và The Starry Night (1889) luôn thu hút được đám đông tới các phòng trưng bày trong hơn 100 năm qua.
Sinh thời, Van Gogh sống cuộc đời đầy khó khăn, chật vật và nay đây mai đó. Lấy cảm hứng từ tác phẩm của họa sĩ Pháp Jean-Francois Millet (1814-1875) và các cuốn tiểu thuyết của Emile Zola, nhà văn Pháp nổi tiếng thế kỷ 19, các bức tranh đầu tiên của Van Gogh mô tả sự tàn nhẫn, chán nản và niềm an ủi của các thợ mỏ, thợ dệt, người gặt lúa, người lao động và nông dân mà ông gặp. Van Gogh thể hiện lòng trắc ẩn lớn trong những đề tài mà ông vẽ. Đặc sắc nhất trong thời kỳ này là bức tranh sơn dầu The Potato Eaters (Những người ăn khoai tây - 1885).
Van Gogh "khét tiếng" với tính hay nóng giận, lo âu bồn chồn. Trong một giai đoạn trầm cảm ở Arles, ông đã lấy dao cạo cắt phéng một bên tai của mình. Bức tranh tự họa của ông, mô tả một tai băng bó, hiện được treo tại Phòng Trưng bày Courtauld ở London (Anh).
Van Gogh từng phải điều trị trong một số bệnh viện tâm thần và thời chữa trị tại Saint-Remy de Provence, ông đã vẽ những người cùng phòng điều trị trước khi mất hy vọng rằng ông không thể khỏi bệnh điên và nỗi tuyệt vọng ấy đã khiến ông tự kết liễu đời mình ở tuổi 37 bằng cách tự bắn vào ngực khi đang đứng giữa cánh đồng lúa mì ở Auvers-sur-Oise, Tây Bắc Paris. Qua đời, Van Gogh để lại hơn 1.900 bức tranh và phác thảo.
Minh chứng rõ nhất cho đặc điểm khác thường của Van Gogh được bộc lộ trong những bức thư họa sĩ gửi cho người em trai của mình là nhà buôn nghệ thuật Théo van Gogh (1857-1891), người đã hỗ trợ Van Gogh về tài chính cũng như tình cảm và hướng anh trai vẽ tranh sau những khởi đầu không thành công ở Anh và khi là nhà truyền giáo (đạo Tin Lành) cho những người thợ mỏ ở Borinage (Bỉ).
Théo chính là người đã đưa người anh trai lập dị của mình tới Paris vào năm 1886, giới thiệu Van Gogh với những tên tuổi hàng đầu của trường phái hậu ấn tượng ở Montmartre, như Paul Gauguin, Camille Pissarro và Henri de Toulouse-Lautrec.
2. Van Gogh đã viết 663 bức thư cho em trai, song hiện chỉ còn tồn tại 39 bức thư. Bà Johanna van Gogh-Bonger, vợ của Théo, đã dành nhiều năm để thu thập những bức thư của anh chồng sau khi cả hai anh em họa sĩ qua đời và cuối cùng xuất bản một sưu tập vào năm 1914. Công sức của Van Gogh-Bonger được xem là cách để bảo vệ di sản của danh họa.
Đọc những bức thư ấy, công chúng hiểu được rõ nhất về cách làm việc, những động cơ và cá tính của Van Gogh. Chúng bộc lộ tính dễ nổi nóng và sự phụ thuộc của họa sĩ tài ba này vào người em trai của mình.
Khi bàn về bức tranh Of The Night Cafe (1888), vẽ những cô gái làm tiền, Van Gogh viết: “Anh đã cố gắng bộc lộ những đam mê khủng khiếp của con người bằng những sắc màu đỏ và xanh".
Kể cả trong loạt tranh vẽ hoa hướng dương của Van Gogh cũng chứa đựng một câu chuyện buồn. Loạt tranh này được vẽ để trang trí căn phòng của Gauguin khi ông tới thăm Van Gogh ở Arles và thể hiện sự phấn khích, vui mừng của họa sĩ khi chào đón người bạn của mình trước khi mối quan hệ của hai người trở nên tồi tệ.
Khi Van Gogh không thể đối diện với căn bệnh tâm thần của mình nữa và cảm thấy mình là gánh nặng của Théo lúc em trai đã trở thành trụ cột của một gia đình nhỏ, ngày 27/7/1890, ông đã tự bắn vào ngực mình. Van Gogh lảo đảo lê bước về nhà trọ, máu chảy đầm đìa.
Hai bác sĩ đã tới cấp cứu cho Van Gogh. Théo cũng từ Paris vội vã tới và thấy anh trai mình đang nằm trên giường bình thản hút thuốc chờ đón cái chết. Qua làn khói thuốc, Van Gogh đã thì thầm vào tai em trai: “Nỗi buồn sẽ đeo đẳng mãi mãi”.
Đám tang Van Gogh được cử hành vào ngày 30/7/1890 ở Auvers-sur-Oise. Bao quanh là những tác phẩm hội họa và cọ vẽ của Van Gogh. Nhiều người đến viếng họa sĩ đã đặt hoa hướng dương và thược dược vàng lên quan tài ông. Cả Théo cũng như bác sĩ của Van Gogh là Paul Gachet đều không thể cầm được nước mắt tại đám tang.
Sau này, Emile Bernard, họa sĩ Pháp trường phái hậu ấn tượng, kể lại rằng: "vàng là màu yêu thích của Van Gogh, biểu tượng của ánh sáng mà ông mơ ước được có trong trái tim mọi người".
Sau khi anh trai qua đời, Théo cũng mắc bệnh giang mai. Ông qua đời ở Utrecht (thành phố lớn thứ 4 của Hà Lan) chỉ 6 tháng sau đó, khi mới 33 tuổi. Théo được chôn cất ở Utrecht, nhưng sau đó được cải táng và chôn cạnh anh trai ở Pháp.
Sinh thời, Théo chưa thực hiện được mơ ước mở phòng trưng bày riêng, song đóng góp của ông để đảm bảo cuộc sống cho người anh trai đầy bi kịch của mình thật vô giá.
Khi còn sống Van Gogh chỉ bán được mỗi bức tranh, The Red Vineyard (1888), cho em gái của một người bạn.
Van Gogh trong văn hóa đại chúng Sự nghiệp cầm cọ vẽ của Van Gogh đã được mô tả trong phim Lust For Life (1956) của đạo diễn Vincente Minnelli. Thủ diễn chính trong phim là tài tử Hollywood Kirk Douglas. Bên cạnh đó, Van Gogh còn là nhân vật chính trong phim Vincent & Theo (1990) của Robert Altman, song tác phẩm này xoáy nhiều hơn tới tình anh em của Vincent và Theo Van Gogh. Danh họa Hà Lan còn bất tử trong một ca khúc do Don McLean và Jonathan Richman sáng tác. Mới đây, vở kịch Vincent In Brixton (2003) do Nicholas Wright đạo diễn đã mô tả về những ngày đầu của Van Gogh ở London. Năm 2016, hai đạo diễn Dorota Kobiela và Hugh Welchman đã tung ra Loving Vincent, bộ phim được dựng theo những bức thư mà danh họa Van Gogh viết một tuần trước khi qua đời. Ấn tượng nhất về tác phẩm là phần hình ảnh được phát triển từ hơn 100 bức tranh của Van Gogh thành gần 60.000 khung hình sơn dầu cực kỳ chi tiết. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Tags