(Thethaovanhoa.vn) - Không chấn song, không hàng rào cao, các vườn thú tự nhiên theo mô hình safari hiện nay được khởi xướng bởi Carl Hagenbeck (1844 – 1913) một nhà buôn động vật hoang dã người Đức. Ngày 10/6 vừa qua, cái tên ấy được nhiều người nhắc tới, nhân kỉ niệm ngày sinh thứ 175 của ông.
Carl Hagenbeck là một trường hợp đặc biệt. Ông vừa mở ra một kỉ nguyên mới cho các vườn thú tự nhiên, vừa là người để lại một vết nhơ trong lịch sử với việc tổ chức “vườn thú người”.
Từ vườn thú hoang dã
Hagenbeck là con trai út trong một gia đình có bố là người buôn cá ở Hamburg. Ngay từ khi còn nhỏ, Hagenbeck đã có ý thức về khai thác kinh doanh từ những động vật kỳ lạ.
Một ngày nọ, khi cha ông nhận được những chú hải cẩu nằm trong lưới đánh cá của các ngư dân, Hagenbeck nảy sinh ý tưởng “trưng bày” để kéo công chúng trả phí khi đến xem hải cẩu. Từ đó, ông bắt đầu tạo ra nền tảng cho sở thú của riêng mình.
Ban đầu, Hagenbeck đi khắp các thành phố với một gánh xiếc di động và các màn trình diễn lạ thường. Sau đó, vào năm 1907, ông đã thực hiện được mong ước từ lâu, mở vườn thú của riêng ngay ngoại ô Hamburg.
Ngay từ đầu, vườn thú của Hagenbeck đã trở thành một “hiện tượng”. Đó là một công viên với các động vật có thể sống trong thiên nhiên hoang dã. Hổ và sư tử được nuôi trong những khu đất được mô phỏng theo tự nhiên. Hàng rào vây quanh được tổ chức bằng những đường mương không nhìn thấy được.
Sau đó, Hagenbeck đã trở thành một trong những người buôn bán động vật và giám đốc vườn thú thành công nhất trên thế giới. Vườn thú của ông vẫn nằm trong sự điều hành của gia đình hơn 110 năm qua và đang được quản lý bởi thế hệ thứ sáu trong gia tộc. Hiện có hơn 1.850 động vật từ 210 loài sinh sống trong vườn thú này.
Hagenbeck cũng đã chứng tỏ là một nhà kinh doanh lành nghề với việc cung cấp các động vật kỳ lạ từ khắp nơi trên thế giới cho các sở thú lớn và nhiều cá nhân. Ngoài ra, ông còn huấn luyện động vật cho các màn trình diễn xiếc của mình.
…Tới “vườn thú người”
Thế nhưng, các màn trình diễn của Hagenbeck không chỉ có động vật. Ông còn “trưng bày” người đến từ nhiều quốc gia xa xôi như Sami, Nubia, Inuit, Somali, Đông Ấn…trước những khán giả của mình.
Thật ra, triển lãm về chủng tộc người đã xuất hiện khá sớm trong lịch sử - khi các nhà thám hiểm và người đi biển châu Âu “tìm được” từ các khu vực mới khám phá và đưa họ trở về cùng mình. Có điều, Hagenbeck biết cách làm thế nào để tổ chức những cuộc triển lãm người cùng động vật hoang dã một cách hoàn hảo.
Chẳng hạn, trong các chương trình của ông, người Sami xuất hiện cùng những chú tuần lộc, người Ai Cập cưỡi lạc đà trước các kim tự tháp được làm bằng giấy, còn các thổ dân Tierra del Fuego ở trong những túp lều và lấy xương động vật làm phụ kiện tóc.
Các “diễn viên” trong những “vườn thú người” đi lưu diễn khắp châu Âu như các ca sĩ và ban nhạc hiện nay. Lịch diễn của họ kín bưng từ sáng đến tối. Có điều, việc thay đổi liên tục điểm diễn và điều kiện làm việc nghèo nàn đã gây ra rủi ro đáng kể cho nhiều “nghệ sĩ” mới.
Cụ thể, năm 1880 một gia đình người Inuit trong nhóm trình diễn đã chết vì bệnh đậu mùa do không được tiêm phòng. Một nhóm người Ấn Độ cũng chết vì bệnh sởi và viêm phổi.
Với nhiều người, các màn diễn này đã gây chấn thương tâm lý cho tới nay. “Chúng tôi đi khắp châu Âu với các gánh xiếc để nhảy múa và trình diễn. Ngay từ đầu, tôi đã căm thù các màn diễn” - Theodor Wonja Michael (94 tuổi) kể trong một cuộc phỏng vấn của DW hồi năm 2017.
Có gốc Cameroon, gia đình Theodor Wonja Michael tới châu Âu vào cuối thế kỷ 19. Ở Berlin, Michael nhanh chóng nhận ra rằng ông không thể được làm những công việc bình thường nhất. Cách duy nhất để kiếm sống là tham gia các cuộc trình diễn đa chủng tộc, sau này được gọi là các “vườn thú người”.
“Chúng tôi phải thể hiện rõ những gì mà người châu Âu trong những năm 1920 và 1930 nghĩ về người châu Phi: vô học, vô văn hóa, mặc váy” - Theodor Wonja Michael kể - “Người xem luồn tay vào mái tóc xoăn của tôi xem có phải tóc thật không”.
Hagenbeck qua đời hồi tháng 4/1913 ở Hamburg do bị rắn cắn. Sau đó, các con trai ông là Heinrich và Lorenz tiếp quản việc điều hành vườn thú và kinh doanh xiếc.
Trong lịch sử, gia đình Hagenbeck tổ chức màn trình diễn “vườn thú người” cuối cùng vào năm 1931. Những năm sau đó, thế giới đã dần loại bỏ kiểu trình diễn vô nhân tính này.
Việt Lâm (tổng hợp)
Tags