(Thethaovanhoa.vn) - Một tin vui đến vào đầu năm mới Kỷ Hợi 2019 và cũng là thời điểm sắp diễn ra Ngày thơ Việt Nam lần thứ 17: từ hôm qua 11/2, một chương trình thơ nhạc đặc biệt có sự tham gia của 18 tác giả Việt Nam bắt đầu được phát sóng trên nhiều đài phát thanh của các trường đại học và các đài phát thanh công cộng của Mỹ.
Có tên Lanterns Hanging on the Wind (Những chiếc lồng đèn treo vào ngọn gió), chương trình này gồm 2 phần, mỗi phần dài 1 giờ đồng hồ.
“Gặp lại” Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Nguyễn Trọng Tạo…
Xếp theo thứ tự phát sóng, 18 nhà thơ Việt Nam tham gia chương trình gồm có Tuyết Nga, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Nguyễn Quang Thiều, Bùi Hoàng Tám, Trần Quang Quý, Giang Nam, Ngô Tự Lập, Nguyễn Bảo Chân, Ly Hoàng Ly, Lê Huy Mậu, Mai Văn Phấn, Hoàng Việt Hằng, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Việt, Lê Anh Hoài, Đặng Nguyệt Anh, Vi Thùy Linh.
Dự án thơ nhạc nói trên do chương trình Melodically Challenged thuộc trường đại học công lập Georgia State University (tiểu bang Atlanta, Mỹ) sản xuất cùng với nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai.
“Tôi rất vui khi chương trình radio thơ của quốc tế phát sóng giọng đọc của nhiều tác giả Việt Nam song song với bản dịch tiếng Anh của các tác phẩm”, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai cho biết. “Tôi cũng rất biết ơn sự hậu thuẫn của tất cả các nhà thơ, dịch giả, nhạc sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ tham gia chương trình vì họ đều nhất trí không thu phí bản quyền hoặc nhận bất cứ thù lao nào, nhằm quảng bá thi ca, âm nhạc và văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế”.
Tất cả các tác giả tham gia chương trình đã ghi âm giọng đọc của mình cho chương trình. Trong đó, nhà thơ Giang Nam, người đã đọc bài Quê hương khi ông 88 tuổi. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đọc bài Tin thì tin không tin thì thôi trước khi ông qua đời vì căn bệnh ung thư. Riêng bài Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ và Thuyền và biển của Xuân Quỳnh thì được nhà phê bình Lưu Khánh Thơ (em Lưu Quang Vũ) thể hiện.
Còn lại, bản dịch tiếng Anh của các bài thơ được thể hiện qua giọng đọc của nữ thi sĩ Jennifer Fossenbell, người đã có nhiều bài thơ về Việt Nam. Trong đó, bài In Hanoi, Again (Lại được ở trong lòng Hà Nội) từng nhận được tặng thưởng cuộc thi "Thơ về Hà Nội 2008 - 2010" do báo Văn Nghệ và Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nội tổ chức”.
Ngoài phần thơ, chương trình cũng được phát sóng cùng với các bài hát được phổ nhạc của các tác phẩm thơ (Thuyền và biển: thơ Xuân Quỳnh, nhạc Phan Huỳnh Điểu, Thu Minh trình bày; Tiếng Việt: thơ Lưu Quang Vũ, nhạc Nguyễn Lê Tâm, Tân Nhàn trình bày; Khúc hát sông quê: thơ Lê Huy Mậu, nhạc Nguyễn Trọng Tạo, Anh Thơ trình bày).
Đồng thời, Những chiếc lồng đèn treo vào ngọn gió cũng giới thiệu tới thính giả quốc tế các tác phẩm dân ca ba miền Bắc, Trung, Nam, qua âm thanh của các loại nhạc cụ truyền thống của Việt Nam như đàn bầu, đàn tranh, đàn nhị, đàn nguyệt… và phần trình diễn của các nghệ sĩ tên tuổi như Hoàng Anh Tú, Hồng Lê, Nguyễn Thế Dân, Đoàn Minh Tuấn, Thu Hà, Ngọc Hoàn… Chương trình cũng bao gồm các tác phẩm ca Huế của nhà thơ Võ Quê qua giọng hát của các nghệ sĩ Dạ Lê và Kim Liên.
Cùng chia sẻ tình yêu và nỗi đau
Được biết, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai đã mất hơn 2 năm để lựa chọn các tác phẩm và liên lệ với các tác giả, các nhạc sĩ, ca sĩ, và nghệ sĩ để xin phép họ. Cô cũng miệt mài làm việc cùng nhà thơ nhà thơ Jennifer Fossenbell trong suốt hơn 2 năm qua để chuyển ngữ nhiều bài thơ được phát sóng chương trình, và kết nối với các dịch giả khác. Cả Quế Mai và Jennifer Fossenbell cũng làm việc tình nguyện cho chương trình (không nhận thù lao) nhằm mục đích quảng bá văn học Việt Nam.
Những chiếc lồng đèn treo vào ngọn gió đánh dấu sự hợp tác chặt chẽ của các dịch giả nhiều kinh nghiệm của hai đất nước Việt Nam và Mỹ, với sự tham gia dịch thuật của các dịch giả: Nguyễn Bá Chung, Martha Collins, Nguyễn Tuyết Ngân, Kevin Bowen, Nguyễn Minh Phương, Bruce Weigl, Ngô Tự Lập, Lady Borton, Thiếu Khanh, Kwame Dawes, Giàu Minh Trương.
Bà Katherine Kincer, giám đốc chương trình Melodically challenged cho biết “Tôi chắc chắn rằng, thính giả Mỹ và quốc tế, một khi nghe chương trình này, sẽ bất ngờ bởi vẻ đẹp của thơ ca và âm nhạc Việt Nam.”
Nhà thơ Paul Christiansen, một trong những thính giả đầu tiên của chương trình cũng đánh giá Những chiếc đèn lồng treo vào ngọn gió là một sự giới thiệu tuyệt vời và tinh tế về thi ca Việt Nam cho thính giả quốc tế. Như lời ông, nếu các bản dịch qua giọng đọc truyền cảm của Jennifer Fossenbell giúp thính giả có sự kết nối với các nhà thơ và đất nước Việt Nam, thì ngược lại, phần tiếng Việt (được đọc bởi tác giả) lại giúp họ cảm nhận được nhịp điệu và kết cấu phong phú của tiếng Việt.
Như chia sẻ từ chương trình, cái tên Những chiếc lồng đèn treo vào ngọn gió được trích từ bài thơ Mắt mà nhà thơ Tuyết Nga đã viết ở một trường khiếm thị với những câu thơ: “Thử nhìn bằng đôi mắt em/ chợt thấy bầu trời ngay trên ý nghĩ/ thấy ước mơ như những chiếc đèn lồng treo vào ngọn gió/ thấy những bông hoa không màu/ Nếu trái tim không mù loà/ quờ tay là thấy được hồn nhau/ thấy được cả những giấc mơ côn trùng dấu dưới nhành cỏ biếc...”
Ở góc độ ấy, 18 tác phẩm thơ được chọn chính là những câu chuyện về tình yêu: tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, tình yêu tiếng Việt; là câu chuyện về những nỗi đau mất mát khi băng qua chiến tranh, nỗi đau trước thân phận con người và bi kịch xã hội. Và là những câu chuyện về quá khứ, hiện tại, và cả tương lai, nơi thi ca không đứng bên ngoài mà dự phần vào cuộc sống, để từ đó cất lên tiếng nói, lan tỏa yêu thương và sự chia sẻ.
Đưa thơ Việt tới khắp thế giới Chương trình Những chiếc lồng đèn treo vào ngọn gió đã được phát sóng trên kênh WRAS của trường đại học công lập Georgia State University vào sáng ngày 11/2/2019 (giờ Việt Nam) và sẽ tiếp tục được phát sóng trên các đài phát thanh như SUNY Adirondack, Wolf Radio, Radio Free Charlotte, SUNY Potsdam radio (New York), Georgia Southern's Radio, KNSU trong thời gian tới Chương trình cũng sẽ được tải lên trang web Public Radio Exchange để thính giả khắp nơi trên thế giới có thể lắng nghe. Các đài phát thanh của Mỹ và quốc tế cũng có thể tải chương trình miễn phí để phát sóng. |
Minh Huy
Tags