8/14 CLB ở V-League 1, trước thềm mùa giải 2024/2025, chưa đạt chuẩn theo khuyến cáo của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) dựa trên các tiêu chí về thể thao, cơ sở vật chất - hạ tầng phục vụ tập luyện, thi đấu; các vấn đề về tổ chức - nhân sự, pháp lý và tài chính. Điều đó có nghĩa là, các CLB này sẽ không được cấp phép thi đấu ở giải châu lục mùa tiếp theo, ngay cả khi họ đoạt danh hiệu cao nhất giải quốc nội trong năm nay.
CLB Hà Nội đã không thể tham dự vòng loại AFC Champions League lẫn AFC Cup 2020, dù là đương kim vô địch cả V-League 1 và Cúp Quốc gia, do thiếu "tiêu chí thể thao" ở mùa giải trước đó: Không cử U15 tham dự giải U15 quốc gia 2019. Trước khi mùa giải 2024/2025 khởi tranh, AFC một lần nữa yêu cầu sân Hàng Đẫy chỉ được phép cấp cho tối đa 2 CLB dùng làm sân nhà, nếu không cả V-League sẽ cắt suất chơi giải châu lục...
Tóm lại, để đáp ứng đủ các tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp theo barem của AFC, với ít nhất 25 CLB tại V-League 1 và 2, là rất khó, thậm chí không thể vào thời điểm hiện tại. Nhưng hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn không phải không có những cố gắng.
Đi mãi thì thành đường
Mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên của bóng đá Việt Nam được tổ chức 2000/2001, kết thúc thời kỳ bóng đá bao cấp kéo dài hơn 20 năm (kể từ năm 1980) và hứa hẹn mở ra một kỷ nguyên mới, với sự xuất hiện của các cầu thủ người nước ngoài. CLB SLNA đi vào lịch sử với tư cách đội bóng đầu tiên vô địch V-League, nhưng dư vị của chiếc Cúp năm ấy cũng thật đắng ngắt, với nghi án mua bán chức vô địch, khiến cho một cơ man người có liên quan của 2 CLB SLNA và Cảng Sài Gòn phải xộ khám.
CLB Cảng Sài Gòn ("đối tác" của SLNA ở mùa giải 2000/2001) lên ngôi năm tiếp theo và dường như ngay lập tức phải xuống hạng ở mùa bóng 2003. Đến năm 2005, CLB Ngân hàng Đông Á bị tước suất thăng hạng V-League 1, khi đại án tiêu cực trọng tài và dàn xếp tỷ số bị phanh phui. Thay vì "mở ra một kỷ nguyên mới", thì hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn chỉ là "bình mới rượu cũ".
Trước và sau sự cố ở CLB Ngân hàng Đông Á (giải thể sau năm 2005 và chuyển giao suất chơi giải hạng Nhất 2006 cho Sơn Đồng Tâm Long An), bóng đá Việt Nam còn ít nhất 2 vụ tiêu cực đình đám khác tại HAGL (chiếc phong bì 200 USD của bầu Đức cho trọng tài và làm độ, dàn xếp tỷ số ở Cúp C1 Đông Nam Á 2003) và tiêu cực của đội tuyển U23 Việt Nam tại SEA Games Bacolod Philippines 2005. Về sau đó là các vấn đề bỏ giải như cơm bữa, tình trạng "một ông chủ nhiều đội bóng"...
Nhà văn Lỗ Tấn đã viết đại ý rằng, không có sẵn con đường, mà người ta đi mãi thì thành đường thôi. Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vừa chạy vừa xếp hàng, thậm chí là ném đá dò đường, đến nay đã 25 năm, bằng với đúng 1/4 thế kỷ. Những tồn tại, ở khía cạnh và mức độ nào đó, vẫn còn đó, song chúng ta phần nào đã hoạch định được lộ trình và không thể phủ nhận bộ nhận diện thương hiệu của bóng đá Việt Nam nói chung, cũng như các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nói riêng, trên trường quốc tế.
Trong một chia sẻ với Thể thao và Văn hóa dịp cuối năm 2024, Ủy viên Thường trực BCH VFF, đồng thời là Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), ông Nguyễn Quốc Hội nói rằng, VPF đã có lãi và các CLB cứ yên tâm thi thố. Hơn 60 tỷ đồng thu về và 25 CLB chuyên nghiệp đều được chia lợi tức ở các mức độ khác nhau. Đấy cũng là nỗ lực của nhà tổ chức, xưa hiếm nay mới thấy... lần đầu. Đáng ghi nhận lắm lắm!
Chữ chuyên chưa tròn
CLB Hà Nội (với phiên hiệu tiền thân là Hà Nội T&T FC) đang là đội bóng giàu thành tích nhất ở V-League 1, với 6 lần đăng quang, dù chỉ mới vắt qua hơn 16 năm tuổi. Xếp thứ 2 là B.Bình Dương (4 lần), kể từ mùa giải đầu tiên lên ngôi năm 2007. Nhưng có thể thấy sự khác biệt rất lớn trong lộ trình các lần lên ngôi của 2 CLB tiêu biểu này. Với Hà Nội T&T trong giai đoạn đầu, đó là các cuộc chạy tiếp sức, còn B.Bình Dương, đơn giản là "mạnh vì gạo, bạo vì tiền", tương đối sòng phẳng.
Mùa giải 2009, khi Hà Nội T&T lần đầu bước lên sàn diễn cao nhất Việt Nam, xếp đội sổ sau lượt đi và bất ngờ cán đích trong Top 4 đội dẫn đầu V-League, người ta đã bắt đầu ngờ ngợ về điều này. Trong năm đó, SHB Đà Nẵng là đội đăng quang và bầu Hiển (ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Tập đoàn T&T) chỉ nhận với vai trò là nhà tài trợ chính, thậm chí một CĐV, của đội bóng bên bờ sông Hàn. Ai không biết SHB là của nhà ông Hiển?! Các cuộc "build up" tiếp tục diễn ra vào các năm 2012, 2017 và nhiều mùa bóng khác, cho đến khi "gia đình" Xuân Thành trở lại. Tại sao nói là "trở lại"?
Lại nhắc, Xuân Thành Sài Gòn (XMXT.Sài Gòn hay Sài Gòn FC) từng xuất hiện như một thế lực lớn ở mùa giải V-League 2012, với đội hình toàn sao, từ nội đến ngoại và cả Tây nhập tịch. Cuối cùng thì họ vẫn cay đắng nhìn "gia đình" T&T chiếm lĩnh đỉnh cao, SHB Đà Nẵng lần thứ 2 vô địch sau khi thắng dễ V.Ninh Bình ở Hoa Lư, đồng thời Hà Nội T&T đá "chết bỏ", cầm chân XMXT.Sài Gòn tỷ số 0-0 ở Thống Nhất. Tức lắm, nhưng không làm gì được, đợi đến gần cuối mùa giải 2013, XMXT.Sài Gòn quyết định bỏ ngang, đồng thời giải tán luôn, thề không bao giờ quay lại.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2010-2014, có đến hàng chục đội bóng giải thể, hoặc thay tên đổi chủ sau mua bán, hay ít nhất cũng thay đổi phiên hiệu... VFF và VPF mất kiểm soát trong vấn đề này. Nó chủ yếu bắt đầu từ các vấn nạn tiêu cực trọng tài và một cơ chế tài chính thiếu minh bạch, dẫn đến một cuộc chơi không công bằng, mà nhà tổ chức không thể làm chủ.
Mặc dù các ĐTQG Việt Nam đã gặt hái được một số thành tựu đáng kể ở đấu trường khu vực như SEA Games (2 HCV) hay AFF Cup (2 chức vô địch), thậm chí giải châu lục (2 lần lọt vào tứ kết Asian Cup) hay Vòng loại thứ 3 FIFA World Cup 2022, khu vực châu Á..., trong 25 năm qua, nhưng hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam lại chỉ đóng góp rất khiêm tốn. Đó thực sự là một nghịch lý, bởi bóng đá Việt Nam vẫn chưa đủ năng lực xuất khẩu cầu thủ và V-League vẫn là giải đấu có đẳng cấp cao nhất xứ sở, mà môi trường phát triển chính duy nhất.
Trở lại với V-League và rất nhiều thách thức trong quá trình tiến lên chuyên nghiệp. Tiền và dòng tiền đã và vẫn sẽ quyết định thành bại, thậm chí hưng vong của giải đấu này. Nếu như không kiểm soát cuộc chơi một cách chủ động, e rằng nhà tổ chức có thể mất luôn cả hệ thống. Trung ngôn nghịch nhĩ, lịch sử giải đấu 25 năm tuổi vốn quá nhiều biến cố, khúc cua rồi, hẳn không chỉ để cảnh báo, mà chính là lời giải thích thấu đáo cho những gì đã và sẽ diễn ra vậy.
Cuộc chơi của các ông bầu
25 năm bóng đá Việt Nam lên chuyên, được nhiều và mất cũng không ít. Có thể thấy các CLB còn nặng tính bao cấp hoặc bị giải thể, hoặc tụt lại, vì không theo kịp cơ chế. Mà cơ chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nói thẳng ra là tiền, mà tiền hầu hết là từ túi các ông bầu.
Đồng bằng sông Cửu Long đã sạch bóng V-League 1 từ nhiều năm qua và vẫn chưa có biểu hiện nào trở lại, khi ngay cả Long An (CLB giàu thành tích nhất với 2 chức vô địch) cũng đang như "ốc mượn hồn", sống nhờ cơ chế của đội bóng khác, ông chủ khác không phải là bầu Thắng quen thuộc.
Giờ ít ai còn bận tâm đến việc nhà tài trợ CLB đụng với nhà tài trợ giải đấu nữa, miễn có tiền là được. Vấn đề một ông chủ sở hữu vài đội bóng cũng không còn được nhắc tới nữa, bởi nó có thể là hàng chục đội bóng ở các hạng mục giải đấu khác nhau trong lãnh thổ.
Gỡ bài toán để bóng đá Việt Nam thực sự chuyên nghiệp như Nhật, Hàn hay gần chúng ta nhất là Thái Lan, không phải nói hay là được.
Tags