Chuyên đi học Phủi

Thứ Sáu, 06/04/2018 15:55 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Bóng đá đỉnh cao, thời nay được gắn với chữ chuyên nghiệp và bóng đá phủi, cách gọi lóng của bóng đá phong trào là hai phạm trù hoàn toàn khác biệt dù đều là đá bóng, nếu không muốn nói là "nước sông, nước giếng". Ấy vậy mà vài năm trở lại đây, ở làng cầu Việt, mỗi khi nhắc đến bóng đá chuyên, người ta lại bảo - phải đi mà học bóng đá Phủi!

Khoan hãy nói về chuyện chuyên môn, một CLB bóng đá chuyên nghiệp lúc này chả khác gì một công ty kinh doanh loại hình hàng hóa đặc biệt (bóng đá). Tất cả phải được đảm bảo đúng tiêu chuẩn, từ chuyện cái tên đến tổ chức bộ máy quản lý, điều hành, rồi người lao động (cầu thủ, HLV, cán bộ, nhân viên) với số kinh phí duy trì hoạt động lên tới hàng chục tỷ đồng mỗi mùa. Đó là chưa kể đến cái công ty ấy phải hoạt động theo quy định, quy chế của từ luật pháp đến VFF, AFC, thậm chí là cả... FIFA!

Còn bóng đá phủi, dù mấy năm gần đây "lên đời" với rất nhiều giải đấu quy mô lớn nhỏ diễn ra trên toàn quốc cùng số đội bóng mọc lên như nấm (và cả giải tán) chẳng ai đếm nổi, thì vẫn cứ là... phủi. Cái khó nhất của bóng đá phong trào đương nhiên là kinh phí để tổ chức và duy trì, bởi thế mà dân phủi thường đùa - bóng đá cộng đồng là... đi cộng từng đồng! Đó là chưa kể đến những cái khó từ chuyên môn đến công tác an ninh, an toàn.

Bóng đá chuyên nghiệp nhìn từ khán giả: 'Tiền đạo' không bằng... tiền mặt

Bóng đá chuyên nghiệp nhìn từ khán giả: 'Tiền đạo' không bằng... tiền mặt

Theo sơ đồ phát triển một nền bóng đá theo chuẩn Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC), truyền thông và khán giả được ví là 2 “tiền đạo” trong sơ đồ 3-5-2.

Vậy tại sao và như thế nào, bóng đá chuyên nghiệp lại phải đi học bóng đá phủi? Câu trả lời liên quan đến cấu thành quan trọng để làm nên thành công của bóng đá, dù đó là loại hình bóng đá nào - Khán giả.

Gần 10 năm lên chuyên, bóng đá đỉnh cao mang bộ mặt giàu có khác hẳn và cũng không thể phủ nhận, những bước tiến lớn bằng cách làm bài bản chuyên nghiệp hơn. Vậy nhưng, các khán đài chuyên nghiệp, mà rõ nhất là sân chơi số 1 trong hệ thống thi đấu quốc gia thì ngày càng heo hắt. Mà trong bóng đá, chẳng có khán giả, cũng đồng nghĩa với việc... chẳng có gì!

Vậy mà ngược lại, sân phủi ngày càng hút khách. Mỗi trận đấu, mỗi giải phủi luôn đầy ắp người xem để tạo nên ngày hội bóng đá thực sự. Chỉ riêng giải phủi HPL tại Hà Nội, theo đại diện tổ chức cho biết, mỗi vòng đấu đã có đến 10.000 khán giả, con số đáng để V-League phải mơ. Đó là chưa kể đến mảng bóng đá cộng đồng đang trở thành trào lưu hot tại nhiều đô thị lớn đang trở thành ngành kinh doanh cũng hái ra tiền khi hướng tới đối tượng thiếu niên, nhi đồng nhằm nâng cao sức khỏe vận động thông qua bóng đá.

V-League 2017 trở lại: 'Đánh đu' cùng giải chuyên nghiệp

V-League 2017 trở lại: 'Đánh đu' cùng giải chuyên nghiệp

Việc V-League nghỉ ngắt quãng quá nhiều và quá dài, khiến không ít người nghĩ, giải đấu số 1 Việt Nam và từng "tự phong" là số 1 Đông Nam Á đã kết thúc từ lâu lắm rồi, chứ không phải sẽ trở lại lượt trận thứ 17, vào cuối tuần này.

****

Bóng đá dù lên tới đỉnh cao hay chuyên nghiệp cỡ nào, thì bản chất của nó vẫn là giải trí. Người ta không tìm đến sân, kể cả miễn phí để xem thứ bóng đá không mang lại cho họ niềm vui nào dù là nhỏ nhất. Vậy nên ngay cả vào lúc này, khi mà các khán đài đang dần đông trở lại nhờ vào hiệu ứng từ đội tuyển U23, thì câu hỏi đặt ra là nếu cái hiệu ứng ấy hết, thì cái gì sẽ đưa khán giả đến sân?

Đó chính là điều mà bóng đá chuyên nghiệp phải học bóng đá phủi, bóng đá cộng đồng. Nếu không có thứ bóng đá sạch đẹp, nếu không biến mỗi trận bóng đá trở thành ngày hội thực sự, thì chuyện vắng khách e là khó tránh. Đấy là chưa kể đến một lớp khán giả mới đang dần hình thành của thời mạng xã hội. Đến sân chưa hẳn để xem bóng đá một cách đúng nghĩa như những bậc cha anh, đôi khi chỉ là để ngắm nhìn thần tượng, để được sống trong bầu không khí hội hè, nhỏ nhặt hơn, chỉ để "seo" bức ảnh lên phây...

Xã hội đang thay đổi và bóng đá cũng cần thay đổi. Bóng đá phủi thì đã, còn bóng đá chuyên vẫn đang loay hoay! Vậy có học âu cũng là lẽ thường.

Vũ Minh

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›