(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2018 tới đây nhiều khả năng sẽ là một năm cạnh tranh khốc biệt giữa các bộ phim truyền hình Hàn Quốc – khi mà loại phim này không còn là "tài sản" độc quyền của 3 kênh truyền hình lớn xứ kim chi, gồm KBS, MBC và SBS.
Kênh truyền hình cáp tvN của CJ E&M đã nhảy vào cuộc cạnh tranh này từ cách đây nhiều năm. Và trong năm 2017, "miền đất" này đã trở thành cuộc đua "6 chiều" với sự nổi lên của các kênh truyền hình cáp như JTBC và OCN.
Lao vào "cơn sốt vàng"
Chưa hết. Trong nửa cuối năm nay, TvN và JTBC đã tăng thời lượng chiếu phim truyền hình trong chương trình và nhiều khả năng sang năm 2018, OCN cũng đi theo mô hình này.
Các kênh truyền hình cáp Olive, Onstyle và Dramax, cũng như các kênh truyền hình cáp TV Chosun, Channel A và MBN, cũng lên kế hoạch phát các phim truyền hình riêng vào sang năm.
Thêm nữa, địa chỉ dịch vụ truyền dữ liệu Netflix cũng gia nhập vào cuộc cạnh tranh này và giới thiệu loạt phim truyền hình Hàn Quốc thứ 2, Kingdom. Theo Netflix, loạt phim này do Kim Eun Hee (được giới phê bình ca ngợi với kịch bản phim truyền hình Signal – 2016) viết kịch bản và Kim Seong Hun (từng gây tiếng vang với phim điện ảnh Tunnel - 2016) đạo diễn. Phim dài 6 tập, có bối cảnh trong triều đại Joseon (nhà Triều Tiên: 1392-1910), kể về một hoàng tử được cử đi thực hiện một sứ mệnh "chết người", điều tra về sự bùng phát đầy bí ẩn của một bệnh dịch.
Các nhà quan sát thị trường dự đoán rằng sang năm sẽ có một lượng lớn phim truyền hình mới được phát sóng, khoảng 110 - 130 phim. Trong số đó, 80 - 85 phim sẽ là những loạt phim dài tập được khán giả trẻ yêu thích.
Năm ngoái, đằng sau sự gia tăng đột biến của phim truyền hình dài tập là thành công "không tưởng" của phim truyền hình lãng mạn mang đề tài quân đội Hậu duệ mặt trời (Descendants of the Sun). Sức hút của bộ phim này ở xứ kim chi và Trung Quốc đã khiến Hàn Quốc đẩy mạnh sản xuất nhiều bộ phim có chất lượng "nhắm" tới các thị trường hải ngoại.
Tuy nhiên, những hy vọng của các nhà sản xuất phim truyền hình Hàn Quốc đã nhanh chóng bị dội "gáo nước lạnh" và nền công nghiệp này đã bị "đóng băng" trong hơn một năm qua do vấp phải lệnh trừng phạt "ngầm" của Trung Quốc đối với các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc nhập khẩu. Trung Quốc đã áp dụng lệnh ngầm đó nhằm trả đũa Seoul về việc phát triển hệ thống chống tên lửa của Mỹ.
Song hiện thực đó khắc nghiệt đó cũng không ngăn được các đài truyền hình lao vào "cơn sốt vàng" mà phim Hậu duệ mặt trời đã tạo nên.
Những người được hưởng lợi nhiều nhất từ 'cơn sốt" này là diễn viên và ê-kíp sản xuất. Mức thu nhập của họ đã tăng vọt chủ yếu nhờ nhu cầu thị trường tăng đột biến. Thực tế đó khiến các công ty sản xuất gặp nhiều khó khăn trong việc mời các gương mặt nổi tiếng, tài năng và thuê đội ngũ sản xuất lành nghề, như các kỹ thuật viên ánh sáng và biên tập, cho các chương trình của mình.
"Chúng tôi đang bị thiếu nhân lực" – một nhà điều hành của tvN nói. "Khi chúng tôi không thể liên lạc được với một người nào đó (mà hôm trước đã đạt được thỏa thuận bằng miệng) thì có nghĩa là người đó đang quay một bộ phim truyền hình khác sau khi đã được trả thù lao cao hơn".
Đa dạng hơn
Bởi vậy, sự thiếu hụt các ngôi sao hạng A đã mở ra cơ hội lớn cho các diễn viên phụ hoặc các diễn viên mới để chứng tỏ mình. Một số "tân binh" như, Yang Se Yong và Chae Soo Bin, đã "chớp" được thời cơ này và nổi lên thành ngôi sao.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát trong nền công nghiệp truyền hình đang lo lắng: trong bối cảnh thị trường Trung Quốc vẫn đóng cửa, số lượng phim truyền hình gia tăng sẽ dẫn đến câu hỏi "ai là gà" khi có quá nhiều người tìm kiếm lợi thế của riêng mình.
Park Ho Sik, nhà sản xuất chính của tvN, dự đoán sau cuộc cạnh tranh khốc liệt vào năm 2018, một số nhà đầu tư không thể cạnh tranh nổi sẽ "âm thầm" biến mất khỏi nền công nghiệp này.
"Các công ty sản xuất không thể chi ra một khoản chi phi sản xuất lớn mà không có quyết tâm đầu tư của các nhà điều hành. Các nhà sản xuất vẫn đang nuôi hy vọng thị trường Trung Quốc sẽ mở cửa lại, song tôi không lạc quan về cơ hội đó" - Park Ho Sik nói.
Trong bối cảnh có nhiều phim truyền hình đang được sản xuất, Park Ho Sik cho rằng thị trường nội địa không đủ lớn để tiêu thụ hết số đó. "Chúng ta không thể tiếp tục làm theo cách như mọi thứ đang diễn ra mà không cần tìm thị trường thay thế mới" - Park Ho Sik khẳng định.
cần phải nhận thấy rằng sự cạnh tranh khốc liệt sẽ giúp làm gia tăng sự đa dạng của phim truyền hình.
"Tôi hy vọng rằng 2018 sẽ là năm đặc biệt về sự đa dạng của phim truyền hình Hàn Quốc. Tôi nghĩ, sự gia tăng của các chương trình mới sẽ đóng góp vào sự phát triển của phim truyền hình Hàn Quốc" - Ham Young Hoon, nhà sản xuất chính của JTBC, nói.
Phim Hàn – bệ phóng cho những ngôi sao "tiền triệu" Hiện tại, đang dấy lên những tin đồn rằng để có được một ngôi sao thủ diễn chính trong phim, các nhà sản xuất phải chi tới 150 triệu won trả thù lao mỗi tập phim cho diễn viên đó. "Chúng tôi không biết hợp đồng thực sự có hiệu lực hay không, song không còn bất ngờ khi nghe nói rằng "phí xuất hiện" của một số diễn viên có giá tới 100 triệu won/tập" – Nhà sản xuất chính của một kênh truyền hình lớn cho biết - "Vì có rất nhiều phim truyền hình đang được sản xuất, nhiều diễn viên hàng đầu yêu cầu mức cát-xê tối đa mà họ có thể nhận được và các công ty sản xuất không còn cách nào khác là phải chấp nhận yêu cầu của họ". Thực tế, Bae Yong Joon, ngôi sao loạt phim truyền hình ăn khách Bản tình ca mùa Đông (Winter Sonata- 2002) là nam diễn viên Hàn Quốc đầu tiên nhận được mức thù lao hơn 100 triệu won/tập phim truyền hình. Anh đã được trả mức cát-xê "khủng" đó khi thủ vai chính trong loạt phim Tứ thần ký (Story Of First King's Four Gods – 2007) của đài MBC. Nhiều ngôi sao nổi tiếng khác như Jang Keun Suk, Lee Young Ae và Ji Chang Wook, cũng được trả mức thù lao tương tự. |
Việt Lâm (lược dịch)
Tags