(Thethaovanhoa.vn) - Victor Hugo (26/2/1802-26/2/2022) không chỉ là nhà văn nổi tiếng của Pháp mà còn là biểu tượng mẫu mực của dòng văn học lãng mạn thế kỷ XIX. Những sáng tác của ông chứa đựng khối lượng đồ sộ về lịch sử và văn hóa. Chính những đóng góp lớn cho nền văn chương nước Pháp và thế giới mà thế kỷ XIX được gọi là "Thế kỷ của Victor Hugo".
Người chép sử bằng thơ, kịch, tiểu thuyết
Victor Hugo là một đại văn hào của nước Pháp thế kỷ XIX, đồng thời cũng là một trí thức dấn thân và một chính trị gia, dùng ngòi bút để chiến đấu cho những lý tưởng của ông vào thời kỳ đó. Chính điều này đã khiến ông bị lưu đày trong 20 năm. Khi mất ông được làm lễ quốc tang và thi hài được đưa vào điện Pantheon an nghỉ.
Sinh ngày 26/2/1802, mất ngày 22/5/1885, cuộc đời đại văn hào Victor Hugo đã trải qua những biến động lớn lao của lịch sử nước Pháp: Cách mạng vô sản năm 1848, chiến tranh Pháp - Phổ năm 1870, Công xã Paris năm 1871... những điều này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc đời mà còn in dấu trong toàn bộ sự nghiệp của ông.
Nếu như Lev Tolstoy được coi là tấm gương phản chiếu cách mạng Nga, Victor Hugo được đánh giá đã tái hiện các sự kiện cách mạng Pháp trong các tác phẩm.
Như một người chép sử bằng thơ, kịch, tiểu thuyết, Victor Hugo đã có công phản ánh trung thực những bước chuyển mình vĩ đại của nước Pháp, phong cách viết của ông có ảnh hưởng sâu sắc đến nền văn học thế giới.
Trong hơn 60 năm cầm bút sáng tác, ông đã viết nên 45 tác phẩm với nhiều thể loại, trong đó có hai cuốn tiểu thuyết luôn có trong danh sách những tác phẩm văn học vĩ đại nhất mọi thời đại là Những người khốn khổ và Nhà thờ Đức bà Paris.
Victor Hugo có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng trong bầu trời văn học của nước Pháp và cả thế giới, đúng như đại văn hào Lev Tolstoy đã nhận xét: Hugo là một nhà tiểu thuyết đứng trên thế kỷ của mình như mẫu mực của ý thức nghệ thuật và ý thức đạo đức hết sức cao cả. Ông giống như một mầm xanh mọc lên từ đống tro tàn của chế độ phong kiến đã sụp đổ, rồi vươn mình trở thành một cây đại thụ trong văn đàn Pháp và thế giới.
“Vì tinh tú” của văn học nhân loại
Như nhiều đại văn hào, từ thời trai trẻ Victor Hugo cũng thử sức mình ở khắp các "địa hạt" văn chương: thơ, kịch, phê bình văn học, tiểu thuyết. Năm mười bảy tuổi, ông đã giành được giải cao trong cuộc thi về thơ ca do Viện Hàn lâm Pháp tổ chức.
Thế nhưng phải đến tận năm 1922, tập thơ Odes của ông mới gây được tiếng vang. Ít lâu sau, Victor Hugo tham gia vào nhóm những nhà văn thuộc phong trào lãng mạn và sớm trở thành thủ lĩnh, ông tiếp tục cho xuất bản nhiều tác phẩm như tập thơ Nouvelles Odes và tiểu thuyết Bug-Jargal.
Ở giai đoạn này, Victor Hugo có một tác phẩm nổi bật, đó là vở kịch Cromwell, nó đã phá vỡ các luật lệ, quy tắc khắt khe trong viết kịch của các thời kỳ trước, tạo ra một tác phẩm làm chấn động kịch trường.
Khi nhận ra nỗi thống khổ và đứng về phía nhân dân lao động, ngòi bút của ông bắt đầu chuyển hướng, ông trở về với khuynh hướng lãng mạn tích cực. Từ đây, sự nghiệp của Victor Hugo bắt đầu nở rộ và đạt đến đỉnh cao.
Từ sau năm 1830 đến năm 1850, các tác phẩm của ông đều hướng về phục vụ đấu tranh chính trị và quần chúng nhân dân. Điển hình như các tác phẩm thơ Lá thu, Khúc hát hoàng hôn, Tia sáng và bóng tối, tất cả đều chứa đựng lòng thương xót dành cho những kiếp người khốn khổ, đồng thời bày tỏ lòng tin vào sức mạnh của nhân dân.
Đặc biệt trong giai đoạn này, tiểu thuyết đem đến nhiều thành công cho ông, trong đó phải kể đến Thằng gù nhà thờ Đức Bà - tác phẩm là một trong những hình mẫu tiêu biểu đại diện cho phong cách lãng mạn của Victor Hugo.
Thế nhưng giai đoạn thành công nhất của Victor Hugo được đánh giá là đỉnh cao với hoàng loạt tác phẩm đồ sộ lại là những ngày tháng sống lưu vong ở nước ngoài, đó là khoảng thời gian từ năm 1851 đến 1870. Không chỉ dồi dào về mặt số lượng với hai vở kịch, bốn tiểu thuyết lớn, hơn mười tập thơ, mà các tác phẩm của ông trong giai đoạn này cũng được đánh giá là trác tuyệt. Ông đã hoàn thành thiên tiểu thuyết lớn nhất trong sự nghiệp của mình là Những người khốn khổ - tác phẩm được xem là áng văn mẫu mực của chủ nghĩa văn học lãng mạn.
- Tiết lộ 'đêm tân hôn tàn bạo', Victor Hugo từng 'mây mưa' 9 lần
- Bộ sưu tập của Victor Hugo đạt giá 4,2 triệu USD
Nếu các tác phẩm Nhà thờ Đức Bà Paris và Những người khốn khổ đưa độc giả đến với nước Pháp, với thành phố Paris tráng lệ, thì Thằng Cười lại mang đến một cái nhìn rõ nét hơn về xã hội Anh, về giai cấp quý tộc Anh. Victor Hugo viết xong Thằng Cười năm 1868 dưới thời Napoleon III, khi nhà văn đang sống cuộc sống bị lưu đày tại hòn đảo Guernsey thuộc lãnh thổ Anh trên biển Manche.
Văn hào Pháp Émile Zola từng ngợi ca: Thằng Cười vượt lên trên tất cả những gì Victor Hugo đã viết từ mười năm qua (từ 1859). Ở đó ngự trị một khí thế siêu phàm”, “một tác phẩm thấm thía và kỳ vĩ…”.
Victor Hugo đã dành cả cuộc đời để sáng tạo nghệ thuật và đấu tranh cho những giá trị và tinh thần nhân đạo tốt đẹp. Ông là một trong số ít tác giả có tầm ảnh hưởng không chỉ trong giới văn học mà còn trở thành biểu tượng mẫu mực về tài năng và lòng nhân ái. Sự nghiệp văn học của Victor Hugo trở thành niềm tự hào của văn học nhân loại không chỉ bởi số lượng tác phẩm mà còn bởi tính nhân văn trong đó.
Phương Anh/TTXVN
Tags