(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h30 sáng 9/1 (theo giờ Việt Nam), số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới là 305.992.785 ca, trong đó có 5.502.256 bệnh nhân không qua khỏi. Số ca hồi phục là 258.949.730 ca.
Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 2.189.870 ca mắc mới và 4.771 ca tử vong do COVID-19.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh, với 60.954.028 ca mắc và 859.046 ca tử vong; tiếp đến là Ấn Độ với 35.516.186 ca mắc và 483.463 ca tử vong. Brazil với 22.499.525 ca mắc và 619.981 ca tử vong.
Tại Mexico, số ca mắc COVID-19 trong ngày 8/1 đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay, với 30.671 ca, sau khi ghi nhận hơn 20.000 ca mắc/ngày trong vài ngày trước. Như vậy, đến nay, Mexico ghi nhận tổng cộng 4.113.789 ca mắc COVID-19, trong đó có 300.303 ca tử vong, trở thành nước có số ca tử vong cao thứ 5 trên thế giới.
Trong bối cảnh trên, Chính phủ Mexico vừa cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc uống Molnupiravir điều trị COVID-19 của hãng dược Merck. Thuốc Molnupiravir sẽ được sử dụng để điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 thể nhẹ hoặc trung bình và có nguy cơ biến chứng cao. Giấy phép sử dụng khẩn cấp được cấp một cách có kiểm soát và cần phải có đơn thuốc, để tránh lạm dụng thuốc, tự ý điều trị hoặc mua bán trái phép.
Thông cáo của Ủy ban Liên bang Mexico về phòng chống nguy cơ y tế (Cofepris) cho biết loại thuốc này được phê duyệt trong thời gian nhanh “kỷ lục”, do các cơ quan quản lý y tế trên thế giới đã có bằng chứng khoa học chứng minh tính an toàn và hiệu quả của Molnupiravir. Tốc độ lây lan chóng mặt của biến thể Omicron đã khiến số ca mắc COVID-19 tăng vọt ở ít nhất 29 bang của Mexico, trong đó Colima, Yucatán, Campeche, Tabasco và Nayarit ghi nhận mức tăng trên 900%. Tỉ lệ lây nhiễm trên toàn quốc là 236%.
Còn Đức đã phải thay đổi chiến lược tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và đảm bảo có thể nhanh chóng phát triển một loại vaccine mới nếu phải đối mặt với các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây chết người nhiều hơn trong tương lai.
Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach nêu rõ: “Nếu chúng ta phải đối mặt với một biến mới thể dễ lây lan như Omicron, nhưng thậm chí còn nguy hiểm hơn nhiều, chúng ta sẽ có thể phát triển và sản xuất một loại vaccine trong thời gian ngắn nhất”. Chính phủ đang lên kế hoạch vận hành một hệ thống trong tương lai để có thể mua và cung cấp vaccine bất cứ thời điểm nào trong trường hợp xảy ra những đợt bùng phát nghiêm trọng mới.
Mùa Hè vừa qua, Đức từng đóng cửa các trung tâm tiêm chủng lớn ở một số bang khi nhu cầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 giảm nhanh do số ca mắc và nhập viện giảm đáng kể. Tuy nhiên, sự bùng phát trở lại của dịch bệnh vào mùa Đông, với sự xuất hiện của biến thể Omicron, chiếm tới 44% số ca mắc mới hiện nay, khiến nhiều bang phải mở cửa trở lại trung tâm tiêm chủng.
Theo số liệu thống kê của Viện Robert Koch (RKI), Đức đã ghi nhận 55.889 ca mắc mới trong 24 giờ qua, hơn gấp đôi con số ghi nhận một tuần trước đó.
Tại Australia, tình hình dịch bệnh cũng đang diễn ra hết sức phức tạp. Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt cảnh báo trong những ngày tới sẽ có thêm nhiều ca mắc COVID-19, đồng thời yêu cầu các gia đình chuẩn bị sẵn thuốc paracetamol cho việc điều trị tại nhà.
Theo ông Hunt, số ca mắc mới COVID-19 trên hầu hết các địa phương ở Australia trong tuần qua tăng cao, song tình hình dịch bệnh ít nghiêm trọng hơn nhiều so với các đợt bùng phát trước do biến thể Omicron gây bệnh nhẹ hơn. Hiện cả nước có 76 bệnh nhân đang phải thở máy.
Trong khi đó, Phó Giám đốc y tế liên bang Australia Michael Kidd nhận định, nhiều người dân nước này có khả năng sẽ có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 trong những ngày và tuần tới khi số ca bệnh tiếp tục tăng mạnh. Ông Kidd khuyến cáo các gia đình nên chuẩn bị sẵn thuốc paracetamol hoặc ibuprofen để kiểm soát cơn sốt và đau nhức nhẹ tại nhà.
Cảnh báo trên được đưa ra sau khi hai bang đông dân nhất ở Australia là New South Wales và Victoria lần lượt ghi nhận thêm 30.062 ca và 44.155 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, giảm so với một ngày trước đó.
Minh Châu/TTXVN
Tags