(Thethaovanhoa.vn) - Đến cuối giờ chiều 16/10, đã có 4.522 tàu với 27.782 lao động của tỉnh Bình Định đã vào neo đậu ven bờ. Hầu hết tàu thuyền của tỉnh đang hoạt động trên biển đã nhận được thông tin về bão số 7 và đang di dời, tìm nơi tránh trú hoặc đang vượt ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có công điện yêu cầu các sở, ban, ngành kiểm tra đôn đốc các địa phương kêu gọi tàu thuyền thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; kiểm tra, sắp xếp nơi neo đậu cho tàu thuyền tại các khu tránh trú; kiểm soát chặt chẽ, không để tàu thuyền ra khơi đến khu vực nguy hiểm.
Tối 16/10/2016, tại Thành phố Quy Nhơn (Bình Định) có mưa lớn khiến một số tuyến đường bị ngập sâu, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân (Ảnh: TTXVN)
Cùng với đó, tỉnh kiểm tra tình hình đê kè và thông thoáng dòng chảy; đôn đốc chủ các hồ chứa nước triển khai lực lượng sẵn sàng vận hành điều tiết hồ đón lũ theo quy trình vận hành đã phê duyệt, bảo đảm an toàn cho đập và hạ du.
Các ngành liên quan, các địa phương thông báo cho người dân vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ chứa, vùng thấp trũng chủ động các biện pháp phòng, tránh ; kiểm tra đảm bảo an toàn các công trình đang thi công dở dang; khẩn trương thực hiện các biện pháp chống úng, ngập cho lúa và cây trồng vụ mùa.
Đặc biệt, cơ quan hữu quan kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở, úng ngập để sẵn sàng sơ tán dân; bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn tại cầu, ngầm, tràn, bến đò, vùng thường xuyên bị ngập lũ và duy trì trực ban 24/24h để sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra.
Cùng lúc này, để chủ động ứng phó với bão số 7, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình đã có công điện gửi các Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, ngành, địa phương về việc chủ động ứng phó với bão.Theo đó, tỉnh Thái Bình nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi từ 15 giờ ngày 16/10; yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và UBND các huyện ven biển kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên sông, trên biển, khẩn trương về nơi tránh trú bão an toàn; bố trí, sắp xếp tàu thuyền tại khu neo đậu, tránh va đập gây vỡ và chìm tàu, thuyền; kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền tại khu neo đậu.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình cũng yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, ngành và các địa phương chỉ đạo chằng chống, đảm bảo an toàn nhà cửa, kho tàng, bến bãi, trường học, bệnh viện, hàng hóa, thiết bị còn ở bến sông, bãi sông, ven biển; kiểm tra, chủ động sơ tán dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm, trong các nhà yếu; di dời toàn bộ số hộ dân nuôi ngao, nuôi trồng thủy sản và các hộ dân sinh sống ngoài đê chính; kiên quyết không để bất cứ người dân nào ở ngoài đê chính trước khi bão đổ bộ vào.
Tỉnh cũng thực hiện ngay phương án bảo vệ đê, kè cống xung yếu, các công trình đang thi công, nhất là các công trình đang thi công trên sông, trên đê biển và trên biển; đồng thời duy trì lực lượng thường trực cứu hộ, cứu nạn để xử lý, ứng cứu và khắc phục hậu quả do bão gây ra khi có yêu cầu; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để đối phó và xử lý kịp thời các tình huống.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, ngành chỉ đạo các địa phương khẩn trương huy động nhân lực, phương tiện thu hoạch nhanh gọn lúa mùa đã chín và hoa màu nhằm giảm thiệt hại khi bão vào; bằng mọi biện pháp tiêu nước triệt để trên mặt ruộng và các trục sông tiêu; khơi thông dòng chảy, vớt bèo bồng, giải phóng đăng đó, vó bè trên các trục sông, các đầu công tiêu…
TTXVN
Tags