(Thethaovanhoa.vn) - Là một trong "bộ tứ danh họa" lẫy lừng “Nhất Trí (Nguyễn Gia Trí), nhì Lân (Nguyễn Tường Lân), tam Vân (Tô Ngọc Vân), tứ Cẩn (Trần Văn Cẩn)”, họa sĩ Trần Văn Cẩn đã mang đến cho nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, nửa đầu thế kỷ XX, một phong cách sáng tạo nghệ thuật rất riêng và giàu bản sắc dân tộc. Nhiều tác phẩm của ông được coi là mẫu mực của nền hội họa hiện đại Việt Nam như: Em Thúy, Gội đầu, Xuống đồng, Tát nước đồng chiêm hay Nữ dân quân vùng biển…
Ông mất vào ngày này cách đây 25 năm, ngày 31-7-1994.
Tên tuổi lớn của nền hội họa Việt Nam
Họa sĩ Trần Văn Cẩn sinh ngày 13-8-1910, tại thị xã Kiến An, Hải Phòng. Thuở nhỏ, chịu ảnh hưởng từ người mẹ, vốn là một nghệ nhân làm nghề thủ công nặn tò he và đèn giấy bằng nan tre và người cậu chuyên nghề vẽ đèn giấy, ông sớm có năng khiếu và ham thích hội họa.
Tốt nghiệp thủ khoa trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa VII (1931-1936) với bức sơn mài Lều chõng, nhưng phải đến các tác phẩm như: Em Thúy-sơn dầu, Chợ tết-lụa, Gội đầu-khắc gỗ, Hai cô gái trước bình phong-lụa, họa sĩ Trần Văn Cẩn mới thực sự nổi danh. Trong đó, bức tranh Em Thúy, sáng tác năm 1943, được coi là đỉnh cao nghệ thuật Trần Văn Cẩn và cũng là một trong những đỉnh cao của nền hội hoạ Việt Nam.
Với bút pháp chân thực, nhẹ nhàng, không khoa trương, cường điệu, họa sĩ Trần Văn Cẩn đã cuốn hút người xem bằng vẻ đẹp thơ ngây, trong trắng, qua đôi mắt mở to hồn nhiên như chứa trọn khung trời bình yên của Em Thúy. Ông đã sử dụng bút pháp có phần chịu ảnh hưởng của nền hội hoạ Pháp đương đại nhưng nền móng, gốc rễ vẫn là Việt Nam, nếu không muốn nói là của một Việt Nam đích thực nhất.
Một nhạc sĩ người Anh, lần đầu tiên nhìn thấy bức tranh Em Thúy đã thốt lên rằng: “Tôi thực sự xúc động đến rơi nước mắt bởi sự mộc mạc, giản dị tuyệt đối của bức tranh và bởi Em Thúy ngồi đó nhìn xuống tôi như người giám hộ những ký ức tuổi thơ… Tôi từng nói rằng, bức tranh Em Thúy là bản phóng tác của Mona Lisa - một hình tượng quốc gia với cái nhìn đầy bí ẩn”.
Bức tranh Em Thúy đã được công nhận là Bảo vật quốc gia và hiện được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Những năm sau Cách mạng Tháng Tám, họa sĩ Trần Văn Cẩn vẫn không ngừng tạo ra những sản phẩm có giá trị, góp phần xây dựng một nền nghệ thuật mới, non trẻ của Việt Nam. Tuy nhiên, đề tài, đối tượng bắt đầu đổi mới với tiết tấu năng động, rộn ràng. Ông trở về cuộc sống thực tại với các đề tài như sinh hoạt dân dã và chân dung, trong đó phản ánh sinh động cuộc sống lao động, sản xuất của nhân dân. Những tác phẩm tranh lụa như: Xuống đồng, Con đọc bầm nghe, hay sơn mài như Mùa thu đan len, Tát nước đồng chiêm… là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật bậc nhất trong số các tác phẩm tiêu biểu của ông thời kỳ này.
Với bố cục vững chắc, dáng điệu được nghiên cứu một cách công phu, các mảng màu đan xen tài tình, nhuần nhuyễn sắc độ đậm nhạt, mềm mại và hợp lý, Trần Văn Cẩn đã trở thành một trong những họa sĩ khắc họa hình tượng người nông dân thành công nhất. Ông vẽ người lao động mà không hề thấy vẻ lam lũ, nhọc nhằn, ngược lại nó toát lên một vẻ đẹp đầm ấm, dung dị. Hình tượng người nông dân trên cánh đồng hiện lên một cách tự nhiên, chân thật, chất phác, duyên dáng mà hài hòa với cả một không gian tươi sáng nhộn nhịp xung quanh.
Có thể nói, Trần Văn Cẩn là danh họa có bút pháp độc đáo, trữ tình và lãng mạn, mang dấu ấn cá nhân đậm nét trong nền mỹ thuật Việt Nam. Ông đã để lại cho nền mỹ thuật nước nhà những tác phẩm tiêu biểu, có giá trị cao về nghệ thuật và giàu tính nhân văn. Nhiều tác phẩm của ông được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và các bộ sưu tập cá nhân trong, ngoài nước.
Trần Văn Cẩn cũng là một trong số ít các họa sỹ có sự thể nghiệm với nhiều chất liệu, thể loại khác nhau. Và ở chất liệu hay thể loại nào, từ sơn dầu, sơn mài, lụa hay khắc gỗ, ông cũng có tác phẩm thành công. Trong đó, những ký họa của ông đã trở thành ký ức, những câu chuyện cảm động trong việc phản ánh hiện thực cuộc sống. Ông cũng là một trong những họa sỹ đi đầu trong việc thể nghiệm, sáng tạo từ chất liệu sơn ta để làm tranh sơn mài, đưa sơn mài thành một chất liệu hội họa nổi tiếng, mang đặc trưng nghệ thuật của hội họa dân tộc Việt Nam.
Tấm gương sáng về lao động nghệ thuật
Không chỉ nổi tiếng với những bức họa để đời, Trần Văn Cẩn còn có nhiều đóng góp cho nền mỹ thuật Việt Nam trong công tác đào tạo, cũng như công tác của Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Trong những năm kháng chiến, ông tham gia giảng dạy tại Trường Mỹ thuật ở Việt Bắc, do hoạ sĩ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng. Năm 1954, sau khi Tô Ngọc Vân hy sinh, ông được bầu làm Hiệu trưởng và đảm nhiệm cương vị này trong suốt 15 năm (1954-1969).
Bên cạnh hoạt động giảng dạy, ông còn được bầu làm Tổng Thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam nhiệm kỳ thứ nhất (1958-1983), Chủ tịch Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam nhiệm kỳ 2 (1983-1989), Đại biểu Quốc hội khóa 2... Họa sĩ Trần Văn Cẩn còn có nhiều công lao đóng góp, xây dựng nền mỹ thuật Việt Nam nói chung cũng như thẩm định, tuyển chọn những tác phẩm hội họa có giá trị cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Dù là nghệ sĩ sáng tạo hay nhà lãnh đạo nghệ thuật, ông luôn là người trách nhiệm.
Với những đóng góp to lớn cho nghệ thuật nước nhà, họa sĩ Trần Văn Cẩn được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (năm 1996) cho các tác phẩm: Vẽ mẫu quốc huy nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (1955), Tát nước đồng chiêm (sơn mài 1958), Công nhân mỏ (sơn dầu 1960), Nữ dân quân miền Biển (sơn dầu 1960), Thằng cu đất mỏ (sơn mài 1962), Mùa đông sắp đến (sơn mài 1962), Mưa mai trên sông Kiến (sơn mài 1972). Tên của ông được đặt cho một con phố thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Phương Nam/TTXVN (tổng hợp)
Tags