(Thethaovanhoa.vn) - Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ ba do Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức tối 9/10, tại Hà Nội.
Đến dự và phát biểu tại lễ trao Giải thưởng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chúc mừng các đại biểu tham dự Lễ trao giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ ba, cũng là dịp kỷ niệm truyền thống của Ngành xuất bản cách mạng Việt Nam (10/10/1952 - 10/10/2020); gửi tới các thế hệ tác giả, dịch giả, các nhà làm sách trên cả nước tình cảm trân trọng nhất.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Không chỉ cung cấp tri thức, sách còn giúp nuôi dưỡng tâm hồn, chứa đựng rất nhiều giá trị nhân văn. Bất kỳ một xã hội văn minh nào cũng đều mong muốn tạo thói quen đọc sách cho mọi người. Nhân dân ta có truyền thống hiếu học và đã vượt qua nhiều khó khăn, chiến thắng nhiều thiên tai dịch họa nhờ truyền thống yêu nước thương nòi, nhờ lòng dũng cảm, trí tuệ và tài năng. Tất cả điều đó được các thế hệ cha ông trao truyền qua nhiều hình thức, trong đó sách có vai trò đặc biệt quan trọng. Kiến thức và giá trị dân tộc khác cũng được ta chọn lọc, kế thừa và rất nhiều thức đã góp phần tạo nên nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc và hội nhập. Ngày nay công nghệ thông tin thay đổi cách chúng ta sống, làm việc, học và đọc sách, nhưng tầm quan trọng của sách và việc đọc sách không vì thế mà giảm đi.
Theo Phó Thủ tướng, xuất phát từ tầm quan trọng của sách đối với sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân và cả đất nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành quyết định về Ngày sách Việt Nam. Giải thưởng Sách Quốc gia là một trong những hoạt động cụ thể hóa sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với văn hóa đọc, góp phần khuyến khích và tôn vinh phong trào đọc sách, tôn vinh giá trị của sách, của người viết sách. Đến nay, Giải thưởng sách Quốc gia đã qua 3 lần tổ chức, mỗi lần tổ chức Giải thưởng lại có những đổi mới với kết quả tích cực hơn. Số lượng các nhà xuất bản, số lượng sách tham dự và sức lan tỏa của Giải thưởng trong xã hội ngày càng tăng.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng nhìn vào thực tế, thói quen đọc sách của công chúng còn phai nhạt; chưa tạo được chuyển biến mạnh về văn hóa đọc trên bình diện quốc gia, chưa cổ vũ xã hội học tập, một xã hội ham học, ham đọc thật sự. Tài liệu đọc trong các thư viện công cộng còn nghèo nàn, phục vụ đọc chưa chuyên nghiệp… Đó là chưa kể đến tình trạng sách lậu còn tràn lan, vi phạm bản quyền làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất bản… Mặc dù cố gắng nhưng với mỗi người Việt Nam chỉ có 1,4 bản sách, chỉ bằng 1/3 nước trong khu vực, đặt ra cho những người làm công tác xuất bản câu hỏi thôi thúc. Bên cạnh đó, mạng công nghệ đang diễn ra vừa đem đến những cơ hội, nhưng cũng đang tạo ra những thách thức gay gắt.
"Sách đến với độc giả ngày càng đa dạng về hình thức, phong phú về phương tiện biểu đạt, truyền tải. Internet xuất hiện đã tạo ra phương thức đọc mới. Thói quen đọc sách thay đổi nhưng Trường học vĩ đại nhất vẫn là sách vở! Dân tộc Việt Nam muốn vươn lên, muốn đuổi kịp các nước, sánh cùng năm châu, nhất định phải nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Mỗi người phải học nhiều hơn, phải đọc nhiều hơn. Cần khơi nguồn cảm hứng để mọi người Việt Nam dành thời gian cho việc đọc, nghiên cứu, học để nâng tầm hiểu biết và bồi dưỡng tâm hồn. Cũng cần có nhiều hình thức thiết thực hơn để sách, người viết sách, xuất bản sách, người ham đọc sách được tôn vinh, được tạo điều kiện để đóng góp tài năng, nhiệt huyết của mình cho sự nghiệp chung. Đây không chỉ là trách nhiệm của ngành xuất bản mà của cả hệ thống chính trị", Phó Thủ tướng gợi mở.
Ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan, Phó Thủ tướng mong muốn các đơn vị sẽ có nhiều giải pháp sáng tạo hơn nữa để Giải thưởng sách Quốc gia và nhiều hoạt động cùng với Giải thưởng này sẽ nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng, góp phần đẩy mạnh hơn nữa văn hóa đọc, để dân tộc Việt Nam thật sự là một dân tộc hiếu học.
Trên cơ sở hai vòng sơ khảo và chung khảo, Hội đồng Giả thưởng Sách Quốc gia đã trao đổi, thảo luận kỹ trước khi bỏ phiếu bầu chọn các cuốn sách đoạt giải. Kết quả, Hội đồng Giải thưởng đã quyết định trao giải cho 27 cuốn sách, bộ sách. Trong đó, 3 giải A được trao cho các cuốn sách, bộ sách: Tác phẩm "Lịch sử (Historiai)", tác giả Herodotus, người dịch: Lê Đình Chi, Nhà xuất bản Thế giới liên kết với Công ty Cổ phần Sách Omega Việt Nam xuất bản; tác phẩm "Hình ảnh lâm sàng, chẩn đoán và điều trị trong chuyên ngành da liễu" (2 tập) do Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Thường (Chủ biên) và tập thể tác giả, Nhà xuất bản Y học xuất bản; tác phẩm "Đoàn binh Tây Tiến (Đoàn Võ trang Tuyên truyền Biên khu Lào - Việt)", tác giả Quang Dũng, Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản.
Bên cạnh đó, Ban Tổ chức đã trao 10 giải B, 14 giải C cho các cuốn sách, bộ sách đoạt giải. Đây là các tác phẩm giàu tính sáng tạo, mang tinh thần nhân văn sâu sắc, những công trình nghiên cứu khoa học hết sức công phu, nghiêm túc, có nhiều giá trị khoa học, xã hội và thực tiễn cao.
Mặc dù diễn ra trong điều kiện dịch COVID-19, nhiều tháng cả nước thực hiện giãn cách xã hội nhưng Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ ba vẫn thu hút được sự tham gia của 48 nhà xuất bản trên cả nước (tăng 6 nhà xuất bản so với Giải thưởng lần thứ hai), với 362 cuốn sách (tăng 7 cuốn sách) cho 255 tên sách (giảm 4 tên sách). Các Hội đồng sơ khảo, chung khảo đã làm việc khẩn trương, thận trọng, nghiêm túc, khách quan để lựa chọn những cuốn sách tiêu biểu, có giá trị cao để trao giải. Với sự tham gia, hỗ trợ của các doanh nghiệp, nhà tài trợ, Giải thưởng Sách Quốc gia lần ba tiếp tục giữ nguyên giá trị giải thưởng, với 100 triệu đồng cho giải A, 50 triệu đồng cho giải B và 30 triệu đồng cho giải C.
Giải thưởng Sách quốc gia được tổ chức và trao giải hằng năm, nhằm trao cho những cuốn sách (bộ sách) có giá trị nổi bật về nội dung, tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ; có tác động mạnh mẽ đến cộng đồng hoặc đóng góp sâu rộng về chuyên môn và được công chúng đón nhận, giới chuyên môn đánh giá cao ở các lĩnh vực.
Giải thưởng khuyến khích, tôn vinh những người sáng tác và những người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản sách Việt Nam, góp phần phát hiện, lưu giữ, quảng bá những tác phẩm có giá trị đến với đông đảo bạn đọc, tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp xuất bản phát triển theo đúng định hướng và phù hợp với xu hướng hội nhập.
TTXVN
Tags