Nguyễn Gia Trí quan niệm: "Mỗi bức tranh là một cơ thể sống. Nó có cuộc sống riêng. Nó sẽ tác động đến người xem khác nếu họ có sự đồng cảm". Trong bài này, được sự đồng ý của họa sĩ Nguyễn Xuân Việt, báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) lược trích vài đoạn ngắn trong sách Họa sĩ Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo (1998) do Nguyễn Xuân Việt thực hiện, để hiểu thêm về quan điểm sáng tạo và nghệ thuật trừu tượng của danh họa này.
Một trong những câu nói lúc cuối đời của Nguyễn Gia Trí: "Không có bức tranh nào gọi là xong cả. Tất cả đều là phác thảo".
Nguyễn Gia Trí vốn rất kiệm lời, ngại gặp người chưa quen, gần như không nói chuyện với người lạ. Để có được cuốn sách này, chứng tỏ Nguyễn Xuân Việt đã rất công phu và biết cách lắng nghe, ghi chép.
Triết lý trừu tượng
Trong ghi chép ngày 19/11/1980, Nguyễn Gia Trí viết: "Chính vì họa sĩ muốn biết và thấy cái tâm mình, nên mới tìm tòi làm việc. Vì không biết nên mới vẽ.
Đối với hội họa trừu tượng, cũng không nên phân biệt với các môn phái khác. Nó cũng chỉ là phương tiện để họa sĩ tìm cái thật. Hội họa trừu tượng khó là vì họa sĩ không có chỗ dựa vào mẫu thực. Từng chấm, từng nét trong tranh trừu tượng cũng có hình riêng và là một với toàn thể tranh. Chi tiết cũng như những giọt sương. Nhưng mỗi giọt đều soi ánh mặt trời. Mọi chi tiết trong tranh đều chịu một sự kiểm soát ngang nhau.
Pollock vẽ trừu tượng là ông "lên đồng", nhập thể, tự mình là một với bức tranh. Mọi cảm xúc cuộc sống đều hiện lên đấy".
Nguyễn Gia Trí viết thêm: "Học vẽ giống như người đi xe đạp, mới lên thì chuệnh choạng, nghiêng ngả, sau đó lấy lại được thăng bằng và cứ thế đạp thẳng đi được. Sáng tác, có lúc như trong mơ. Người vẽ không suy nghĩ, mà chỉ làm. Khi đã nghĩ mình vẽ trừu tượng, thì bức tranh lại không còn trừu tượng nữa. Lúc ấy sáng tác đã bị phân hai, giữa tranh và người vẽ tranh. Trước thiên nhiên mình vẫn có thể rút ra cái trừu tượng. Có khi ở cái tướng cụ thể, mà người ta nhìn thấy trừu tượng".
Khi được hỏi: Vẽ trừu tượng có phá mất hình thực hoặc làm hình thực yếu đi? Nguyễn Gia Trí trả lời: "Sợ vẽ trừu tượng sẽ ảnh hưởng đến hình thực? Sẽ có ảnh hưởng. Nhưng cũng như món ăn. Ăn vào sẽ tiêu hóa. Mình không thể trực tiếp thấy nó tiêu hóa như thế nào".
Và ông kết luận: "Sáng tác, có lúc như trong mơ. Người vẽ không suy nghĩ, mà chỉ làm. Khi đã nghĩ mình vẽ trừu tượng, thì bức tranh lại không còn trừu tượng nữa. Lúc ấy sáng tác đã bị phân hai, giữa tranh và người vẽ tranh".
Thấy được chính mình
Ngày 4/5/1979, Nguyễn Gia Trí viết: "Thấy được chính mình đã là một bước tiến bộ lớn. Nhưng thấy mình, phải tự vượt lên mình. Không bị cái thấy ấy chi phối, thì mới giải thoát được. Học vẽ là phải tự mình suy nghĩ, tự mình đi. Cứ soi vào tâm mình thì không bao giờ lạc lối. Nghệ sĩ chân chính thì không bao giờ lạc lối cả. Vì khi anh tìm tòi, thì lạc vào đâu cũng thú vị. Cho dù lạc vào địa ngục, cũng là thấy được địa ngục. Vì anh luôn luôn đi tìm một cách vô tư trong sáng. Cái học nguy hiểm nhất là đi theo đuôi người khác, hoặc lạc vào tiền tài danh vọng".
Ngày 11/12/1981, ông viết: "Nhanh chậm không thành vấn đề, bởi thời gian ở trong tâm ta. Có thể vẽ xuôi, vẽ ngược, đằng nào cũng được. Vì vẽ cũng như nét chữ của ta. Khi ta nhập thể, nó chính là ta, ta chính là nó. Khi ấy những sai sót vi tế nhất ta cũng phân biệt được. Như người chỉ huy một dàn nhạc giao hưởng, có thể phân biệt được từng nốt nhỏ bị lạc điệu".
Ghi chép ngày 19/11/1980: "Làm nghệ thuật điều chính yếu nhất là thành thật. Cái hại nhất là giả với mình. Phải làm việc nghiêm túc, có khi đến khắc nghiệt với chính mình. Làm hàng trăm cái hỏng để chỉ lấy nửa cái được, hoặc một cái được. Người nghệ sĩ không bao giờ tự thỏa mãn".
"Chất liệu chiếm một nửa người nghệ sĩ. Phải yêu chất liệu, như yêu vợ mình, thì mới có con là tác phẩm. Mỗi chất liệu có đặc điểm riêng. Phải nắm được tính chất riêng của nó. Ví dụ: Độ dày mỏng của sơn dầu. Với sơn mài thì lại yêu cầu phẳng, độ bóng, hoặc bằng bất kỳ cách nào, miễn là đạt được hiệu quả nghệ thuật. Khi có điều gì chưa đạt, người vẽ áy náy, tìm cách khắc phục. Cho đến khi tạm thỏa mãn, hoặc thỏa mãn với bức tranh ấy".
"Tranh phải bỏ hết ý đi. Vì cố ý làm là đã có một khoảng cách giữa ta và chất liệu. Mà việc cố gắng thể hiện ý lại tạo một khoảng cách lớn hơn nữa. Nhập thể vào cái toàn thể bao giờ cũng vậy, không phải ta chú ý đến cái nhỏ mà nó thành. Bao giờ cũng nhìn toàn bộ, nhìn cái lớn. Vẽ sơn mài mới hiểu được thời gian, hiểu cuộc sống. Sơn mài là phương tiện để ta sống và nó cũng là cứu cánh. Đến lúc nào đó hai cái nhập vào làm một. Bởi cái gì là phương tiện thì cái ấy không thể là cứu cánh".
Nguyễn Gia Trí suy ngẫm: "Sống đúng, sống đủ, thì khi ta chết đi ta thấy mình đã làm đúng, làm đủ, không để uổng phí cuộc đời mình, ta có thể chết thanh thản. Cái sống và cái chết, cũng như màu trắng và màu đen. Hai cái ấy ẩn hiện, đan xen vào nhau, như đậm nhạt trong một bức tranh, nó là một".
Ghét nhìn lại những gì đã làm
Vốn ít khi viết thư. Trong bức thư gửi họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ ngày 11/10/1975, Nguyễn Gia Trí có viết: "… Anh hỏi tôi về những ảnh chụp tranh, riêng tôi thì không bao giờ chụp những tác phẩm của tôi vì đặc tính của sơn mài là bóng, chụp ảnh rất khó lấy hết cái đẹp của nước sơn. Huống chi thú thật cùng anh, tôi rất ghét nhìn lại những gì tôi đã làm, làm xong tôi ráng quên đi là đằng khác. Quên đi, quên được hết ráo, càng sạch hết vết tích của những gì đã qua, càng tốt".
"Nhưng khổ thay, khách hàng phần nhiều đòi hỏi người nghệ sĩ làm đi làm lại những kiểu mình đã làm hàng chục năm về trước, hoặc năm ngoái, năm kia rồi! Sự thực thì vì nghề nghiệp phải sống, phải phát triển, mình vẫn phải bắt buộc chiều theo ý khách hàng đôi chút, cố giữ tự do của sự sáng tác phần nào, nhưng với cái nghề sơn mài, tuy tương đối vấn đề đó để đôi chút về mặt khách hàng bỏ tiền ra cho mình làm, mà cái khó lại ở chính mình tự trói buộc trong khuôn khổ chật hẹp của thói quen, của những ý niệm, những tư tưởng sách vở, những kinh nghiệm đã qua, quá quen thuộc như một con đường mòn.
Tâm trí mình vì vậy gặp cái trở ngại lớn nhất cho sự sáng tác nghệ thuật, nó không phải là sản xuất, không dựa hoàn toàn vào kỹ thuật dù tinh xảo đến đâu, mà nó đòi hỏi tính cách tươi tắn, hồn nhiên, bén nhạy. Sống! Không giả tạo, không diễn tả, không dịch thuật, đó, tôi quan niệm sáng tác thực nó phải như vậy".
Tags