(Thethaovanhoa.vn) - Hơn 3,5 triệu người đã ký tên vào thỉnh nguyện thư yêu cầu tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần 2 về việc Anh ở lại EU (Bremain) hay rời khỏi EU (Brexit). Nhưng cơ hội lật ngược thế cờ có còn tồn tại?
Hậu Brexit, nhiều người ủng hộ cuộc “ly hôn” giữa Anh và EU đã tiếc nuối vì sự bồng bột của mình và muốn quay ngược thời gian để có thể đảo ngược lựa chọn giữ Anh ở lại EU.Nhưng rõ ràng điều đó là không thể và trong bối cảnh đó, một thỉnh nguyện thư đã xuất hiện trên website của Quốc hội Anh, yêu cầu trưng cầu dân ý lần 2 về Bremain và Brexit mà theo hãng tin CNN là do chính những người trước đây ủng hộ Brexit lập ra.
Tới 14 giờ chiều 27/6 (giờ Việt Nam), thống kê trên website Quốc hội Anh cho thấy đã có gần 3,6 triệu người ký tên vào thỉnh nguyện thư yêu, gấp gần 36 lần mức để kiến nghị, đề xuất được đem ra thảo luận tại nghị trường (100.000 chữ ký trở lên) và 360 lần so với mức nhận được hồi đáp của một Ủy ban chức năng thuộc Quốc hội Anh (10.000 chữ ký trở lên).
Dường như nhiều người Anh không ngủ trong những ngày đầu hậu Brexit. Bằng chứng là vào rạng sáng 26/6 (theo giờ địa phương) vẫn rất có nhiều người lên mạng ký tên và cứ một phút trôi qua lại có thêm hàng nghìn chữ ký mới.
Lập luận của họ là việc lựa chọn đi hay ở cần phải thiết lập trên cơ sở nhận được từ 60% số người ủng hộ trở lên và việc bỏ phiếu phải có ít nhất 75% số cử tri tham gia.
Trong khi đó, kết quả công bố hôm 24/6 cho thấy phe Brexit chỉ nhận được 51,9% số phiếu ủng hộ, giành chiến thắng sít sao và tỉ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu là 72%.
Thông tin từ Quốc Anh cho hay vấn đề mà thỉnh nguyện thư nêu ra sẽ được mang ra thảo luận ở nghị trường vào ngày mai (28/6), nhưng theo luật, Quốc hội Anh không bị bắt buộc bỏ phiếu thông qua hoặc ra quyết định chính thức nào.
Trên thực tế, những kiến nghị trực tuyến chỉ mang tính tham khảo vì để ký tên, người tham gia chỉ cần đánh điền tên, địa chỉ email, chọn nơi cư trú và để lại mã bưu điện mà không cần chứng minh bằng giấy tờ tùy thân có giá trị pháp lý nào.
Vì thế, tờ Independent của Anh cho rằng khó có thể diễn ra cuộc trưng cầu dân ý lần 2. Thậm chí, nhà phân tích chính trị Watson của Đài BBC còn nhận định khả năng Quốc hội Anh thông qua yêu cầu của những người tham gia thỉnh nguyện thư là bằng “0”.
Ngay cả ông David Cameron, người tuyên bố sẽ từ chức Thủ tướng Anh ngay sau khi có kết quả trưng cầu dân ý, cũng đã bác bỏ khả năng bỏ phiếu lần 2, còn EU, theo phát biểu trên tờ Telegraph của Giáo sư Vernon Bogdanor , một trong những chuyên gia về Hiến pháp hàng đầu của Anh, họ sẽ “không muốn trả giá thêm một lần nữa”.
Nói cách khác, mọi cánh cửa dường như đã đóng lại với Bremain.
Theo báo Tin tức
Tags