Ăn uống là cửa ngõ của tất cả các bệnh tật. Việc ăn uống thiếu tiết chế có thể ảnh hưởng rất lớn tới chức năng gan.
PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh – Trưởng Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM, nguyên Trưởng khoa Vi chất - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho hay gan có vai trò quan trọng đảm nhận chức năng thải độc cho cơ thể. Gan được ví như 'nhà máy' lọc các chất độc hại ra khỏi cơ thể. Cho nên, tất cả cách chất độc từ bên ngoài đưa vào cơ thể đều qua gan xử lý. Tuy nhiên, chất độc từ thức ăn đưa vào cơ thể quá nhiều khiến gan không thể lọc hết được, từ đó có thể làm suy giảm chức năng gan, hỏng gan.
Những thực phẩm tàn phá, gây suy hỏng lá gan có rất nhiều nhưng tựu chung lại như sau:
1. Nước không đủ vệ sinh hoặc nước lá không rõ nguồn gốc
Nước có vai trò quan trọng với sự sống, giúp đào thải mọi chất thải ra khỏi cơ thể. Nó ngăn chặn chất độc tích tụ trong cơ thể và làm tổn thương gan. Uống đủ nước giúp gan dễ dàng lọc và loại bỏ chất độc.
PGS Ninh khuyến cáo, việc không uống đủ nước, uống nước không đủ vệ sinh, uống các loại nước lá không rõ nguồn gốc… đều ảnh hưởng tới chức năng gan. Ví như uống nước không đảm bảo vệ sinh làm tăng nguy cơ đưa chất độc, ký sinh trùng (sán lá gan) vào cơ thể khiến gan sẽ dần suy giảm chức năng.
Để có lá gan khoẻ mạnh, chúng ta cần phải uống đủ nước (nước đun sôi để nguội), hạn chế uống các loại nước lá cây không rõ nguồn gốc để tránh nguy cơ ngộ độc. Đã không ít trường hợp bệnh nhân bị suy gan tối cấp do uống nước lá điều trị bệnh.
Mới đây, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết bệnh viện đang điều trị cho bệnh nhân 73 tuổi bị ngộ độc lá cây du mại (cây lộc mại). Trước đó 3 ngày, bệnh nhân sử dụng lá du mại phơi khô để đun với nước uống chữa táo bón. Sau đó bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, vàng da, vàng mắt tăng dần, đi tiểu ít, nước tiểu sẫm màu.
Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình trong tình trạng lơ mơ, tiếp xúc chậm, mắt vàng, thiểu niệu. Các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân bị thiếu máu nặng do tan máu, suy gan cấp, tổn thương thận cấp, rối loạn đông máu, rối loạn nước - điện giải.
2. Thực phẩm chiên, rán, nướng
Ông cha ta thường nói 'bệnh từ miệng mà vào'. Việc ăn uống ảnh hưởng rất lớn tới chức năng của gan. Bác sĩ Ninh cho biết, các thực phẩm chiên, quay, rán, nướng ăn thường rất thơm ngon nhưng lại có nhiều chất độc gây tổn hại tới tế bào gan.
Các nghiên cứu cho thấy thực phẩm chiên rán giàu chất béo, lượng calo cao, nếu ăn nhiều sẽ làm tăng gánh nặng cho các tế bào gan. Lâu dần khả năng chuyển hóa chất béo sẽ suy giảm, dẫn đến lượng lớn chất béo tích tụ trong gan, hình thành gan nhiễm mỡ, nghiêm trọng hơn là xơ gan.
3. Thực phẩm mốc
PGS Ninh lưu ý sử dụng các thực phẩm ngũ cốc bị mốc như gạo, lạc, đậu tương sẽ rất độc cho gan. Aflatoxin là độc tố vi nấm sản sinh tự nhiên bởi một số loài nấm mốc Aspergillus. Đây cũng là loại nấm mốc phổ biến ở nông sản và các thực phẩm khô. Độc tố aflatoxin sẽ huỷ hoại tế bào gan, thậm chí còn gây ra căn bệnh ung thư gan.
4. Rượu, bia
Khoảng hơn 90% rượu, bia khi vào cơ thể chuyển hóa tại gan. Gan chỉ chuyển hoá được khoảng 2 đơn vị cồn/ ngày. Nếu uống quá nhiều rượu bia sẽ gây ra ngộ độc cho tế bào gan. Người uống rượu có thể phải đối mặt với các nguy cơ viêm gan do rượu, gan bị nhiễm mỡ, xơ gan và nghiêm trọng hơn nữa là ung thư gan.
PGS Ninh khuyến cáo lạm dụng rượu bia là một trong những tác nhân ảnh hưởng tới chức năng gan. Do vậy, để bảo vệ gan, mọi người nên hạn chế uống rượu bia, nếu bắt buộc phải uống không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ ngày.
Theo đó, 1 đơn vị cồn tương đương với khoảng 3⁄4 chai hay lon bia có dung tích 330ml (5%), 1 cốc bia hơi 330ml (nồng độ cồn trong từng loại bia ở khoảng từ 1-12%, thường là 5%; đối với các loại bia ít cồn hoặc không cồn, nồng độ cồn cũng ở mức 0.05-1.2%); 1 ly rượu vang 100ml (13,5%) hoặc 1 chén rượu mạnh 30ml (40%).
Theo PGS Ninh, một số thói quen khác gây hại cho gan có thể kể tới đó là việc dùng thuốc bừa bãi không theo chỉ định, đặc biệt là các loại thuốc có hoạt chất gây độc cho tế bào gan.
Để có hai lá gan khoẻ mạnh, vị chuyên gia vi chất lưu ý mọi người cần ăn uống sạch đảm bảo vệ sinh; Không ăn thực phẩm mốc; Hạn chế ăn thực phẩm chiên rán; Tránh rượu bia, thuốc lá; Tránh căng thẳng, lo lắng; Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Tags