Đấy là điều mà tân HLV trưởng các ĐTQG Việt Nam, Philippe Troussier, lo lắng, chứ không hẳn là việc mới đây, đội tuyển Việt Nam chỉ tập trung 4 ngày và không tham dự FIFA Days trong tháng 3.
"Các cầu thủ chia sẻ với tôi rằng, họ chỉ chơi 4 trận trong vòng 4 tháng, rồi lại nghỉ suốt một thời gian dài. Điều này rất bất lợi trong việc duy trì trạng thái tốt nhất và tìm ra các nhân tố mới cho ĐTQG", HLV Philippe Troussier chia sẻ trong buổi chia tay các cầu thủ tập trung đợt 1/2023 vào hôm 11/3.
Cũng theo lời HLV Philippe Troussier, do đợt tập trung gần nhất cho AFF Cup 2022 kéo dài đến 3 tháng, nên nhân sự của đội tuyển khó thể có sự xáo trộn nào so với thời HLV tiền nhiệm Park Hang Seo và ông chỉ thừa hưởng. Thực tế là, ông Philippe Troussier không có đủ điều kiện và thời gian để xem các cầu thủ thi đấu trong màu áo CLB, khi giải đấu vừa khai màn đã lại nghỉ.
Quả thật, không có hệ thống thi đấu giải quốc gia nào trên thế giới giống Việt Nam. V-League 1 còn đỡ, chứ ở hạng Nhất quốc gia V-League 2 (dự tính sẽ khởi tranh vào tháng 4 tới, với vỏn vẹn 10 CLB), cầu thủ thậm chí chỉ được chơi 2 trận, rồi lại bước vào tập chay.
Phần lớn các CLB ở V-League 2 đều đã hội quân sau Tết Nguyên đán 2023 và họ có ít nhất 2 tháng chạy đà, trước khi bước vào giải đấu chính thức. Nhưng, trung tuần tháng 4/2023, mọi hoạt động của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (bao gồm V-League 1, V-League 2 và Cúp quốc gia) sẽ phải ngưng lại trong ít nhất một tháng, để nhường sân cho U22 Việt Nam tập trung chuẩn bị SEA Games 32 (5/2023).
Như thế, hạng Nhất quốc gia đúng là chỉ chơi nhiều nhất 2 lượt trận và lại nghỉ. Vì tập trung lâu, lại đá quá ít, một số CLB đã tự tổ chức giải chơi với nhau, ví như Hùng Vương Cúp ở Phú Thọ (khai mạc vào hôm nay, 13/3) hay Chí Thành Cúp ở TP.HCM... HLV Văn Sỹ Sơn của CLB Quảng Nam đã nửa đùa nửa thật khi đăng tải một clip và dòng trạng thái, đại ý có lẽ sẽ cho đội bóng đất Quảng đi Nga du lịch, kết hợp tập huấn để giết thời gian.
Kỳ nghỉ thứ nhất kéo dài đến hơn một tháng (từ 19/2 đến đầu tháng 4/2023), kỳ nghỉ thứ 2 cũng cỡ đó (16/4-19/5), rồi kỳ nghỉ thứ 3 dự kiến vào tháng 6, thứ 4 vào tháng 9... với FIFA Days. Sự xé lẻ với thời gian nghỉ quá dài như thế không những khiến cho nhịp đập của hệ thống các giải đấu bị ngưng trệ, phong độ của cầu thủ và đội bóng khó đảm bảo cho cuộc đua vô địch và trụ hạng, mà còn làm hao tiền tốn của các CLB.
Đã biết thế, song không hiểu tại sao khi họp BCH VFF, cũng như họp BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, các đại diện CLB đều nhất loạt đồng ý ký vào văn bản?!
Hệ thống các giải đấu khu vực và châu lục cũng như lịch thi đấu Vòng loại FIFA World Cup, rồi FIFA Days... dành cho các ĐTQG đã được ấn định theo chu kỳ, vấn đề với bóng đá Việt Nam và BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam là, tại sao không thuận theo đó mà chọn phương án tốt nhất?! Cấp độ các đội tuyển trẻ quốc gia như U20, U22 thậm chí cả U23 thi đấu Vòng loại hay VCK các giải đấu, hay thậm chí cả SEA Games..., có nhất thiết phải ngưng trệ mọi hoạt động bóng đá quốc nội không?!
Bao nhiêu cầu thủ ở lứa tuổi U chiếm được suất đá chính trong màu áo CLB mà phải nghỉ gián đoạn cả hệ thống?! Cứ lấy U20 Việt Nam sau bị loại ở VCK U20 châu Á mới đây là rõ. Họ được thi đấu quá ít (thậm chí là không) ở CLB, nên thời gian tập trung ngắn ngủi, HLV không phải là thánh mà có thể nâng tầm họ lên, cả về thể lực, nhịp độ thi đấu, lẫn chuyên môn.
Tất cả những tồn tại này phải xem xét, tính toán lại, phải thay đổi, chứ đừng cứ rập khuôn phương thức thi đấu kiểu cũ, no dồn đói góp, với căn bệnh thành tích trầm kha. Có các CLB mới có các ĐTQG, nên phải chăm các CLB mới mong thành, đừng kiểu "sống chết mặc bay", để rồi sẽ không chỉ có Cần Thơ, Sài Gòn... bỏ giải.