Thượng đế cũng bị …chửi
Một thực tế hiện nay là tại các quán nhậu bình dân ở Huế, chỉ trong một buổi tối, việc một du khách bị mời mua “đủ thứ” như lạc rang, mua bánh tráng, mua cóc xoài ổi, mua mực nướng, mua viết bi, mua tăm, mua kẹo ngậm, mua vé số kiến thiết… diễn ra rất thường xuyên.
V.T.T.Xuân, vốn là một đầu bếp người Huế ra Hà Nội lập nghiệp. Nhân đám cưới bạn thời trung cấp, Xuân vào Huế rồi tranh thủ rủ mấy người bạn thời phổ thông đến một quán nhậu gần trường Đại học Nông Lâm Huế để gặp mặt. Chưa kịp kêu gì ăn uống đã có một cô bé cỡ 6 - 7 tuổi tới mời mua lạc rang. Vì đang bị ho nên Xuân từ chối. Thế là cô bé chuyển hướng sang một anh bạn của Xuân. Không biết vì lý do gì mà cô bé bán lạc rang ấy cứ đứng hoài không đi, cứ cào cấu vào tay, rồi giật áo liên hồi người bạn này của Xuân. Tưởng cô bé ấy sẽ thấy khó mà bỏ đi, ai ngờ qua 15 phút vẫn không thay đổi trong khi nhóm bạn của Xuân thì cảm thấy rất khó chịu.
Cách giải quyết của Xuân là kêu nhân viên của quán ra để nói chuyện với có bé. Một sinh viên làm thêm ở quán ôn tồn nói với cô bé: “Họ không mua thì em đi chỗ khác mời đi”. Bất ngờ, cô bé ấy lại chửi thẳng vào mặt cậu nhân viên: “Mi đừng có cản trở tau làm ăn, thằng kia, coi chừng tao đó!”. Khỏi cần bình luận, vì trong nhóm bạn của Xuân có một giáo viên cũng lắc đầu ngao ngán.
Khi Phố Trịnh thành…phố nhậu
Việc chèo kéo du khách của các quán nhậu cũng là một bức xúc. Vì là thành phố đầu tiên của con đường mang tên cố nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn nên du khách đến Huế thường tìm đến con đường này. Như một “cơn sốt”, từ ba bốn quán nhậu, đến nay đường Trịnh Công Sơn đã trở thành một “phố ăn nhậu” nổi tiếng bậc nhất của TP Huế. Nhiều quán nhậu còn đặt tên theo những bài hát nổi tiếng của Trịnh Công Sơn như Hạ Trắng, Diễm Xưa hay Phố Trịnh để bắt mắt khách đi đường và PR cho quán. Do đó, vào những buổi đêm nhân viên một số quán đã đứng ngay giữa đường để mời mọc, lôi kéo khách đi đường vào ăn nhậu khiến nhiều du khách rất khó chịu.
Việc giành giật khách của cánh xích lô cũng là một nhức nhối. Anh N.Đ.Long, nhân viên của một công ty lữ hành ở Huế cho biết: “Bản thân là một nhân viên văn phòng du lịch, đồng thời cũng là một hướng dẫn viên, tôi thường xuyên phải nghe những câu chửi bới nhau của cánh xích lô để giành giật khách. Dù không hiểu tiếng Việt mình nhưng du khách thấy sự lộn xộn thì đã không thích rồi”.
Có một tình huống làm anh N.Đ.Long nhớ mãi khi hành nghề hướng dẫn viên. Sau khi dẫn khách nghe ca Huế trên sông Hương trở về thì đoàn của anh gặp một nhóm xích lô ở bến thuyền Tòa Khâm mời sử dụng dịch vụ xích lô đi tham quan Huế về đêm và ăn chè. Anh không có ý định đi nhưng thấy đoàn thích thú nên đành tổ chức cho khách đi tiếp. Với kinh nghiệm nghề nghiệp, anh đoán trước tình huống sẽ có sự mời mọc mua đặc sản Huế ở những cơ sở “tay trong” với cánh xích lô với giá chặt chém nên lưu ý mọi người trong đoàn tuyệt đối không nên mua gì hết.
“Đoàn chúng tôi được những người đạp xích lô dừng lại tại cơ sở đường Tống Duy Tân để thưởng thức chè. Trong lúc khách ăn chè, chủ quán mang bao nhiêu là thứ ra quảng cáo giới thiệu mua, nhưng do đã được căn dặn trước nên không ai mua gì. Tôi định ra hỏi những người chở xích lô tại sao chở chúng tôi đến những nơi buốn bán hàng lưu niệm “trá hình” thế này thì nghe bên ngoài to tiếng: “Tau đã nói là chở thằng hướng dẫn viên đó đi chỗ khác đi mà không nghe, mấy thằng hướng dẫn viên này ghê lắm, chở ra cầu Tràng Tiền rồi đuổi nó xuống”.
Sau khi rời quán chè, những người xích lô chở đoàn khách đi may áo dài và anh N.Đ.Long đã bị cắt đuôi một cách rất… chuyên nghiệp. “Vừa ngồi lên xe, như đã sắp đặt, tôi được một tên chở đi hướng khác, tách hẳn với đoàn. Khi biết mình bị tách đoàn, tôi yêu cầu dừng xe để tôi xuống và hỏi tại sao tách tôi với đoàn, tên đó chẳng nói gì mà đạp xe đi để lại tôi với những lo lắng về hành khách của mình” – anh N.Đ.Long bức xúc kể lại.
Ông Trần Viết Lực – Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển du lịch, Sở VHTTDL Thừa Thiên – Huế cho biết hiện có hàng ngàn xích lô đang hoạt động ở Huế nhưng xích lô du lịch chỉ có trên 215 chiếc. Và việc quản lý xích lô hiện đang hoạt động ở Huế thuộc thẩm quyền của Nghiệp đoàn xích lô thành phố. Tuy nhiên, Ông Nguyễn Văn Thắng, Chánh Thanh tra Sở VHTT&DL Thừa Thiên – Huế cũng cho biết việc giải quyết các tình trạng xích lô chặt chém, có thái độ không tốt với khách… hiện vẫn chưa thuộc thẩm quyền của cơ quan nào. Ngay cả Thanh tra Sở VHTTDL Thừa Thiên – Huế cũng chỉ có nhiệm vụ thông tin cho công an thông qua đường dây nóng chứ không thể cử cán bộ về giải quyết vì không có thẩm quyền.
Và 40.000 đồng thành…vua!
Nhà văn Võ Quê, nguyên Chủ tịch Liên hiệp Các Hội VHNT Thừa Thiên - Huế cho rằng việc sử dụng khuôn viên nhà Hữu Vu để chụp ảnh vua chúa triều Nguyễn là một điều không thể chấp nhận. Theo nhà văn, ở Trung Quốc cũng có dịch vụ chụp ảnh vua chúa nhà Thanh nhưng lại được thực hiện ở một địa điểm riêng biệt và không có việc ngồi lên ngai vàng để chụp ảnh.
Trên thực tế, du khách chỉ cần 45.000đ mua vé là có thể “lên ngôi” ngay lập tức tại nhà Hữu Vu bên trong Đại Nội. Khách du lịch đến Huế cũng chỉ cần bỏ ra một số tiền là sẽ được phục vụ thực đơn “cơm vua” đủ món như các vị vua triều Nguyễn thời xưa. Hình ảnh các ông Tây bà đầm mặc “áo vua” dùng ngự thiện khiến hình tượng vua chúa Việt Nam trở nên rẻ rúng trong mắt du khách nước ngoài ! Di tích Lầu Tứ Phương Vô Sự, nơi dành cho những hoàng tử công chúa học tập bên trong Đại Nội và sau khi phục chế cũng từng trở thành một quán cà phê khiến dư luận bức xúc. “Với vị thế và vai trò như vậy tại sao chúng ta không biến Lầu Tứ Phương Vô Sự thành một địa điểm tôn vinh những thủ khoa như trường hợp di tích Quốc Tử Giám Hà Nội? Hay chẳng hạn là nơi tổ chức những hội thảo về khoa học - giáo dục để di tích này mang vị trí xứng tầm hơn?”- băn khoăn của nhà văn Võ Quê cũng là tâm tư của nhiều người yêu Huế.
Những “bài toán” ấy, Huế giải “ra răng”?
Nguyễn Văn Toàn
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags