(Thethaovanhoa.vn) - 46 năm trôi qua kể từ ngày Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, ký ức về chiến thắng hào hùng của quân và dân ta trong Đại thắng mùa Xuân 1975 vẫn luôn khắc sâu trong trâm trí của những nhân chứng lịch sử và trong tim mỗi người Việt Nam.
Để ngày hôm nay, những ký ức hào hùng đó đã trở thành tiền đề, động lực để các thế hệ người Việt Nam tiếp bước nhau, cùng dựng xây đất nước ngày một giàu đẹp, yên vui.
* Từng bước khôi phục lại đất nước
“Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay!
Rộn ràng bao mê say những bước chân dồn về đây
Sài Gòn ơi! Vững tin đã bao năm rồi một ngày vui giải phóng”...
(Đất nước trọn niềm vui, Hoàng Hà)
Trưa 30/4/1975, chiếc xe tăng 390 húc đổ cánh cổng sắt, cắm lá cờ Quyết chiến quyết thắng lên nóc Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi, non sông đã được thu về một mối.
Tại Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tháng 9/1975 đề ra nhiệm vụ hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước. Ngày 25/4/1976 cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung được tổ chức trên toàn quốc với hơn 23 triệu cử tri (98,8% tổng số cử tri) đi bầu. Quốc hội quyết định lấy tên nước là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ 2/7/1976). Quốc kỳ là lá cờ đỏ Sao vàng, Quốc ca là bài Tiến quân ca, Quốc huy là “Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Thủ đô là Hà Nội. Thành phố Sài Gòn đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh.
Việc hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước đã tạo nên những điều kiện chính trị cơ bản để phát huy toàn diện sức mạnh phát triển đất nước, tạo điều kiện thuận lợi để cả nước đi lên CNXH, có những khả năng to lớn để bảo vệ Tổ quốc và mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới.
Từ điểm xuất phát rất thấp về kinh tế, lại chịu hậu quả nặng nề của những năm tháng chiến tranh khốc liệt, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân tộc đã đồng lòng khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, đạt được những thành tựu quan trọng.
Trong 5 năm (1976-1980), ta đã khôi phục phần lớn những cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, giao thông ở miền Bắc và xây dựng lại các vùng nông thôn ở miền Nam bị chiến tranh tàn phá; củng cố kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể ở miền Bắc, bước đầu cải tạo và sắp xếp công thương nghiệp tư doanh ở miền Nam, đưa một bộ phận nông dân Nam Bộ, Nam Trung Bộ vào con đường làm ăn tập thể; bước đầu phân bố lại lực lượng lao động xã hội; tăng cường một bước cơ sở vật chất-kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân.
Đến những năm đầu của kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (1981-1985), nhiều Nghị quyết và Quyết định quan trọng của Đảng và Chính phủ được ban hành nhằm từng bước sửa đổi cơ chế quản lý đối với kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, kinh tế tư nhân và xóa bỏ quan liêu bao cấp.
Với những bước đi đổi mới từng phần theo những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, những sáng kiến, sự năng động, sáng tạo của nhân dân các địa phương, cơ sở sản xuất kinh doanh, đã làm cho nền kinh tế Việt Nam những năm 1981-1985 có bước phát triển. Thu nhập quốc dân tăng bình quân hàng năm 6,4%.
Vươn mình phát triển
Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng cách đây 35 năm thực sự là một cuộc cách mạng khi đề ra đường lối đổi mới cho đất nước. Vượt qua biết bao khó khăn trở ngại, dân tộc Việt Nam đã không chỉ giữ vững được nền độc lập mà còn từng bước xây dựng đất nước giàu mạnh xứng đáng với sự hy sinh của hàng triệu đồng bào, chiến sĩ.
Việt Nam đã vươn mình trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng nhanh. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 6,8%/năm. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, thiên tai, bão lũ, nhưng tăng trưởng vẫn đạt 2,9% - là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu có cải thiện đáng kể. Kim ngạch xuất khẩu thường xuyên tăng với tốc độ hai con số, năm 2019 đạt trên 263 tỷ USD. Năm 2020, dù chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt trên 281 tỷ USD, xuất siêu 19,1 tỷ USD - mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016; Việt Nam vẫn là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài, với tổng vốn FDI tính đến 20/12/2020 đạt 28,53 tỷ USD. Tuy chỉ bằng 75% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng so với các quốc gia khác thì đây là con số đáng nể trong bối cảnh dịch bệnh.
Đặc biệt, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên rõ rệt: Năm 2019, năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam tăng 10 bậc so với năm 2018, đứng thứ 67/141 nền kinh tế. Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2019 tăng 8 bậc so với năm 2015, xếp thứ 70/190 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Cùng với tăng trưởng kinh tế, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng phát triển văn hóa, xây dựng con người, tiến bộ và công bằng xã hội. Đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể, nếu như năm 2003, GDP bình quân đầu người ở Việt Nam mới chỉ đạt 471 USD/năm thì đến năm 2019, con số này đã đạt xấp xỉ 2.800 USD.
Đặc biệt, công tác giảm nghèo của Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước đã giảm từ 58% năm 1993 xuống 7,2% năm 2015. Năm 2020, tính theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước chỉ còn dưới 3%.
Cùng với đó, quy mô giáo dục tiếp tục được phát triển, cơ sở vật chất được nâng cao. Năng lực của hệ thống các cơ sở y tế được củng cố và phát triển, trang thiết bị y tế được chú trọng đầu tư, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt...
- Lễ kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại Thành phố Hồ Chí Minh
- Nhiều hoạt động Kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Bên cạnh tập trung phát triển kinh tế-xã hội, 46 năm qua cũng là một chặng đường hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của Việt Nam. Việt Nam đã thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế; có 71 quốc gia công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Việt Nam cũng đã tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực trong đó có 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Việc tham gia vào các FTA có tác động tích cực tới phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…
Đặc biệt, năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt đối với Việt Nam khi lần đầu tiên, nước ta cùng đảm nhận ba trọng trách: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN và Quốc hội Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA).
Với sự sáng tạo, chủ động thích ứng, Việt Nam đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ quốc tế của mình. Dù hầu hết các buổi làm việc, hội nghị, hội thảo đều được tổ chức theo hình thức trực tuyến và bán trực tuyến nhưng đều đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Có thể thấy, sau 46 năm, Việt Nam - từ một nước nghèo, lạc hậu, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, lại bị bao vây cấm vận - đã vượt lên, phát triển kinh tế khá nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế. Đến nay, sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên gấp nhiều lần, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp.
Càng khâm phục, tự hào về những thế hệ cách mạng cha anh với ý chí kiên cường, tinh thần hết mình vì độc lập tự do, vì Tổ quốc, vì nhân dân, những thế hệ hôm nay càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn “các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Minh Duyên/TTXVN (tổng hợp)
Tags