Tiết lộ những nghệ sĩ được vinh danh NSND, NSƯT: Có tên Hoài Linh, Trịnh Kim Chi, Hồ Hoài Anh...

Thứ Ba, 05/01/2016 06:58 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 10/1 tới, Bộ VH,TT&DL sẽ tổ chức lễ vinh danh NSND, NSƯT tại Hà Nội. Đến chiều qua, nhiều nghệ sĩ khi được hỏi vẫn không biết chắc mình có tên trong danh sách này không. Song theo nguồn tin riêng của Thể thao & Văn hóa, sẽ có thêm những NSND: Quốc Chiêm, Tự Long, Trung Hiếu, Minh Châu, Lý Thái Dũng... và các NSƯT: Hoài Linh, Trịnh Kim Chi, Hồ Hoài Anh, Đăng Dương...

NSND Minh Châu: Chỉ cần được đối xử công bằng

Minh Châu từng hai lần giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc tại LHP Việt Nam lần thứ 8 (1988) và LHP Việt Nam lần thứ 9 (1990) với hai vai diễn trong phim Cô gái trên sông của đạo diễn Đặng Nhật Minh và Người đàn bà nghịch cát của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn.

Minh Châu đã từng đóng vai chính trong nhiều phim, mà những bộ phim đó giành được giải thưởng: Bến không chồng, Cỏ lau, Lạc lối, Mùi cỏ cháy… và các phim truyền hình Xe tăng 301, Không còn gì để nói…

“Hồi NSƯT Phương Thanh còn sống, chúng tôi đã từng làm hồ sơ rồi nhưng không được xét tặng. Cũng đã từng nghĩ là sẽ không làm nữa, nhưng nếu mình không làm thì những người sau đó cũng không làm, không hay. Việc phong tặng danh hiệu là cần thiết, nhưng khi đã đặt ra tiêu chí thiết nghĩ nên thực hiện một cách công bằng. Đừng để nghệ sĩ có cảm giác phải đi xin danh hiệu...” – chị chia sẻ.


Từ trái qua: NSND Minh Châu, NSƯT Hoài Linh, NSND Tự Long và NSƯT Hồ Hoài Anh

NSƯT Hoài Linh: Làm nghề là không mưu cầu danh lợi

Với Hoài Linh, ai có dịp tiếp xúc ngoài đời sẽ khó tin vào mắt mình, cứ tưởng đó là một anh em sinh đôi nào khác, ít nghĩ một ngôi sao lại có cách sống giản dị như vậy. Anh theo “đạo mắm”, nghĩa là mắm gì cũng thích. Những lúc tương đối thảnh thơi, làm việc gần nhà, anh có thể ăn 4-5 bữa mắm và 2-3 bữa cá khô nướng một tuần.

“Ăn riết tôi như con mắm, thấy chưa, nhưng đâu có sao, mình phải thấy ngon thì mới thích ăn chứ”, Hoài Linh nói.

Có lẽ chính lối sống như vậy mà việc tiếp cận danh hiệu NSƯT cũng rất nhẹ nhàng. Khi được vào danh sách xét tặng, anh cũng chỉ cảm ơn những cơ quan hữu trách đã tin tưởng, rồi xem đó là một trong những động lực để làm việc nhiều hơn. Khi có dư luận cho rằng anh bị “trượt” danh hiệu, anh cũng chẳng lấy làm buồn, vì bản thân làm nghề không mưu cầu danh lợi, việc gì đến sẽ đến, đi sẽ đi. Khi nghe tin mình chính thức được tặng NSƯT, anh chỉ nói với Thể thao & Văn hóa: “Hãy nhắn giúp lời cảm ơn một lần nữa đến các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ tôi lần này. Tôi biết ơn tất cả mọi người. Chúc năm mới bình an”.

Thời gian qua Hoài Linh phủ kín các chương trình giải trí có yếu tố hài hước trên truyền hình, đôi khi quá tải và gây... nhàm chán. Mục đích chính của việc này là gom đủ tiền cho việc xây dựng nhà thờ tổ nghề sân khấu, mà gần như anh chỉ muốn làm bằng tiền riêng. Anh cũng có tâm nguyện “hưu sớm” để lui về làm ông từ lo hương khói nhà thờ tổ.

Từ giữa năm 2016 khán giả truyền hình sẽ ít thấy danh hài Hoài Linh trên truyền hình, vì công việc xây dựng nhà thờ đã tương đối, anh bắt đầu rút lui, từ chối nhiều lời mời. Đầu tiên là rời xa trò chơi truyền hình để về với tấu hài trên sân khấu, rồi đến một lúc sẽ là nói lời tạm biệt tất cả.

NSND Tự Long: Nhận danh hiệu sau nhiều tranh luận

Tự Long (Nhà hát chèo Quân đội) chắc chắn là trường hợp gây ra nhiều tranh cãi nhất lần này, khi anh nằm trong các danh sách các gương mặt được xét danh hiệu NSND. Ngoài những ý kiến tán thành, một số người tỏ ra bất ngờ, thậm chí thắc mắc, khi so sánh Tự Long với những nghệ sĩ lớn tuổi (và được cho là có nhiều cống hiến hơn) nhưng lại không có tên trong danh sách.

Tiếp tục lấy ý kiến người dân về việc xét tặng Danh hiệu NSND, NSƯT

Tiếp tục lấy ý kiến người dân về việc xét tặng Danh hiệu NSND, NSƯT

Bộ đã nhận được 114 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân” và 416 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Ưu tú” của 46 Hội đồng cấp Bộ, tỉnh gửi Hội đồng cấp Nhà nước.


43 tuổi, bắt đầu làm nghề từ 1993, Tự Long được khán giả đại chúng biết tới trong vai trò diễn viên hài ở Gặp nhau cuối tuần, Táo quân của VTV. Chính sự nổi tiếng này đã khiến những cống hiến của Tự Long trên sân khấu chèo – lĩnh vực anh được đào tạo – bị “che mờ”.

Hầu hết các HCV, HCB mà Tự Long giành được tại những kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu đều đến từ các vai chèo. Trước khi được phong tặng NSƯT năm 2012, anh từng nhận 8 HCV, 1 HCB qua các kỳ liên hoan, hội diễn. Tiếp đó, Tự Long lại có thêm 3 HCV, 1 HCB để được xét tặng danh hiệu NSND vào năm 2015. Anh hiện là trưởng phòng trong chương trình truyền hình Ơn giời! Cậu đây rồi!.

Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh: “Lên” NSƯT nhờ đàn bầu

Sinh năm 1979 trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, 8 tuổi nhạc sĩ Hồ Hoài Anh đã làm quen với đàn bầu – cây đàn quen thuộc gắn liền với mẹ anh mỗi giờ lên lớp và được anh kế thừa cho đến nay. Năm 1998, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh đoạt giải Nhất cuộc thi độc tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc ở tuổi 18.

Hiện là giảng viên khoa Nhạc cụ Truyền thống tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nhưng nhạc sĩ Hồ Hoài Anh khá thành công trong hoạt động sáng tác ca khúc.

Đặc biệt, năm 2010, anh được vinh danh ở hạng mục Nhạc sĩ của năm tại Giải Âm nhạc Cống hiến do báo Thể thao&Văn hóa, Thông tấn xã Việt Nam tổ chức.

Sau những bản “hit” như Dẫu có lỗi lầm, Radio, Gánh hàng rau, Nuối tiếc… nhạc sĩ Hồ Hoài Anh tiếp tục ghi dấu ở các hoạt động âm nhạc như: nhà sản xuất, giám khảo, giám đốc âm nhạc nhiều cuộc thi, chương trình nghệ thuật có uy tín.

Năm 2015, một trong những hoạt động nổi bật của Hồ Hoài Anh là vị trí GĐ Âm nhạc Giọng hát Việt, HLV mùa thứ 3 - Giọng hát Việt nhí 2015...

Ngọc Diệp - Như Hà - Cúc Đường - Thanh Tú (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›