Ung thư dạ dày là căn bệnh thường gặp trong ung thư đường tiêu hoá. Bệnh thường khởi phát từ niêm mạc dạ dày nên có thể phát hiện qua nội soi dạ dày.
Theo thống kê của WHO năm 2018, Việt Nam là nước có tỉ lệ ung thư mắc mới ở cấp trung bình, tuy nhiên tỉ lệ tử vong lại chiếm đến gần 70%. Tỉ lệ tử vong đối với các trường hợp mắc ung thư tăng cao như hiện nay chủ yếu do khi phát hiện, tình trạng bệnh thường đã ở giai đoạn cuối.
Theo TS.BS Võ Duy Long, Phó trưởng khoa Ngoại tiêu hóa (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM), chưa rõ đâu là những nguyên nhân cụ thể gây ra ung thư dạ dày, tuy nhiên có những yếu tố nguy cơ như tuổi trên 55, viêm loét dạ dày có nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori, gia đình (bố mẹ, anh chị em) có người bị ung thư dạ dày, một số đột biến gen, hút thuốc lá, uống rượu bia, chế độ ăn uống không hợp lý…
Ngoài ra, những người sống trong môi trường độc hại, nhiều hóa chất và người bị viêm loét dạ dày lâu năm cũng dễ mắc ung thư dạ dày.
Theo bác sĩ Long, ung thư dạ dày có thể điều trị hiệu quả ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, đa phần các bệnh nhân mắc ung thư dạ dày đến viện đều ở giai đoạn muộn, khối u đã xâm lấn. Ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm gần như không có triệu chứng. Khi bệnh tiến triển thường sẽ có một số triệu chứng như:
- Đầy tức bụng: Lúc đầu, triệu chứng rất giống với loét dạ dày, chính vì vậy, bệnh nhân thường chủ quan, xem nhẹ bệnh và chỉ đi khám khi đã quá muộn. Cảm giác nhanh no này có thể do khối u gây ra nhưng cũng có thể do tình trạng không phải ung thư mà là đầy bụng - xảy ra khi một người có cảm giác rằng có thứ gì đó đang cản trở dạ dày của mình.
- Chán ăn: Mất cảm giác thèm ăn là một điều cần hết sức chú ý.
- Sút cân chưa rõ nguyên nhân, mệt mỏi: Sút nhiều cân trong thời gian ngắn, kèm theo cảm giác luôn no, chán ăn buồn nôn, mệt mỏi cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh.
- Nôn ra máu, ợ chua, đi ngoài phân màu bất thường cũng rất có thể cảnh báo đã mắc ung thư dạ dày.
- Sờ thấy u ở bụng.
Phát hiện ung thư dạ dày sớm, khả năng khỏi bệnh cao
Mới đây, Khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nam đến khám do đau vùng bụng trên. Kết quả nội soi phát hiện khối u ở chỗ nối giữa thực quản và dạ dày.
BSCKII. Nguyễn Viết Hải – Khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết vị trí ung thư của bệnh nhân là rất khó trong điều trị ung thư dạ dày. Để khỏi bệnh hoàn toàn, người bệnh cần được phẫu thuật.
Trước đây, với bệnh nhân này sẽ phải cắt toàn bộ dạ dày, ảnh hưởng nhiều đến khả năng ăn uống sau mổ, người bệnh dễ bị suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, các bác sĩ đã tính toán dùng phương pháp khác điều trị cho ung thư giai đoạn sớm ở vị trí này là cắt nửa phần trên dạ dày.
Tuy nhiên, nối lại thực quản và dạ dày sau khi cắt là một thách thức, do khi phẫu thuật cơ tâm vị có chức năng chống trào ngược đã được bỏ đi, nếu thực hiện nối đơn giản trực tiếp thực quản vào dạ dày thì có tỉ lệ cao người bệnh bị trào ngược, một số trường hợp nặng gây khó khăn khi ăn uống và ảnh hưởng đến việc nằm ngủ.
Do vậy, tại Nhật Bản đã phát triển kỹ thuật tạo van chống trào ngược khi nối lại thực quản vào dạ dày, có tên gọi Double-Flap hay phương pháp nối Kamikawa.
Sau khi hội chẩn đánh giá người bệnh phát hiện ung thư giai đoạn sớm, các bác sĩ quyết định thực hiện cắt bán phần trên dạ dày, phục hồi lưu thông tiêu hóa kiểu Double-Flap có tái tạo van chống trào ngược hoàn toàn bằng phẫu thuật nội soi.
Đây còn được gọi là phẫu thuật bảo tồn chức năng khi vừa điều trị khỏi bệnh, vừa đảm bảo chất lượng cuộc sống. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy việc áp dụng phẫu thuật giúp tỉ lệ khỏi bệnh cao, người bệnh không bị trào ngược, đảm bảo dinh dưỡng. Bên cạnh đó, phẫu thuật nội soi giúp người bệnh phục hồi nhanh, có thể xuất viện sau một tuần theo dõi.
Phòng ngừa ung thư dạ dày
Theo các chuyên gia, để phòng ngừa ung thư dạ dày, mọi người cần lưu ý:
- Duy trì chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý. Hạn chế ăn đồ ăn mặn vì chúng chứa nhiều nitrit và amin thứ cấp, khi vào dạ dày có thể làm tăng nguy cơ gây ung thư.
- Hạn chế ăn đồ hun khói, nướng, chiên.
- Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, chất kích thích.
- Có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao hợp lý, điều độ.
- Khi có dấu hiệu bất thường của đường tiêu hoá cần đi khám sớm.
Tags