1. IS lợi dụng sự bất bình của người Hồi giáo Sunni
Trước tiên, phương Tây đã không đánh giá được việc IS lợi dụng sự bất bình kéo dài lâu nay trong cộng đồng người Hồi giáo Sunni ở Iraq và Syria. Họ đã dựa vào các “đồng minh” địa phương theo Hồi giáo Sunni để chống lại IS.
Kết quả là Mosul, thành phố lớn thứ 2 Iraq, đã rơi vào tay những người thuộc đảng Ba’ath bản địa có cảm tình với IS, thay vì các chiến binh IS thực thụ. Câu chuyện ở Mosul cũng từng xảy ra trước đó ở tỉnh Anbar. Hồi đầu năm 2014, tỉnh này đã rơi vào tay liên minh gồm IS, các bộ tộc Hồi giáo Sunni và các nhân vật theo đảng Ba’ath.
Cần biết rằng các tay súng thuộc đảng Ba'ath nhận sự ủng hộ từ các bộ tộc Hồi giáo Sunni, những người đã tức giận trước việc chính quyền Iraq hiện nay nằm trong tay người Hồi giáo Shiite. Ngoài ra còn phải kể tới các vấn đề căng thẳng sắc tộc giữa người Hồi giáo Sunni với người Yazidi, Công giáo, người gốc Thổ Nhĩ Kỳ và gốc Kurd.
Trong nỗ lực lật đổ chính quyền Syria, phương Tây đã từ chối vũ trang cho phe đối lập theo Hồi giáo Sunni, do lực lượng này quá nhiều phe cánh và chứa yếu tố cực đoan. Tuy nhiên cách hành xử đúng đắn này lại tạo ra một khoảng trống khiến những kẻ cực đoan lạm dụng. Chúng nói rằng sự từ chối vũ trang là bằng chứng cho thấy phương Tây “chẳng khác” chính quyền Syria. Hậu quả là nhiều chiến binh gốc Al Qaeda hoặc những kẻ từng thuộc phong trào Quân đội giải phóng Syria (FSA) đã gia nhập IS.
2. Nguồn lực của IS vô cùng ấn tượng
Cần phải nói rằng IS có nguồn lực rất lớn và các chiến binh thuộc tổ chức này nhận thù lao vô cùng hậu hĩnh. Rất khó trấn áp hoạt động hỗ trợ IS do những kẻ ủng hộ giàu có ở vùng Vịnh thực hiện. Có lẽ cũng đã quá trễ để làm điều điều này.
Thêm vào đó, đồng minh của Khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Thổ Nhĩ Kỳ đã không đóng cửa biên giới với Syria. Thổ Nhĩ Kỳ cũng chẳng gắng sức làm điều này, khiến IS dễ dàng tuyển mộ thêm các tay súng mới, buôn lậu vũ khí, nhận hàng, tiền tiếp tế, chăm sóc binh sĩ bị thương và buôn lậu dầu lửa thu được từ các giếng dầu ở Iraq, Syria.
3. Phương Tây có những kế hoạch và ưu tiên khác nhau
Phương Tây hiện chưa giải quyết được các xung đột về chương trình hoạt động và ưu tiên trong cuộc chiến chống IS. Washington đang hy vọng chính quyền đoàn kết dân tộc mới ở Iraq, được thành lập dưới sự lãnh đạo của ông Haider Al-Abadi, sẽ cải thiện tình hình. Tuy nhiên nó thậm chí còn có ít người Hồi giáo Sunni hơn chính quyền tiền nhiệm. Những người Sunni tham gia chính quyền thì bị những người Sunni khác coi khinh nên tiếng nói của họ không có sức nặng. Chỉ nhờ sức ép của người Mỹ mà người Kurd mới tham gia chính quyền Iraq. Tuy nhiên họ đã yêu cầu chính quyền mới trong vòng 3 tháng phải giải quyết hàng loạt các vấn đề lớn liên quan tới năng lượng, lãnh thổ và ngân sách.
Phương Tây không muốn hợp tác với chính quyền Syria, loại bỏ Iran khỏi nỗ lực xây dựng liên minh chống IS, khiến Tehran bực mình. Tuy nhiên phương Tây không muốn vũ trang cho các tay súng người Kurd ở Iraq vì vấp phải sự phản đối từ phía chính quyền Baghdad.
Họ cũng không thể chuyển vũ khí cho Đảng công nhân người Kurd (PKK) và Đơn vị bảo vệ người Kurd ở Syria (YPG) do các lực lượng này bị xem là khủng bố, bị Thổ Nhĩ Kỳ căm ghét. Thật trớ trêu, đây lại là những lực lượng hoạt động hiệu quả nhất trong cuộc chiến chống IS. Ví dụ như tại Syria, một lực lượng nhỏ YPG vẫn cầm chân được làn sóng tấn công của IS trong nhiều tháng mà không cần bất kỳ sự hỗ trợ nào từ bên ngoài.
Câu hỏi đặt ra lúc này là phương Tây có thể đưa ra thông điệp nào khiến dư luận đồng tình, khi họ nhận ra mối đe dọa từ IS, nhưng vẫn từ chối không hỗ trợ các đối thủ khó nhằn nhất của lực lượng này?
4. Chưa thống nhất trong đòn đáp trả quân sự
Các nước phương Tây chưa sẵn sàng đưa quân tới chiến đấu chống IS. Thái độ này là có thể hiểu được, nhưng không giúp ích gì trong việc ngăn chặn IS. Quân đội Iraq hiện là một mớ hỗn độn, bất lực. Công việc chống lại IS gần như chỉ do các tay súng người Kurd với trang bị thiếu thốn thực hiện.
Mỹ đã thực hiện hơn 160 vụ không kích nhằm vào các mục tiêu IS nằm ở Bắc Iraq và không có ý định mở rộng hoạt động sang Syria. Tuy nhiên IS không có tài sản quân sự cố định hay tiến hành chiến tranh tại một địa điểm cố định nào đó. Tổ chức này rất mềm dẻo và có thể thay đổi chiến trường hoạt động từ Iraq sang Syria trong một thời gian ngắn. Thậm chí IS có thể tấn công vào Jordan, trước khi đặc chân tới các đô thị phương Tây một cách dễ dàng.
Iran hiển nhiên có thể lấp đầy khoảng trống, nhưng nước này sẽ chẳng làm thế trước thái độ không chào đón của phương Tây.
5. Dù IS bị tiêu diệt, ý thức hệ vẫn còn
Có một điều ít người nhận ra là IS không phải một “tổ chức” với ranh giới rõ rệt. Thay vì thế, người ta nên xem IS như một sự mở rộng theo hướng cực đoan hơn của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo đã từng tồn tại trong các nhóm Al-Qaeda, Taliban, tình báo Pakistan, tại các con phố của châu Âu, thậm chí trong phong trào Huynh đệ Hồi giáo ở Ai Cập và những nơi khác. IS có thể bị tiêu diệt nhưng tư tưởng cực đoan của nó sẽ còn tồn tại rất lâu dài.
Tường Linh (Theo Telegraph)
Thể thao & Văn hóa
Tags