(Thethaovanhoa.vn) - Bên cạnh những điểm cộng thì những điểm trừ của phương pháp giáo dục tại nhà cũng là điều mà những bậc phụ huynh cần lưu ý.
VẤN ĐỀ PHÁP LÝ
Tại Việt Nam, phổ cập mầm non 5 tuổi, phổ cập tiểu học, phổ cập THCS đang là bắt buộc trong hệ thống giao dục quốc dân. Nếu không đến trường, trẻ sẽ không được chứng nhận là đã hoàn thành chương trình học. Trong khi đó, ở nước ta hiện nay cũng chưa có văn bản cụ thể nào chấp nhận hình thức học homeschool nên dẫn đến tình huống, sau thời gian dạy tai nhà, bố mẹ muốn cho con nhập học vào một trường học nào đó thì không có văn bản chứng nhận đã tốt nghiệp cấp học.
Bởi vậy, những bậc phụ huynh đang áp dụng homeschool cho con mình thường có tâm lý hướng con mình đi du học.
Home school ở Việt Nam còn nhiều vấn đề bất cập
TRẺ CÓ THỂ GẶP BẤT ỔN VỀ TÂM LÝ
Trẻ học tại nhà thường ít có sự giao lưu với bạn bè đồng trang lứa để học hỏi, khuyến khích, thậm chí là cạnh tranh nhau cùng học tập nên có ít động lực để nâng cao chất lượng học tập.
Ngoài ra, không đến trường học đồng nghĩa với việc các em cũng bị tước đi những kỷ niệm trong trẻo của tuổi học trò, mất cân bằng giữa các yếu tố tâm sinh lý và dần dần khiến trẻ thu hẹp mình hoặc gặp khó khăn trong các mối quan hệ bên ngoài xã hội.
Việc ít có sự giao lưu, trẻ có thể gặp phải những vấn đề về tâm lý
TÂM LÝ Ỉ LẠI KHI NHÀ LÀ TRƯỜNG
Học tập ở trường, trẻ sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định chung như: không được đến lớp muộn, không được nói chuyện trong giờ học… Trong khi đó, giáo dục tại nhà lại khác. Thời gian dạy và học hoàn toàn thoải mái, không gò bó, cũng không cần phải tuân thủ tuyệt đối các quy định. Chính điều này dẫn đến tâm lý ỉ lại, chần chừ.
Mỗi buổi sáng, khi những đứa trẻ schooling "ào ào" đến trường học thì những đứa trẻ homeschool có lẽ vẫn còn đang say giấc. Hoặc bố mẹ có chắc là sẽ vẫn bắt con học nếu thấy chúng kêu đau đầu hoặc mệt mỏi, hay hôm nay nhà có khách nên bạn sẽ cho con kết thúc buổi học sớm?... Một, hai lần như vậy sẽ tạo ra một thói quen không tốt ảnh hưởng đến việc dạy và học.
CHA MẸ CẦN CÓ KỸ NĂNG SƯ PHẠM NHẤT ĐỊNH
Nếu nhà là trường học thì cha mẹ chính là giáo viên của con. Trong trường hợp này, muốn dạy dỗ con thành công thì cha mẹ phải có trình độ văn hoá nhất định và những kỹ năng sư phạm cơ bản.
Cụ thể, cha mẹ sẽ phải thật sáng suốt và khôn ngoan trong việc chọn lọc phương pháp dạy, đồng thời phải có vốn hiểu biết, vốn sống phong phú về nhiều lĩnh vực để cân bằng khối lượng giữa các môn học và giải đáp những thắc mắc của con.
Ngoài ra, với homeschool, một trong hai bố mẹ phải hy sinh sự nghiệp của mình để dành thời gian chu toàn cho con. Khi một người không đi làm có nghĩa là một nguồn thu nhập sẽ bị cắt bỏ, điều này có thể khiến gia đình bạn đối mặt với những khó khăn về kinh tế. Bởi vậy, nếu chưa chắc chắn về tài chính thì bố mẹ không nên mạo hiểm ở nhà dạy học cho con.
NHỮNG CHỈ TRÍCH CỦA DƯ LUẬN
Homeshool hiện này vẫn chưa phải là lựa chọn số 1 của nhiều gia đình. Trên nhiều diễn đàn bàn luận về việc dạy con tại nhà, không ít người đã lên tiếng cho rằng đây là một cách làm “vớ vẩn”, “ảo tưởng”, “sính ngoại”… Theo đó, nhiều người cho rằng, tự học ở nhà chưa chắc đã là tốt, không phù hợp với điều kiện ở Việt Nam, hay cho con học tại nhà là vô tình cướp đi tuổi thơ của con, con không được giao tiếp thì sẽ sớm tự kỷ…
Vậy nên, khi quyết định cho con học theo mô hình giáo dục homeschool, cha mẹ phải chuẩn bị tâm lý để sẵn sàng đối mặt với những chỉ trích của dư luận và thậm chí là của người thân trong gia đình.
Ngọc Quỳnh
Tổng hợp
Tags