(Thethaovanhoa.vn) - 50 năm trước, vào ngày 8/10/1967, nhân dân các nước Mỹ Latinh và những người yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới tiếc thương vĩnh biệt một người con ưu tú, một người anh hùng huyền thoại của thế kỷ 20: Che Guevara.
50 năm sau, TTXVN và hội Hữu nghị Việt Nam-Cuba cùng với đại diện thường trú của hãng thông tấn PRENSA LATINA tại Hà Nội, tổ chức cuộc trưng bày ảnh với tên gọi Che-người kiến tạo từ ngày 6-13/10 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (5- Lý Thường Kiệt, Hà Nội).
Trưng bày giới thiệu 30 bức ảnh do các phóng viên ảnh của PRENSA LATINA thực hiện, các bản gốc hiện được lưu trữ trong kho tư liệu ảnh thời sự của PRESAN LATINA tại La Habana.
Đây là những tấm ảnh ghi lại những hoạt động của Che Guevarra từ năm 1959 đến 1965 với tư cách là một nhà lãnh đạo chính quyền trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội, xây dựng đất nước trong thời bình.
Với tên gọi Che-Người kiến tạo, những bức ảnh sẽ cho chúng ta một hành ảnh đầy ấn tượng của một con người năng động, nhiệt tình, giản dị, dễ gần và đầy sáng tạo, một chiến binh trong sự nghiệp kiến tạo.
Che Guevarra (tên khai sinh là Ernesto Guevara de la Serna, ông sinh ngày 14/6/1928, ở thành phố Rosario miền trung nước Argentina) mắc bệnh hen suyễn từ nhỏ. Ông đã kiên trì chống chọi với căn bệnh này bằng việc tập luyện các môn thể thao mà thường thì người ta cấm đối với những người mắc bệnh hen suyễn. Sự can đảm, coi thường cái chết, tinh thần “sẵn sàng đón nhận sự hy sinh ở bất cứ đâu” của Che đã bộc lộ ngay từ khi còn là một cậu bé.
Trong cuộc đời ngắn ngủi 39 năm của mình, Che Guevara đã làm hầu như tất cả những công việc mà một người đàn ông có thể làm. Ông từng là nhân viên bán hàng, giáo viên, thủy thủ, bác sĩ, kỹ sư, nhà báo, nhà văn, nhà thơ, thợ chụp ảnh, người chiến sĩ, sĩ quan chỉ huy, rồi làm nhà ngoại giao, chính khách, một thành viên trong chính phủ.
Để đi tìm sự thật và đấu tranh cho công lý, khi còn là sinh viên y khoa Che Guevara đã thực hiện các chuyến đi đến các nước châu Mỹ Latinh và bắc Mỹ. Đâu đâu ông cũng chứng kiến nhiều cảnh bất công. Che cho rằng nhiệm vụ của cách mạng là phải thức tỉnh họ thành những người biết cầm vũ khí đứng lên tự giải phóng mình. “Không có vũ khí sẽ không thể làm được gì”. Suy nghĩ này của Che được Fidel Castro tán thành ngay trong cuộc gặp gỡ đầu tiên của hai người Cuba ngày 9/7/1955 tại Mexico.
Theo gợi ý của Fidel, Che tham gia cuộc đổ bộ về Cuba trên tàu Granma năm 1956 và cuộc chiến tranh du kích do Fidel Castro lãnh đạo ở vùng rừng núi Sierra Maestra nhằm đánh đổ chế độ độc tài Batista. Trong thời gian đó, Che Guevara từ một bác sĩ đã trở thành người chỉ huy quân sự, được phong hàm Tư lệnh cấp bậc sĩ quan chỉ huy cao thứ hai của quân khởi nghĩa sau Tổng tư lệnh Fidel Castro...
Năm 1959, sau khi cách mạng thành công, Nhà nước Cuba đã chính thức trao quốc tịch Cuba cho ông vì đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của nước này. Chê đã đảm nhiệm nhiều trọng trách trong Chính phủ Cuba như Thống đốc Ngân hàng quốc gia, Bộ trưởng Công nghiệp và từng dẫn đầu các phái đoàn cấp cao Cuba tham dự những hội nghị quốc tế quan trọng và tại diễn đàn Liên hợp quốc.
Trong cuộc sống đời thường, Che Guevara là con người rất giản dị và đôn hậu. Ông làm việc không biết mệt mỏi và luôn đi đầu trong phong trào lao động tình nguyện do chính ông đề xướng vào những ngày nghỉ. Che là hiện thân của sự kết hợp hài hòa giữa tư duy và hành động. “Gương mẫu là mệnh lệnh không lời”, “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người mới”. Nguyện vọng cháy bỏng của ông là “đi chiến đấu ở bất kỳ nơi nào trên thế giới”.
Ngày 31/3/1965, trước khi lên đường làm nghĩa vụ quốc tế ở Châu Phi, Che viết bức thư từ biệt Fidel và để lại phía sau một gia đình hạnh phúc với 5 người con và người vợ dịu hiền của mình, cùng với bộ quân phục màu xanh ô liu và chiếc mũ nồi đen mà ông thường dùng.
“Hẹn đến ngày toàn thắng” (Hasta la Victoria siempre), đó là lời tâm huyết của Che viết ở cuối thư gửi Fidel, sau đó đã trở thành phương châm hành động của lớp lớp thanh niên Cuba, và luôn tiếp thêm sức mạnh cho toàn dân Cuba vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để xây dựng và bảo vệ đất nước tươi đẹp của mình.
Sau thời gian ngắn ở châu Phi, Che trở lại Mỹ La Tinh với kế hoạch xây dựng một đội quân du kích, phát động một cuộc cách mạng mới ở khu vực Nam Mỹ để giải phóng những dân tộc đang phải sống dưới ách chế độ độc tài quân sự và sự thống trị của chủ nghĩa thực dân kiểu mới.
Ngày 8/10/1967, trong một cuộc chiến đấu ở vùng núi rừng Bolivia, nhiều chiến sĩ trong đội quân du kích của Che người bị thương, người hi sinh. Riêng Che bị thương nặng và bị quân đội Bolivia bắt giữ. Lo sợ trước ảnh hưởng của Che, chế độ độc tài Bolivia đã ra lệnh thủ tiêu ông theo chỉ đạo của CIA.
Bọn sát nhân đã nhầm, sau khi qua đời Che Guevarra không những không bị lãng quên mà còn trở thành một tấm gương lớn và một thần tượng cách mạng của lớp lớp thanh niên Mỹ La Tinh nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.
Đối với Việt Nam, Che là một người bạn lớn luôn nhiệt tình ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Ông khẳng định: “Chúng ta không chỉ chúc mừng thắng lợi của Việt Nam, mà phải cùng hy sinh và cùng chiến thắng với Việt Nam”. Lời kêu gọi: “Hãy tạo ra hai, ba, nhiều Việt Nam” nhằm “chia lửa” với nhân dân ta, chứng tỏ Che đã nhận rõ ý nghĩa quốc tế lớn lao của cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam đối với loài người, nhất là đối với các dân tộc Mỹ La tinh vào những năm 60 của thế kỷ trước.
Trong lời tựa cuốn Nhật kí của Che được xuất bản năm 1967, lãnh tụ Fidel Castro, người chỉ huy và bạn chiến đấu thân thiết của ông đã đánh giá: "Che và tấm gương phi thường của mình không ngừng lan tỏa trên toàn thế giới. Lý tưởng của Che, hình ảnh và tên tuổi của Che đã trở thành lời hiệu triệu và tiếng thét xung phong trong cuộc đấu tranh của những người bị áp bức chống lại bất công".
TTXVN
Tags