(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 4/4/1968, nhà hoạt động vì quyền dân sự Mỹ Martin Luther King đã bị một viên đạn ám sát giết chết tại Memphis. 50 năm đã trôi qua và thế giới đã thay đổi lớn lao kể từ đó, nhưng thông điệp mà King để lại vẫn còn nguyên chân giá trị.
- Hai con Luther King lên án Tổng thống Donald Trump trong 'Ngày Martin Luther King'
- Triển lãm tôn vinh Martin Luther King ở Washington
Năm 1968, Martin Luther King đang ở Tennessee để giúp tổ chức một cuộc đình công của công nhân vệ sinh. Ở tuổi 39, King đã là một nhân vật nổi tiếng quốc tế.
Người trẻ nhất đoạt giải Nobel Hòa bình
Bắt đầu bằng cuộc tẩy chay xe buýt ở Montgomery hồi năm 1955, King đã dẫn đầu một loạt cuộc biểu tình phi bạo lực trên toàn quốc chống lại tình trạng phân biệt chủng tộc.
Khi King được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 1964, ông đã là người trẻ nhất từng giành giải thưởng danh giá này, khi mới 35 tuổi. Bài phát biểu nhận giải của ông ở Na Uy đã gồm tuyên bố nổi tiếng: "Tôi tin rằng sự thật không cần vũ khí và tình yêu vô điều kiện sẽ có tác động cuối cùng lên thực tế. Đó là lý do vì sao lẽ phải tạm bị đánh bại lại mạnh hơn chiến thắng của điều ác". King cũng quyên tặng số tiền 54.123 USD trong tiền thưởng của ông cho các phong trào hoạt động vì quyền lợi dân sự.
King (thứ hai từ phải sang) tới Memphis vào ngày 28/3/1968, chỉ vài ngày trước khi ông bị ám sát |
Đêm 3/4/1968, King đã tới Memphis để hỗ trợ phong trào đòi tiền bồi thường tốt hơn cho các công nhân vệ sinh là người da màu. Ông đã nói chuyện tại nhà thờ của Giám mục Charles Mason, trước những người ủng hộ, dù biết rằng đã có những kẻ âm mưu sát hại mình.
Ông nói với các khán giả về việc mình từng sống sót qua một âm mưu ám sát hồi năm 1958 do một người phụ nữ loạn trí tên Izola Ware Curry thực hiện. Curry đã cầm dao đâm King vào ngực trong một buổi ký tên vào sách. King đã đọc trên một bài báo rằng nếu ông chỉ cần hắt hơi ngay trước khi bị tấn công, hẳn con dao đã đâm trúng chỗ hiểm, làm ông mất mạng.
"Tôi muốn nói trong tối nay rằng tôi cũng rất vui vì mình đã không hắt hơi. Bởi vì nếu hắt hơi, tôi đã không thể ở đây trong năm 1960, khi các sinh viên ở trên toàn miền Nam bắt đầu ngồi biểu tình tại các quầy thu tiền bán đồ ăn trưa. Và tôi biết rằng dù họ đang ngồi, thực ra họ lại đang đứng dậy vì những điều tuyệt vời nhất trong giấc mơ Mỹ, họ đưa cả đất nước trở lại những sự sâu sắc, vĩ đại của nền dân chủ, vốn đã được các vị lãnh tụ của chúng ta đặt nền móng sâu trong Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp” - ông nói.
Đọc điếu văn cho chính mình
Nổi tiếng hơn trong bài phát biểu của King chính là phần kết luận: "Khi tôi tới Memphis, một số người bắt đầu nói về các mối đe dọa... Nhưng chuyện gì có thể xảy ra với tôi từ những người anh em da trắng bệnh hoạn ấy. Chà, tôi không biết điều gì sẽ xảy ra lúc này. Chúng ta có một số ngày khó khăn trước mắt. Nhưng điều đó không khiến tôi bận tâm, bởi tôi đã ở trên đỉnh núi... Giống mọi người khác, tôi muốn có một cuộc sống dài lâu. Nhưng tôi không quan tâm nhiều tới vấn đề đó trong lúc này. Tôi chỉ muốn làm theo ý Chúa. Và Ngài cho phép tôi leo lên đỉnh núi. Và từ đây tôi đã nhìn thấy Đất Hứa. Tôi có thể sẽ không tới đó được cùng các bạn. Nhưng tôi muốn các bạn biết rằng đêm nay, chúng ta, với tư cách con người, sẽ tới được Đất Hứa. Và vì thế đêm nay tôi đã rất vui. Tôi chẳng lo lắng điều gì cả. Tôi chẳng sợ ai cả" - King nói.
Nhiều người tin rằng, đêm hôm đó, King đã đọc điếu văn cho chính mình.
Vào lúc 6h05 chiều ngày 4/4/1968, King đã bị bắn khi đứng trên một ban công ở ngoài căn phòng nằm trên tầng hai Khách sạn Lorraine. Một tiếng súng nổ nữa phát ra từ hướng khác. King được đưa tới bệnh viện và qua đời một giờ sau đó.
King nằm ở ban công tầng hai sau khi bị bắn
|
Cái chết của ông đã gây ra những tác động khổng lồ. Thượng nghị sĩ Robert Kennedy đang vận động tranh cử khi hay tin King qua đời và ông đã lập tức có bài phát biểu: "Những gì chúng ta cần ở nước Mỹ không phải là sự chia rẽ. Những gì chúng ta cần ở Mỹ không phải là sự thù ghét; không phải bạo lực và tình trạng vô luật pháp, mà là tình yêu và sự hiểu biết lẽ phải, tình thương dành cho những người khác và cảm giác đòi lại công lý cho những người còn tổn thương trong đất nước chúng ta, cho dù họ là người da trắng hay da đen" - ông nói.
Khi tin King chết lan ra, người biểu tình đã tuần hành trên toàn quốc, gây ra hàng loạt vụ bạo lực, dẫn tới hơn 40 cái chết khác. Ngày 7/4/1968, Tổng thống Lyndon Johnson đã tuyên bố để quốc tang King. 2 ngày sau, lễ tang của King diễn ra ở Atlanta đã có hơn 100.000 người tới dự.
Tháng 7/1968, kẻ ám sát King là James Earl Ray đã bị dẫn độ từ Anh về Mỹ để xét xử. Ray đã thừa nhận có tội trong một thỏa thuận gây tranh cãi và bị tuyên phạt 99 năm tù giam. Hắn ta đã trút hơi thở cuối cùng trong tù vào năm 1998, nhưng trước đó đã rút lại lời thừa nhận có tội.
Về sau này người ta mới biết rằng vào thời điểm qua đời, King đang cố tổ chức một cuộc biểu tình ở Washington chống lại đói nghèo. Ông cũng trở thành người lên tiếng chống lại cuộc chiến tranh Việt Nam một cách mạnh mẽ. Trước khi qua đời đúng một năm, vào ngày 4/4/1967, King đã nói trước các khán giả tại một buổi phát biểu ở New York rằng ông chống lại các cuộc chiến mà Mỹ phát động ở nước ngoài.
Người chống chiến tranh Việt Nam “Chúng ta (nước Mỹ) đưa các thanh niên da đen, những người đã bị chính xã hội này phá hỏng, đi nửa vòng Trái đất tới đảm bảo tự do ở khu vực Đông Nam Á, điều mà họ đã không có được tại các khu vực Tây Nam Georgia và Đông Harlem” - Luther King nói tại New York ngày 4/4/1967. |
Tường Linh (theo AP)
Tags