Đất nước đã hòa bình nửa thế kỷ nhưng những kí ức hào hùng một thời lửa đạn vẫn luôn là cảm hứng sáng tạo của nhiều nghệ sỹ. Họ luôn muốn tạo ra tác phẩm nghệ thuật chất lượng như nén tâm nhang tưởng nhớ những người đã hy sinh cho đất nước. Thật đáng mừng là thế hệ trẻ, những người sống trong hòa bình lại luôn đón nhận nhiệt tình hồi ức của cha ông. Đặc biệt có ý nghĩa hơn khi những tác phẩm này cùng "hòa âm" trong ngày toàn dân tộc kỷ niệm chiến thắng 30/4.
Tỏa sáng "Địa đạo - Mặt trời trong bóng tối"
Những ngày đầu tháng 4 lịch sử, cả nước hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), bộ phim Địa đạo - Mặt trời trong bóng tối đã chính thức ra mắt khán giả cả nước. Ngay từ khi bộ phim ra rạp đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả, trong đó có rất nhiều khán giả trẻ. Đặc biệt hơn, phim đạt doanh thu vượt qua nhiều phim thị trường ăn khách khác, tính đến ngày 20/4 đã đạt mốc 150 tỷ đồng, khẳng định sức hút mạnh mẽ của tác phẩm đối với công chúng.
Nhiều người đã rơi nước mắt như sống cùng những khó khăn, gian khổ, đau đớn, khát khao... với các du kích trong địa đạo. Từng nét nhạc, giai điệu trong phim cũng toát lên hiện thực khốc liệt của chiến tranh. Đó là lý do tại sao phim đem lại cảm giác chân thật và ngộp như mọi người đang ở hầm và chiến đấu cùng anh em du kích. Nhiều hình ảnh sống động về bộ phim được chia sẻ tràn ngập trên các trang mạng xã hội với những lời khen ngợi, thể hiện cảm xúc lắng đọng, tri ân sự dũng cảm của cha ông...

Phim Địa Đạo: Mặt trời trong bóng tối là một phần trong chuỗi hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất. Ảnh: ĐPCC/Báo Thanh Niên
Đoàn làm phim vinh hạnh được đón tiếp các cựu du kích Võ Thị Mô, Cao Thị Hương, Lý Thị Tọ, Trần Thị Neo cùng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tô Văn Đực tại buổi chiếu phim đặc biệt tri ân Củ Chi.
Đoàn làm phim đã tới nhiều nơi, giao lưu với khán giả ngay sau buổi chiếu phim ở các vùng miền đất nước. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tô Văn Đực, người được mệnh danh là "Anh hùng mìn gạt" vì những sáng kiến chế tạo mìn tiêu diệt xe tăng địch năm xưa ở vùng đất thép Củ Chi, nguyên mẫu cho nhân vật Tư Đạp (diễn viên Quang Tuấn thủ vai) đã giao lưu cùng khán giả.
Theo ông Tô Văn Đực, bộ phim dù mới chỉ khắc họa được một phần "lát cắt" câu chuyện thực tế hào hùng cũng như một phần hình ảnh của lịch sử, song đã thể hiện được tinh thần chiến đấu chống đế quốc Mỹ của người dân đất thép Củ Chi.
"Sau khi xem lại bộ phim về cuộc chiến đấu của mình và đồng đội, tôi rất xúc động, bởi những ký của một thời đạn bom vẫn luôn thường trực trong tâm trí tôi", ông Tô Văn Đực chia sẻ.
Đại diện Viện Phim Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, Địa Đạo - Mặt trời trong bóng tối là tác phẩm nghệ thuật đầy giá trị, tái hiện lại hình ảnh của những người chiến sĩ và nhân dân đã chiến đấu kiên cường trong các địa đạo - những "mặt trời trong bóng tối". Hình ảnh các chiến sĩ ở trong lòng đất sâu, bền bỉ chiến đấu, vừa phải đối diện với hiểm nguy, vừa phải xây dựng những chiến lược sáng tạo đã trở thành biểu tượng cho tinh thần kiên cường, dũng cảm và trí tuệ của dân tộc Việt Nam. Đây không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là bài học lớn về lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu không mệt mỏi vì lý tưởng, tự do, độc lập của dân tộc. Yếu tố thành công không chỉ đến từ câu chuyện lịch sử hấp dẫn mà còn nằm ở cách kể chuyện điện ảnh hiện đại, có chiều sâu tâm lý, hình ảnh chân thực, tiết tấu kịch tính, âm thanh sống động. Đây chính là yếu tố giúp phim chạm được đến người trẻ - nhóm khán giả tưởng chừng ít quan tâm tới phim lịch sử.

Bộ phim của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên được dự đoán nhanh chóng vượt qua mốc 100 tỉ đồng. Ảnh: ĐPCC/Báo Thanh Niên
Sau khi bộ phim ra đời, Địa đạo Củ Chi - một điểm đến lịch sử ở Thành phố Hồ Chí Minh thu hút ngày càng đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm. Đây cũng là thành quả lan tỏa từ thành công của bộ phim.
Chia sẻ với báo chí, ông Lê Công Năng, Chủ tịch Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần du lịch quốc tế WonderTour cho rằng: Địa đạo - Mặt trời trong bóng tối góp phần tạo ra làn sóng khám phá lịch sử trong cộng đồng, trong đó có giới trẻ. Bộ phim không chỉ góp phần thúc đẩy du lịch tại địa đạo Củ Chi mà còn lan tỏa ra các khu vực lân cận. Những bộ phim đề tài chiến tranh cách mạng đã thổi bùng tinh thần yêu nước, niềm tự hào về lịch sử của dân tộc, giúp khán giả có cái nhìn về bối cảnh lịch sử, tái hiện những câu chuyện hào hùng của dân tộc, gợi mở sự tò mò và khao khát học hỏi.
Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh cũng chia sẻ, Địa đạo - Mặt trời trong bóng tối đã kích thích dòng sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử. Do đó, các đơn vị du lịch có thể xây dựng tour theo dấu phim, kết nối với di tích, bảo tàng, truyền thuyết… khiến trải nghiệm du lịch trở nên giàu cảm xúc và ý nghĩa hơn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, khi nghệ thuật kể chuyện trên màn ảnh kết hợp với nghệ thuật tổ chức hành trình khám phá trong đời thực, điện ảnh sẽ không chỉ dừng lại ở rạp chiếu mà có thể trở thành cánh cửa mở ra một thế giới trải nghiệm sống động cho du khách. Việt Nam hoàn toàn có thể biến du lịch lịch sử thành một mũi nhọn phát triển độc đáo vừa giàu cảm xúc, vừa giàu giá trị nếu các bên hợp tác cùng thống nhất hành động.
Khúc khải hoàn ca
Ca khúc Đất nước trọn niềm vui của nhạc sĩ Hoàng Hà được coi là một trong những tác phẩm hay nhất viết về ngày toàn thắng, non sông thu về một mối. Mỗi khi ca khúc cất lên như có ngọn lửa tự hào trào dâng trong tim mỗi người. Từng từng, từng chữ trong bài hát đều diễn tả được hết tinh thần náo nức, phấn chấn của toàn dân tộc trong thời khắc toàn thắng, Nam Bắc về chung một nhà: "Ta đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ tung bay/Rộn ràng và mê say những bước chân dồn về đây/Sài Gòn ơi vững tin đã bao năm rồi/ Một ngày vui giải phóng…" hay "Hội toàn thắng náo nức đất nước/Ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang/Ta muốn reo vang hát ca muôn đời Việt Nam/Tổ quốc anh hùng".

Nhạc sĩ Hoàng Hà và ca khúc "Đất nước trọn niềm vui". Nguồn: VOV
Bài hát này là sáng tác nổi tiếng của nhạc sỹ Hoàng Hà (1929-2023), tên thật là Hoàng Phi Hồng, còn có bút danh khác là Cẩm La. Ông còn là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng khác như Ánh đèn trên cầu Việt Trì, Tiếng hát ngày thứ bảy Cộng sản, Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn, Hò tải đạn, Cùng hành quân giữa mùa Xuân, giao hưởng hợp xướng Côn Đảo... Sinh thời, nhạc sỹ đã nhiều lần chia sẻ về hoàn cảnh ra đời ca khúc Đất nước trọn niềm vui. Ông từng kể, ông hằng ngày tiếp xúc với thông tin nóng nhất về kháng chiến của dân tộc, nhất là những ngày cuối cùng của cuộc chiến, tin tức chiến thắng liên tiếp chuyển về. Trong ông đã thường trực niềm vui, náo nức trong tâm tưởng. Là một người sáng tác, lại biên tập nhạc, trong ông thôi thúc phải viết một ca khúc về cuộc tổng tiến công thần kỳ của quân và dân ta.
Ông bắt tay viết ca khúc từ đêm 26/4/1975 và bằng dự cảm của người con đất Việt tin tưởng tuyệt đối vào chiến thắng của quân ta, là khát vọng của ông cũng như toàn dân tộc về ngày thống nhất non sông.
Ngay sáng 27/4/2025, ông đem bài hát đến Đài Tiếng nói Việt Nam báo cáo, ê-kíp nhanh chóng phối khí, thu âm. Ca sỹ đầu tiên thể hiện ca khúc này chính là Nghệ sỹ Nhân dân Trung Kiên - người mà nhạc sỹ Hoàng Hà cho rằng "giọng hát của anh đã thực sự chắp cánh cho bài hát của tôi bay lên, hoàn toàn như tôi đã tưởng tượng một ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và đất nước thống nhất"…
Sáng 1/5/1975 bài hát được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam ở Thủ đô Hà Nội cùng với bài Như có Bác trong ngày vui đại thắng của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Bài hát đã được Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lấy làm nhạc hiệu.
Cố Nghệ sỹ Nhân dân Trọng Bằng, Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã từng nhận xét: "Ta muốn bay lên" niềm vui lớn quá làm cho con người như "bay lên" khỏi mặt đất để nhìn tới được nơi đang chiến thắng, nhìn trước được ngày toàn thắng". Dường như nhạc sĩ muốn bay lên để nhìn được đại cảnh chiến thắng mới thỏa lòng.
Sau Nghệ sỹ Nhân dân Trung Kiên, có rất nhiều ca sĩ nổi tiếng đã hát "Đất nước trọn niềm vui", trong đó có Nghệ sỹ Nhân dân Tạ Minh Tâm. Ca khúc này đã theo ông hơn 40 năm sự nghiệp ca hát, gắn liền với ông như "máu thịt"...
Như có Bác trong ngày đại thắng của nhạc sỹ Phạm Tuyên cũng là ca khúc mà người dân đất Việt không chỉ hát vào ngày thống nhất mà trong bất cứ lễ kỷ niệm hay niềm vui chung nào của toàn dân tộc. Đây cũng là ca khúc đi cùng năm tháng, như một bản bản hòa âm cộng hưởng niềm vui...
Vào ngày 30/4/1975, sau bản tin chiến thắng, ca khúc Như có Bác trong ngày đại thắng của nhạc sỹ Phạm Tuyên đã vang lên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Bài hát ngay lập tức đã đi vào lòng hàng triệu trái tim người con đất Việt, được hát vang trên khắp mọi miền Tổ quốc. Chỉ vài ngày sau, cả miền Bắc hầu như ai cũng nghe và biết bài hát này. Trong miền Nam, nhiều người cũng đã thuộc và hát. Sau này, bài hát đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, lan tỏa ở nhiều quốc gia như Nga, Đức, Cuba, Trung Quốc... Năm 1985, tức là 10 năm sau khi bài hát Như có Bác trong ngày đại thắng ra đời, nhạc sỹ Phạm Tuyên vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Nhạc sỹ Phạm Tuyên chia sẻ, bài hát ra đời vào đúng lúc "thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Lời bài ca là tình cảm, tiếng lòng của hàng triệu trái tim người con đất Việt. Nhờ có sự cộng hưởng đó, tác phẩm dù giản dị nhưng vẫn có sức sống lâu bền… Thời gian trôi qua thật nhanh sau ngày 30/4/1975 lịch sử nhưng mỗi lần nghe bài hát của mình vang lên nhạc sỹ Phạm Tuyên vẫn rất cảm động. Ông nói: "Bài hát được công chúng yêu mến, hát nhiều chứng tỏ tác phẩm của mình đã đi vào tình cảm của nhiều thế hệ công chúng, từ các em nhỏ cho đến những người lớn tuổi… Đây là phần thưởng lớn nhất với người sáng tác như tôi".
Tags