50 năm thống nhất đất nước: Chiến dịch Hồ Chí Minh - quyết chiến và toàn thắng

Thứ Hai, 07/04/2025 08:51 GMT+7

Google News

Tròn 50 năm sau thắng lợi vang dội của Chiến dịch Hồ Chí Minh (26 - 30/4/1975), dấu ấn về trận quyết chiến chiến lược làm thay đổi vận mệnh dân tộc vẫn khắc sâu trong lịch sử. 

Đây không chỉ là chiến thắng quân sự mang tầm vóc thời đại, mà còn là biểu tượng của tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Nhìn lại chặng đường hào hùng để tri ân những hy sinh lớn lao, đồng thời khẳng định giá trị trường tồn của chiến thắng - nguồn động lực để dân tộc vững bước trên con đường phát triển và hội nhập.

Thời cơ chín muồi và quyết định lịch sử

Chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh không phải là một thắng lợi bất ngờ mà là kết quả tất yếu của một quá trình chuẩn bị chiến lược, sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng cách mạng và sự suy yếu không thể cứu vãn của đối phương.

Từ cuối năm 1974, thế và lực trên chiến trường đã nghiêng hoàn toàn về phía ta, mở ra thời cơ lịch sử để kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Những thắng lợi liên tiếp từ Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Huế-Đà Nẵng đã làm tan rã hệ thống phòng thủ chiến lược của quân đội Sài Gòn. Trận đánh then chốt tại Buôn Ma Thuột đã tạo ra bước ngoặt quyết định, buộc địch tháo chạy trong hỗn loạn. Tiếp đó, với tốc độ thần tốc, quân ta lần lượt giải phóng các đô thị lớn, tiêu diệt và làm tan rã các lực lượng tinh nhuệ nhất của địch.

50 năm thống nhất đất nước: Chiến dịch Hồ Chí Minh - quyết chiến và toàn thắng - Ảnh 1.

Xe tăng số hiệu 390 (trái) thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn tăng thiết giáp 203, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975. Bức ảnh do nữ phóng viên chiến trường người Pháp Francoise Demulder chụp. Ảnh: Francoise Demulder/TTXVN phát

Đến cuối tháng 3/1975, chính quyền Sài Gòn không còn khả năng kiểm soát tình hình, binh lính suy sụp, các tướng hoang mang, nội bộ rối loạn. Sự khủng hoảng của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu lên đến đỉnh điểm khi họ phải cầu cứu Mỹ nhưng không nhận được sự hỗ trợ đáng kể nào.

Trước tình hình đó, ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp và nhận định: "Về chiến lược, về lực lượng quân sự, chính trị, ta đã có sức mạnh áp đảo, địch đang đứng trước nguy cơ sụp đổ và diệt vong… thời cơ để mở tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn-Gia Định đã chín muồi". Đây là quyết định mang tính chiến lược, thể hiện tầm nhìn nhạy bén và sự quyết đoán của lãnh đạo Đảng và Quân ủy Trung ương.

Với nhận định chính xác, Bộ Chính trị đã quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh, nhắm thẳng vào trung tâm đầu não của địch nhằm kết thúc chiến tranh trong thời gian ngắn nhất có thể.

Ngày 7/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện lệnh khẩn cấp đến toàn quân: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!". Đây không chỉ là một mệnh lệnh quân sự mà còn là lời hiệu triệu khơi dậy ý chí chiến đấu mạnh mẽ trong toàn quân và toàn dân. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, các quân đoàn chủ lực hành quân thần tốc về hướng Sài Gòn với khí thế ngút trời. Các tuyến đường bị địch phá hủy nhanh chóng được công binh và dân công khắc phục, xe tăng và pháo binh tiến về chiến trường với tốc độ chưa từng có. Cả dân tộc bước vào trận chiến cuối cùng với niềm tin tất thắng.

Ngày 14/4/1975, thể theo nguyện vọng của toàn quân, toàn dân, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chính thức đặt tên Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Việc đặt tên chiến dịch theo danh xưng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ mang ý nghĩa tôn vinh vị lãnh tụ vĩ đại mà còn là một lời thề sắt đá rằng đây sẽ là trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, đưa đất nước đến ngày toàn thắng. Do đó, Chiến dịch Hồ Chí Minh không chỉ là một chiến dịch quân sự mà còn là biểu tượng của ý chí thống nhất, lòng yêu nước và khát vọng hòa bình của cả dân tộc.

Trận quyết chiến chiến lược và ngày toàn thắng

Đúng 17 giờ ngày 26/4/1975, quân ta nổ súng tiến công vào Sài Gòn, mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Từ 5 hướng Tây-Bắc, Đông-Bắc, Đông, Đông-Nam, Tây và Tây-Nam, các binh đoàn với xe tăng dẫn đầu đã thọc sâu, đập tan các khu vực phòng thủ vòng ngoài của địch, tiếp cận Sài Gòn. Địch rối loạn hoàn toàn về chiến lược. Từ chiều 28/4, các cánh quân ngụy không còn nhận được lệnh từ Tổng hành dinh và các tướng chỉ huy nữa vì họ đã tháo chạy ra nước ngoài.

50 năm thống nhất đất nước: Chiến dịch Hồ Chí Minh - quyết chiến và toàn thắng - Ảnh 2.

Cờ giải phóng tung bay trên sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30/4/1975. Ảnh: Quang Thành – TTXVN

Đêm 28/4/1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch ra lệnh cho các cánh quân của ta ở 5 hướng tiến công đồng loạt vào Sài Gòn, đồng thời chỉ thị cho các Quân khu 8 và 9 ở đồng bằng Nam Bộ phối hợp tiến công giải phóng đồng bằng Nam Bộ.

5 giờ sáng 29/4/1975, các cánh quân của ta cùng đánh vào các căn cứ phòng ngự của địch để tiến vào nội thành Sài Gòn. Những khẩu hiệu, như "chậm trễ là có tội với lịch sử", "thời cơ là mệnh lệnh" của Bộ Chính trị như tiếp thêm khí thế và động lực cho quân và dân ta. Tất cả các đơn vị bừng bừng tư thế tiến công, quyết đánh và quyết thắng.

Sau hơn 3 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, quân đội ta đã đánh chiếm được nhiều căn cứ, vị trí, đập tan tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, tiêu diệt và làm tan rã phần lớn các sư đoàn 5, 25, 22, 18, 7 của quân địch. Lúc này, cả nước hướng về Sài Gòn-Gia Định. Toàn bộ lực lượng tiến công Sài Gòn đã sẵn sàng. Cán bộ, chiến sĩ sục sôi khí thế quyết thắng. Trên mũ, trên tay áo, trên báng súng, trên nòng pháo, trên thành xe đều ghi lời của Bác Hồ kính yêu: "Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta".

Sáng sớm ngày 30/4/1975, từ khắp các hướng quân đội ta ào ào tiến vào Sài Gòn. Quân ta nhanh chóng chiếm được Bộ tư lệnh không quân và Bộ tư lệnh sư đoàn dù của địch làm chủ sân bay Tân Sơn Nhất. 10 giờ 45 phút cùng ngày, ta tiến đánh vào Dinh Độc lập, bắt sống toàn bộ chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. 11 giờ 30 phút, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc phủ Tổng thống chính quyến Sài Gòn-Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng!

Từ thủ đô Hà Nội đến những bản làng, hải đảo xa xôi đều vang tiếng reo mừng. Cả dân tộc vang khúc khải hoàn "Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng", kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Biểu tượng sáng ngời về sức mạnh và trí tuệ Việt Nam

Chiến dịch Hồ Chí Minh không chỉ đánh dấu sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà còn là biểu tượng rực rỡ nhất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Trong suốt cuộc trường kỳ kháng chiến, quân và dân ta đã thể hiện ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Đó là sự kết tinh của lòng yêu nước cháy bỏng, của bản lĩnh thép được tôi luyện qua nhiều thế hệ.

50 năm thống nhất đất nước: Chiến dịch Hồ Chí Minh - quyết chiến và toàn thắng - Ảnh 3.

Nhân dân thành phố Sài Gòn mít tinh chào mừng Ủy ban Quân quản thành phố ra mắt 7/5/1975. Ảnh: Lâm Hồng Long - TTXVN

Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh là thắng lợi vĩ đại của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân đã đồng lòng, tạo nên một sức mạnh tổng hợp vững chắc. Từ hậu phương miền Bắc đến chiến trường miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, từ các lực lượng vũ trang đến phong trào quần chúng nổi dậy, tất cả đã hội tụ thành một làn sóng cách mạng cuồn cuộn, cuốn trôi toàn bộ hệ thống thống trị của chính quyền Sài Gòn.

Chiến dịch Hồ Chí Minh còn là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đây là chiến dịch có quy mô lớn nhất, tốc độ tiến công nhanh nhất, cường độ chiến đấu mạnh nhất và hiệu suất tiêu diệt địch cao nhất trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nước ta. Nghệ thuật tổ chức lực lượng, triển khai chiến dịch, hiệp đồng quân binh chủng đã được vận dụng một cách tài tình, tạo nên sức mạnh áp đảo, làm tan rã hoàn toàn hệ thống phòng thủ của địch chỉ trong thời gian rất ngắn. Đặc biệt, tư tưởng chỉ đạo "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng" đã tạo nên chiến thắng vang dội, khẳng định tài thao lược của Đảng ta và Bộ Tổng Tư lệnh.

Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh không chỉ có ý nghĩa với Việt Nam mà còn cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Nhân dân các nước thuộc địa đã nhìn vào Việt Nam như một biểu tượng của ý chí quật cường, của khát vọng độc lập, tự do. Chiến thắng của chúng ta đã khẳng định rằng không một thế lực ngoại bang nào có thể khuất phục được một dân tộc đoàn kết, kiên cường và có lòng yêu nước vô bờ bến.

Tròn nửa thế kỷ sau ngày toàn thắng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực. Từ một quốc gia bị tàn phá bởi chiến tranh, Việt Nam đã vươn lên trở thành nền kinh tế năng động, hội nhập sâu rộng với thế giới, giữ vững độc lập, chủ quyền và phát triển bền vững. Những thành quả hôm nay là minh chứng sống động cho tinh thần của Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng con đường phát triển của dân tộc; là động lực để thế hệ hôm nay tiếp tục xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, vững bước trên con đường hội nhập quốc tế.

Minh Duyên/TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›