Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, từ vùng đất từng gánh chịu nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh, Tây Ninh đang từng bước hồi sinh, chuyển mình mạnh mẽ trên hành trình phát triển. Những bước tiến đó không chỉ tạo nền tảng vững chắc cho tương lai, mà còn góp phần đưa địa phương cùng cả nước tự tin bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 3 bài phản ánh sự "hồi sinh" và những bước đi, cách làm trong phát trển kinh tế - xã hội tại vùng đất cách mạng này.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với phương châm xã tự giải phóng xã, huyện tự giải phóng huyện, trong vòng một tuần, từ đêm 24/4/1975 đến ngày 30/4/1975, quân và dân Tây Ninh đã tổng tấn công địch. Các huyện lần lượt được giải phóng. Đúng 11 giờ ngày 30/4/1975, thị xã Tây Ninh (nay là thành phố Tây Ninh) được giải phóng tiến tới giải phóng hoàn toàn tỉnh Tây Ninh. Đây là thành quả cách mạng đầy gian khổ, hy sinh xương máu của biết bao thế hệ, anh hùng, liệt sĩ, quân và dân trong tỉnh để có được ngày hòa bình, độc lập, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.
Ký ức tháng Tư
Tháng Tư lại về, mang theo những rung động khó tả trong lòng những người lính năm xưa nơi mảnh đất Tây Ninh giàu truyền thống cách mạng. Tự hào khi đại diện cho thế hệ trẻ, bạn Lý Thu Hiền, Tỉnh đoàn Tây Ninh, chia sẻ hạnh phúc khi được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, tự do, được học tập và phát triển trong một đất nước không ngừng đổi mới.
Lý Thu Hiền xúc động nhắc đến sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đã chiến đấu kiên cường để giành lại độc lập cho dân tộc: "Hiện nay, thế hệ trẻ đang trưởng thành trong những thử thách mới, dần hình thành bản lĩnh, tinh thần cống hiến, sẵn sàng dấn thân và phụng sự quê hương. Với lòng biết ơn và quyết tâm, tuổi trẻ hôm nay nguyện tiếp bước truyền thống, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới".

Bộ đội về giải phóng Tây Ninh. Ảnh tư liệu
Đã nửa thế kỷ trôi qua kể từ Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhưng những ký ức về một thời đạn bom khốc liệt, những bước chân hành quân trong mưa bom bão đạn, những hy sinh lặng thầm mà cao cả vì độc lập, tự do của Tổ quốc... vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí của những người đã đi qua năm tháng ấy.
Những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, cựu tù kháng chiến - mang trong tim mình những câu chuyện không thể nào quên, những khoảnh khắc sinh tử cận kề, những nỗi đau mất mát không lời... để đổi lấy một ngày đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do.
Ghé thăm căn nhà nhỏ nằm ở phường 2, thành phố Tây Ninh của Đại tá Nguyễn Lương, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 14, ai cũng có cảm giác như được bước ngược về quá khứ.
Đại tá Nguyễn Lương sinh năm 1942, là một trong những nhân chứng lịch sử, trực tiếp tham gia trong trận đánh chủ công vào Tiểu khu Tây Ninh, cùng với các đơn vị khác giải phóng Tây Ninh vào ngày 30/4/1975.
Ngồi trong gian phòng khách đơn sơ, nghe ông kể lại những trận đánh ác liệt, những bước chân hành quân giữa mưa bom đạn lửa, thế hệ hôm nay như chạm vào hơi thở của lịch sử. Mỗi câu chuyện, mỗi kỷ niệm là một lát cắt sống động về tháng Tư năm 1975. Một thời mà từng tấc đất được giữ bằng máu, từng chiến thắng được đánh đổi bằng biết bao hy sinh, thời khắc mà cả dân tộc cùng hướng về một mục tiêu: giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Đại tá Nguyễn Lương nhớ lại, trưa 30/4/1975, đúng 11 giờ, thị xã Tây Ninh được hoàn toàn giải phóng - chỉ 30 phút trước khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Có được kết quả ấy là một quá trình dài của quân và dân Tây Ninh kiên cường tiến lên, không một bước lùi. Từng tấc đất, từng ngả đường đều ghi dấu bước chân người lính - những người không ngại hiểm nguy, xông pha giữa làn đạn để giành lại từng trận địa.
Còn với ông Trần Minh Châu, cựu thanh niên xung phong thuộc đơn vị C2311, Liên đội 5, Hoàng Lê Kha Tây Ninh, mỗi lần nhắc đến những lần cõng thương, tải đạn giữa làn bom đạn xé trời, giọng ông như chùng xuống cùng lời gửi gắm: "Chúng tôi đã sống và chiến đấu bằng tất cả lòng tin và lý tưởng. Thế hệ trẻ bây giờ rất giỏi, rất có điều kiện. Chỉ mong các cháu đừng quên rằng, hòa bình hôm nay là cái giá của máu và nước mắt".
Lặng lẽ nhưng đầy xúc động, bà Phan Thị Nghét (Út Nghét) - đại diện cho 567 người tù kháng chiến ở Tây Ninh tái hiện lại những năm tháng chịu đòn roi, tra tấn của kẻ thù nơi địa ngục trần gian Côn Đảo – nơi mà ý chí, niềm tin và tinh thần yêu nước chưa từng bị khuất phục bởi bạo lực.... Những lời kể, ký ức sống động của các nhân chứng lịch sử không chỉ là lời nhắc nhở về quá khứ hào hùng, mà còn là kỳ vọng và gửi gắm đến thế hệ trẻ hôm nay. Đôi mắt ánh lên niềm tin, bà Út Nghét nhỡ lại: "Chúng tôi đã không khuất phục, vì phía trước là độc lập, là nhân dân, là tương lai của dân tộc".
Thầm lặng xây dựng Tổ quốc
Khi trở về với cuộc sống thanh bình, bằng những cách thức khác nhau, những người lính năm xưa vẫn âm thầm cống hiến cho sự phát triển và phồn vinh của quê hương, đất nước.
Nhắc đến cựu chiến binh vượt khó, làm giàu chính đáng ở địa phương, người dân ấp Hội Thắng, xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu không ai không biết đến ông Trần Nuôi, 71 tuổi. Sinh ra tại tỉnh Quảng Nam, nhập ngũ năm 1974, công tác tại Trung đoàn Quân báo miền Đông Nam Bộ, năm 1980, ông xuất ngũ, trở về địa phương, vừa phát triển kinh tế, vừa tích cực tham gia công tác xã hội.

Trong ảnh: Phóng viên TTXGP tăng gia sản xuất ở rừng Tân Biên, Tây Ninh. Ảnh: TTXGP
Những năm đầu sau khi rời quân ngũ, cuộc sống rất khó khăn, ông phải làm thuê đủ nghề để mưu sinh và phụng dưỡng mẹ già. Nhờ sự kiên trì và chịu khó, ông tích góp vốn, mở rộng sản xuất và hiện sở hữu 58 ha đất nông nghiệp với 35 ha cao su, 15 ha mía và 8 ha mãng cầu, thu lợi hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Ông còn tạo việc làm ổn định cho 31 lao động địa phương, trong đó có 5 cựu chiến binh và 3 cựu quân nhân.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn giàu lòng nhân ái. Giai đoạn 2019 - 2024, ông đã đóng góp hơn 450 triệu đồng cho các hoạt động xã hội như xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ học sinh nghèo, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam và xây dựng nông thôn mới. Với những đóng góp tích cực, ông vinh dự nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Còn với ông Nguyễn Công Trung (61 tuổi), cựu chiến binh quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, trở lại thời bình là thời điểm để vun đắp tình cảm, trách nhiệm với đồng đội. Hiện ông Trung là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, và thành viên Ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn. Suốt hơn 30 năm gắn bó với công tác xã hội và từ thiện, ông Nguyễn Công Trung đã sử dụng hơn 10 tỷ đồng từ tiền quyên góp và tài sản cá nhân để xây dựng hàng chục căn nhà tình nghĩa, trao tặng hàng ngàn suất học bổng cho học sinh nghèo, và hỗ trợ hàng trăm cựu chiến binh đang gặp khó khăn.
Ông Trung tâm sự, ông may mắn được giao trọng trách làm công tác tri ân liệt sĩ, chăm lo đồng đội thông qua việc phụ trách Câu lạc bộ Trái tim người lính Phương Nam. Bởi, đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là tình cảm, là trách nhiệm thiêng liêng của một người lính từng đi qua chiến tranh. Đặc biệt, ông cũng nhận đỡ đầu các em lưu học sinh Campuchia đang du học tại Việt Nam. Theo ông Nguyễn Công Trung, đây là sợi dây kết nối nhằm vun đắp cho tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia luôn phát triển gắn bó, keo sơn.
Ông Đỗ Văn Thu, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Tây Ninh, chia sẻ đầy xúc động, dù trở về với cuộc sống thời bình, nhưng những cựu chiến binh vẫn tiếp tục phát huy phẩm chất cao đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ". Họ không chỉ sống gương mẫu, trách nhiệm, mà còn tích cực hỗ trợ đồng đội gặp khó khăn, chung tay phát triển kinh tế địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ngày càng khởi sắc.
Ông Thu nhấn mạnh, điều đáng trân quý hơn cả là những cựu chiến binh cũng chính là những "nhân chứng sống" của lịch sử, là những người đang từng ngày truyền dạy tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam cho thế hệ trẻ hôm nay.
Bài 2: Nửa thế kỷ hồi sinh vùng đất thép
Tags