Trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tây Ninh đang mở ra một giai đoạn phát triển đầy hứa hẹn. Một Tây Ninh xanh, hiện đại, đáng sống, trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của khu vực và quốc gia. Chính sách thu hút đầu tư, gỡ khó cho doanh nghiệp, triển khai các chính sách ưu đãi đang tạo ra một làn sóng chuyển biến mạnh mẽ cho địa phương trong thời kỳ mới.
Điểm đến của nhà đầu tư
Song song với quá trình đô thị hóa, Tây Ninh đang tập trung triển khai các chiến lược thu hút đầu tư với tư duy dài hạn và tầm nhìn hiện đại. Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã mở ra không gian phát triển mới, đưa tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh lên hơn 50%. Các dự án chỉnh trang đô thị, cải tạo hạ tầng và nhà ở xã hội đang góp phần thay đổi diện mạo đô thị từng ngày, tạo nền tảng vững chắc cho thu hút đầu tư.
Đặc biệt, Tây Ninh sở hữu thế mạnh đặc thù nhờ vị trí địa lý chiến lược, đóng vai trò là cầu nối trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh tiếp giáp trực tiếp với Thành phố Hồ Chí Minh – trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước và có cửa khẩu quốc tế Mộc Bài – tuyến giao thương trọng điểm nối Việt Nam với Campuchia và các nước ASEAN. Vị trí này mang đến lợi thế lớn cho phát triển công nghiệp, logistics, thương mại dịch vụ và biến Tây Ninh thành điểm trung chuyển quốc tế tiềm năng.

Trung tâm thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Giang Phương - TTXVN
Ngoài ra, chính sách thu hút đầu tư của Tây Ninh thể hiện sự cởi mở và chủ động. Tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, triển khai nhiều ưu đãi về thuế, đất đai, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo dựng môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng. Tây Ninh đặc biệt tập trung thu hút đầu tư vào công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao, từng bước định hình nền kinh tế hiện đại, xanh và bền vững. Hàng loạt dự án lớn của các tập đoàn trong và ngoài nước đã chọn Tây Ninh làm điểm đến đầu tư chiến lược.
Trong số đó, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn là một những đơn vị đầu tư hàng đầu vào Tây Ninh trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Đơn vị này đã và đang triển khai chuỗi tổ hợp Khu nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh, với 12 dự án và tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng. Các dự án gồm hệ thống trang trại sản xuất con giống, trang trại gà thịt xuất khẩu và nhà máy chế biến thực phẩm, đang tạo ra bước đột phá trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế tuần hoàn và bền vững tại địa phương.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hùng Nhơn, chia sẻ, quyết định đầu tư vào Tây Ninh bắt nguồn từ sự đồng hành quyết liệt, hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo tỉnh. Ông nhấn mạnh, toàn bộ dự án tại Tây Ninh đều áp dụng 100% công nghệ cao theo tiêu chuẩn quốc tế của Hà Lan, Đức, Bỉ, góp phần đưa Tây Ninh trở thành địa phương làm nông nghiệp hiện đại bậc nhất khu vực.
Ông Johan Van Den Ban, Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus Việt Nam và Châu Á, cũng đánh giá cao tiềm năng phát triển của Tây Ninh. Theo ông, việc đầu tư không chỉ nhằm xây dựng hệ thống trang trại hiện đại mà còn hướng đến giảm phát thải, bảo vệ môi trường và thúc đẩy sản xuất tuần hoàn. Với vị thế, tiềm năng và sự cam kết mạnh mẽ về cải thiện hạ tầng, công nghệ và nguồn nhân lực, ông Johan Van Den Ban tin tưởng Tây Ninh sẽ trở thành “vùng đất vàng” của ngành nông nghiệp Việt Nam trong tương lai.

Hơn 100.000 cây hoa tulip trưng bày thành nhiều đợt tại đỉnh núi Bà Đen. Ảnh: Thanh Tân - TTXVN
Động lực và cơ hội mới
Hạ tầng giao thông tại Tây Ninh đang được đầu tư đồng bộ, đặc biệt là tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài cùng hệ thống giao thông liên kết vùng Đông Nam Bộ, giúp rút ngắn khoảng cách, tăng kết nối và gia tăng sức hút đầu tư. Các cảng cạn, trung tâm logistics và vành đai giao thông quốc gia đang dần hình thành, đưa Tây Ninh trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, dịch vụ hậu cần khu vực phía Nam, đồng thời tạo cơ hội lớn cho các ngành thương mại – dịch vụ bứt phá.
Song song với đó, Tây Ninh chú trọng chuyển đổi số, phát triển các mô hình đô thị thông minh, thành phố sinh thái, trung tâm dịch vụ tài chính – công nghệ, tạo ra diện mạo mới, thúc đẩy nhanh chóng các ngành dịch vụ, tài chính, thương mại và du lịch.
Trong lĩnh vực du lịch, Tây Ninh phát triển theo hướng bền vững, gắn bảo tồn giá trị văn hóa – lịch sử với khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, tâm linh. Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trở thành biểu tượng mới, dẫn dắt sự bứt phá mạnh mẽ của ngành du lịch địa phương. Ba năm liên tiếp (2022–2024), núi Bà Đen lọt top 5 địa điểm có lượng khách tham quan cao nhất Việt Nam. Doanh thu từ du lịch giai đoạn 2021–2025 ước đạt hơn 9.200 tỷ đồng, lượng du khách đạt trên 5 triệu lượt khách/năm.

Phối cảnh cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Ảnh: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM
Bà Đào Thị Việt, Phó Giám đốc Sun World Ba Den Mountain, cho biết, để góp phần phát triển du lịch tỉnh, Sun World Ba Den Mountain đã và đang đầu tư mạnh mẽ, xây dựng Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trở thành điểm đến đặc sắc, đẳng cấp quốc tế. Bên cạnh các công trình văn hóa tâm linh quy mô khu vực, khu du lịch còn tổ chức nhiều sự kiện văn hóa tâm linh tầm vóc quốc tế, đồng thời tiếp tục mở rộng loại hình vui chơi giải trí, du lịch sinh thái nhằm phát triển du lịch bền vững và đưa Tây Ninh thành điểm đến hàng đầu Nam Bộ.
Với những bước đi quyết liệt trong thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng và đô thị thông minh, Tây Ninh đang dần trở thành một nơi đáng sống – biểu tượng cho sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Hồng Thanh, nhấn mạnh: "Tây Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt từ 10% trở lên. Đây không chỉ là một con số, mà còn thể hiện khát vọng đổi mới toàn diện để đưa Tây Ninh trở thành trung tâm phát triển năng động, bền vững ở cửa ngõ Tây Nam"
Cùng với chính sách ưu đãi đầu tư và sự đồng hành quyết liệt của chính quyền, Tây Ninh đang tiến gần hơn đến mục tiêu xây dựng một cộng đồng thịnh vượng, môi trường sống hiện đại, xanh sạch và phát triển bền vững.
Trong thời gian tới, Tây Ninh đứng trước cơ hội bứt phá mạnh mẽ khi mở rộng không gian phát triển trên cơ sở hợp nhất với tỉnh Long An. Theo đề án vừa được thống nhất, tỉnh Tây Ninh (mới) sẽ có diện tích tự nhiên 8.536,5 km², dân số hơn 3,28 triệu người với 96 đơn vị hành chính cấp xã. Trung tâm chính trị – hành chính đặt tại thành phố Tân An, tạo thuận lợi cho việc kết nối và điều hành toàn tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh, ông Nguyễn Mạnh Hùng, khẳng định: Việc hợp nhất là bước đi chiến lược nhằm khai phóng tiềm năng, tập trung nguồn lực tài chính, nhân sự, cơ sở vật chất, mở rộng quy mô kinh tế, nâng tầm nền nông nghiệp toàn diện, đồng thời tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng dịch vụ công và đời sống người dân.
Bên cạnh đó, Tây Ninh (mới) sẽ chú trọng củng cố nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân thông qua tổ chức lại bộ máy lực lượng vũ trang hiện đại, hiệu quả. Với tầm vóc mới, Tây Ninh không chỉ mở rộng không gian phát triển mà còn sẵn sàng vươn mình trở thành cực tăng trưởng năng động, hiện đại, tạo dấu ấn mạnh mẽ trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tags