(Thethaovanhoa.vn) - Bất ngờ đứng vị trí thứ 3 trong Top 10 bảng xếp hạng âm nhạc nhac.vn tuần 40 (từ 4 đến 10/10) và tiếp tục có tên trong Top 10 (vị trí thứ 10) ở tuần 41 liên tiếp sau đó, Ngày em hai mươi tuổi của nhạc sĩ Phạm Duy qua phần thể hiện của danh ca Giao Linh đã cho thấy một góc nhìn khác về cách nghe nhạc trên các BXH âm nhạc hiện nay.
Rõ ràng, một bản nhạc đã được ca sĩ thu thanh và phát hành từ cách nay hàng thập kỷ nhưng lọt vào Top 10 BXH nhạc Việt đại chúng đình đám hiện nay là một điều đầy thú vị.
“Di biến động”... nghe!
Thông thường, gần như Top 10 các BXH âm nhạc đại chúng hiện nay là cuộc chơi riêng của những bản nhạc dành cho giới trẻ. Đi cùng với đó là những gương mặt còn rất trẻ. Không chỉ có vậy, ca khúc xuất hiện thường mang những yếu tố phù hợp với “gu” của giới trẻ hiện nay, và vì thế có rất nhiều điểm khác so với cách nghe nhạc thông thường. Trong khi đó, nhạc trẻ đương đại cũng có những điểm chung nào đó, chí ít là nét tương đồng về màu sắc, nhịp điệu; hoặc có điểm dễ thấy: Thay vì chắt chiu từng ca từ trong toàn bộ tác phẩm thì thường chú trọng vào một câu nhạc “bắt tai” có thể tạo trend...
Đặc biệt hơn, dường như các BXH âm nhạc này không có chỗ cho các ca sĩ theo dòng nghệ thuật, ngoài nhạc theo “gu” giới trẻ, kể cả những giọng ca có “thương hiệu” được công chúng yêu quý dành cho những danh hiệu diva, divo... Cũng tương tự như vậy, các BXH gần như không có chỗ cho ca khúc thuộc các dòng hoặc thời kỳ sáng tác khác.
Nhưng 2 tuần qua xuất hiện một hiện tượng lạ (!): Những ca khúc đã... rất xưa so với mặt bằng chung của các BXH âm nhạc đại chúng hiện nay xuất hiện ở 1 trong 2 BXH được coi là đình đám nhất hiện nay là nhac.vn.
Tuổi 20 xưa
Trên tờ nhạc bướm, một loại xuất bản phẩm với một bản nhạc duy nhất, rất phổ biến ở giữa thế kỷ 20, Ngày em hai mươi tuổi xuất bản ngày 20/12/1963 được viết trên giọng Đô thứ với nhịp độ “không nhanh lắm”. Nếu như trong sáng tác ca khúc thường cấu trúc 2 đoạn được các nhạc sĩ khai thác nhiều nhất thì Phạm Duy chọn hình thức 3 đoạn để sáng tác Ngày em hai mươi tuổi. Đoạn đầu là phần trình bày với tính chất trữ tình, dàn trải được mở đầu bằng những lời ca: “Ngày em hai mươi tuổi/ Tay cắt mái tóc thề/ Giã từ niềm vui nhé/ Buồn ơi, hãy chào mi”. Đoạn này còn được tiếp tục với một câu nhạc thứ 2 có độ dài tương đương câu nhạc vừa rồi.
Đoạn 2, tức điệp khúc mở ra bằng một giai điệu vút lên, mênh mang với ca từ: “Ôi! Đã thoáng qua tuổi thơ/ Khi suốt đêm hồn ngơ/ Nghe trái tim ngủ mơ”... Theo cách nói của giới trẻ hiện nay, đây là câu nhạc bắt tai nhất ca khúc. Nhưng nếu nói về câu để người nghe nhớ mãi phải là “Ngày em hai mươi tuổi” được lặp lại ở đầu mỗi câu nhạc trong đoạn nhạc thứ nhất và đoạn thứ 3. Đoạn 3, là sự tái hiện của đoạn nhạc thứ nhất, ca từ “Ngày em hai mươi tuổi” được nhắc lại sau đó mới tiếp tục: “Tay níu chân cuộc đời/ Cho ngừng lời giăng giối/ Thời gian cũng đừng trôi”...
Khen Phạm Duy sáng tác nhạc hay thì thừa, bởi ông là 1 trong những tên tuổi lẫy lừng, một cây đại thụ của nền âm nhạc mới. Khen Phạm Duy sáng tác ca từ hay cũng thừa, bởi có thể ví ông là một nhà ngôn ngữ học, một kho tàng văn học cổ điển cũng như dân gian vận dụng sáng tạo trong các tác phẩm của mình. Nhưng rõ ràng, với Ngày em hai mươi tuổi, những giai điệu rất đơn giản, đẹp, trữ tình, lãng mạn ở phần đầu kết hợp với giai điệu bay bổng mênh mang ở điệp cho thấy sự xử lý tài tình trong cả giai điệu và ca từ.
Trong khi đó, nếu tách riêng phần ca từ sẽ tựa như một bài thơ, với các câu thơ đều đặn 5 từ lặp đi lặp lại kèm theo “biến thể”, đó là sự xuất hiện thêm chữ “Ôi!” mở đầu mỗi câu nhạc ở đoạn điệp khúc. Việc triển khai những lời ca theo đặc điểm trên tạo cho ca khúc tính bình ổn, tạo nên những giai điệu và lời ca dễ nhớ, tạo sự gần gũi với người nghe.
Phạm Duy hoàn thành ca khúc khoảng năm 1961, tức là đã cách ngày nay 60 năm. Vậy tuổi 20 giữa thế kỷ 20 giống và khác gì so với ngày nay? Có lẽ giống ở sự bất biến của lứa tuổi 20, tuổi đẹp nhất của một đời người, tuổi mà con người ta tạm thời phải gác lại những mộng mơ học trò để bước sang “cõi” mộng mơ khác không còn hồn nhiên vô tư. Có lạ chăng chỉ là đoạn ca từ “Tay cắt mái tóc thề”, đó có thể là một mốt tóc của những cô gái tuổi teen xưa, cũng có thể như lời đoạn tuyệt với tuổi hồn nhiên để bước sang giai đoạn mới vẫn là niềm yêu nhưng chất chứa những ưu tư.
Nghe Thanh Thúy hát "Ngày em hai mươi tuổi":
Một bản nhạc “lạ”
Nếu nhấp nghe cả 10 bài trong Top 10 BXH nhac.vn tuần 41 vừa qua, sẽ thấy Ngày em hai mươi tuổi của Giao Linh khác hoàn toàn với 9 “đối thủ” còn lại. Chủ yếu trong Top 10 là những bản thu âm với hơi thở âm nhạc mới, với lối thu âm cũng như cách phối khí, thể hiện giọng hát đã có sự can thiệp sâu của kỹ thuật, của những kỹ xảo âm thanh trong sản xuất âm nhạc thời nay.
Vậy nhưng, bản thu âm Ngày em hai mươi tuổi với giọng hát của Giao Linh có lẽ được thực hiện từ những năm thập niên 1970, với lối thu theo đúng kiểu analog xưa kia, chắc có lẽ khi thu sẽ thực hiện một mạch từ đầu chí cuối, không có cắt ghép, không có nối từng đoạn. Dàn nhạc cũng là những âm thanh thật, chưa có sự tham gia của nhạc cụ điện tử hiện đại. Lối hát cũng mộc mạc, chân phương. Thậm chí âm thanh có vẻ như đã có những biến đổi so với bản gốc thu âm do cách thu, quá trình sử dụng và việc xử lý sau mỗi lần được chuyển đổi từ bản thu gốc.
Tôi hình dung quá trình từ bản gốc tới bản lọt Top 10 nhac.vn đã trải qua từ băng cối, đĩa than, cassette đến đĩa CD rồi số hóa. Quá trình dịch chuyển này có thể kéo dài tới trên nửa thế kỷ cùng với sự thay đổi của phương tiện phục vụ cũng như cách nghe của người yêu nhạc. Nói tóm lại đây là một bản nhạc đã được ca sĩ thu thanh và phát hành từ cách nay hàng thập kỷ nhưng đã lọt vào Top 10 BXH nhạc Việt đại chúng đình đám hiện nay.
"Ngày em hai mươi tuổi" qua giọng hát của ca sĩ Giao Linh:
Một sự lạ nữa, bên cạnh giọng hát Giao Linh còn nhiều danh ca khác từng thể hiện Ngày em hai mươi tuổi. Vẫn trên tờ nhạc bướm xuất bản năm 1963, ở bìa chính có in tấm hình người phụ nữ đẹp và ở phía dưới có chú thích “Cô Thanh Thúy”. Ngoài nữ danh ca Thanh Thúy, còn nhiều danh ca như Hoàng Oanh, Hương Lan... cũng đã thể hiện và đều ghi dấu ấn trong lòng công chúng. Lạ ở đây là những danh ca hàng đầu của dòng nhạc trước gọi là nhạc vàng đã thể hiện ca khúc này. Có lẽ Ngày em hai mươi tuổi là 1 trong số ít ca khúc của Phạm Duy được coi là thuộc dòng nhạc vàng phổ thông, theo cách gọi ngày nay nó có thể nằm trong dòng nhạc bolero.
Ca khúc hay, giọng hát hay, bản thu âm quen. Nhưng tại sao chính bản này đã xuất hiện từ lâu trên các trang nhạc mạng mà tới bây giờ mới lại được nghe thật nhiều, thậm chí lọt Top BXH nhạc Việt cạnh tranh với các bản nhạc hit của giới trẻ hiện nay?
- Ca sĩ Giao Linh hoãn chạy show để tái ngộ 'đàn em' Tuấn Vũ
- Nữ ca sĩ Giao Linh hội ngộ trong đêm “Tứ Linh”
Bên cạnh tất cả những yếu tố đã chia sẻ trong bài viết, có lẽ còn bởi chính những khán giả, trong đó có một lượng không nhỏ khán giả trẻ đã biết về sự mất mát lớn của danh ca Giao Linh khi người bạn đời, người luôn đồng hành sát cánh cùng bà trên mọi nẻo đường những năm qua vừa mới qua đời ở lứa tuổi 80. Sự chia sẻ của giới nghệ sĩ về tình cảm và sự yêu mến dành cho người chồng quá cố của danh ca Giao Linh, cũng như sự lan tỏa của truyền thông báo chí về mất mát này, cũng góp phần đưa những thông tin liên quan đến với đông đảo khán giả. Và việc họ tìm nghe Giao Linh cũng tựa như sự chia sẻ với nữ danh ca?!
Trường hợp Ngày em hai mươi tuổi này cho thấy giá trị nghệ thuật đích thực sẽ còn tồn tại, người nghe dù có quan tâm đến cái mới nhưng những tác phẩm cũ vẫn luôn có một vị trí. Rõ ràng, nhạc Việt ngày nay bên cạnh dòng chảy của thời đại với sự bùng nổ của giới trẻ vẫn có những lối đi riêng ẩn chứa những bất ngờ và ngập tràn tình cảm giữa người nghệ sĩ (tác giả/ca sĩ) với công chúng.
Thật khó khi phải "cho điểm" một tác phẩm như thế này, nhưng ở đây tôi muốn đánh giá bản thu 60 năm trước trong cách nghe hiện đại, vì đây là 1 trong những phần không thể thiếu của bài viết trong chuyên mục này. Và vì vậy, xin được ghi nhận ở điểm số 8,5.
Điểm: 8,5/10 |
Nguyễn Quang Long
Tags