Cách đây 65 năm, ngày 17/5/1958, ngôi nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày sinh nhật Bác.
Đây là nơi ở và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, là di sản lịch sử-văn hóa đặc biệt của dân tộc, nơi thể hiện nhân sinh quan của Người. Chính những năm ở đây, Bác đã đề ra đường lối chiến thuật, chiến lược, đảm bảo đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Nhà sàn Bác Hồ - biểu tượng phong cách Hồ Chí Minh
Tháng 10/1954, sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Bác Hồ từ chiến khu trở về thủ đô. Với mong muốn đảm bảo điều kiện làm việc tốt nhất cho Người trên cương vị là người đứng đầu đất nước và đáp ứng được những nghi lễ ngoại giao khi đón tiếp khách trong nước và quốc tế, Bộ Chính trị cùng Trung ương Đảng đã trân trọng mời Bác về ở và làm việc trong tòa nhà vốn là Phủ toàn quyền Đông Dương nhưng Bác từ chối. Cuối tháng 12/1954, Bác quyết định về ở trong ngôi nhà của người thợ điện phục vụ cho Phủ Toàn quyền phía góc vườn.
Trong 4 năm Bác sống và làm việc tại ngôi nhà của người phục vụ cho Phủ toàn quyền Đông Dương, nhiều lần Trung ương Đảng đề nghị làm cho Bác ngôi nhà mới để ở và làm việc tốt hơn, nhưng Bác đều từ chối vì miền Bắc vừa được giải phóng còn nhiều khó khăn, trong khi miền Nam đang tập trung đấu tranh chống đế quốc Mỹ.
Mãi đến tháng 3/1958, trong chuyến thăm huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, thấy đời sống nhân dân được nâng lên, đồng bào đã có thêm nhiều nếp nhà mới, Bác rất vui và nói rằng muốn làm một ngôi nhà nhỏ bên cạnh ao cá theo kiểu của đồng bào Việt Bắc. Sau đó, Bác mời kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh đến để nói về thiết kế ngôi nhà sàn: "Nhà làm nhỏ, chỉ vừa đủ cho 1 người ở, gỗ làm nhà bằng gỗ thường, tầng dưới để thoáng, tầng trên có 2 phòng nhỏ, cầu thang làm rộng để hai người cùng lên một lúc, hành lang làm rộng để có thể ngồi đọc sách và tiện cho sinh hoạt". Bác còn đề nghị xây một bệ xi măng thấp, bên trên lát gỗ, tạo thành hàng ghế ngồi xung quanh căn phòng ở tầng 1, để các cháu khi đến thăm Bác có đủ chỗ ngồi. Bác còn cho nuôi một bể cá vàng để các cháu vui.
Theo ý nguyện của Bác, ngày 15/4/1958, ngôi nhà sàn được khởi công xây dựng. Ngôi nhà sàn được xây dựng trên khu đất phía sau tòa nhà Phủ Chủ tịch, bên cạnh ao cá, giữa một khu vườn cây xanh mát. Ngôi nhà được làm giống như nhà sàn Bác đã làm việc ở chiến khu Việt Bắc: nhỏ gọn, mộc mạc và bình dị. Nhà được xây dựng bằng loại gỗ thông dụng, lợp mái ngói, xung quanh treo mành. Đặc biệt, quanh nhà sàn được trồng rất nhiều hoa, cây ăn quả và cây bóng mát, như: nhài, ngâu, dạ lan, mẫu đơn, phượng vĩ, cam, bưởi, chuối, dừa, vú sữa, trường xanh, bụt mọc, xoài... gợi nhớ khung cảnh làng quê nơi Người đã sống những ngày thơ ấu.
Nhà sàn có 2 tầng với ba phòng nhỏ. Phòng làm việc ở tầng một là nơi Bác thường làm việc với Bộ Chính trị, gặp cán bộ đầu ngành đến báo cáo công việc và là nơi Bác tiếp thân mật một số đoàn khách trong nước và nước ngoài. Tầng trên có hai phòng nhỏ, là nơi làm việc và nghỉ ngơi của Bác. Mỗi phòng rộng khoảng 10 m2, đủ chỗ để kê một chiếc giường, một chiếc bàn, cái ghế, tủ quần áo và giá sách; với những đồ dùng thật đơn sơ, giản dị là tấm chăn đơn, chiếc chiếu cói, cây quạt cọ và máy chữ. Trong phòng làm việc của Bác, nổi bật nhất là giá sách với hàng trăm cuốn sách, gồm các chủ đề chính trị, kinh tế, xã hội, lịch sử, văn học nghệ thuật được viết bằng nhiều thứ tiếng, trong đó rất nhiều cuốn sách có bút tích của các tác giả kính tặng Bác. Những đồ vật giản dị này được nhà thơ Tố Hữu khắc họa trong trường ca "Theo chân Bác":
"Nhà gác đơn sơ một góc vườn
Gỗ thường mộc mạc chẳng mùi sơn
Giường mây chiếu cói, đơn chăn gối
Tủ nhỏ, vừa treo mấy áo sờn…"
Sau hơn 1 tháng xây dựng, ngày 17/5/1958, ngôi nhà sàn hoàn thành. Từ đó, Bác chuyển về ở và làm việc tại ngôi nhà này trong 11 năm (từ tháng 5/1958 đến tháng 9/1969). Sau giờ làm việc, Bác thường chăm sóc cây trong vườn, cá dưới ao. Hài hòa với khung cảnh thiên nhiên, khác biệt với các công trình kiến trúc đồ sộ, bề thế, nhà sàn của Bác tại Phủ Chủ tịch trở nên hết sức gần gũi và quen thuộc với mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là với đồng bào vùng núi phía Bắc.
Có thể thấy, việc Bác chọn ngôi nhà gỗ nhỏ bé, giản đơn, khi đã là nguyên thủ quốc gia là biểu tượng sinh động cho phong cách sống của một con người thanh tao, khiêm tốn, bình dị đạt đến độ mẫu mực và cảm hóa được tình cảm của con người. Bởi Người "chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do. Đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc ai cũng được học hành. Riêng về phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa… không dính líu gì với vòng danh lợi".
Vĩ đại trong sự giản dị
Ngôi nhà sàn giản dị nằm giữa thủ đô Hà Nội đã trở thành nơi Bác sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Nơi đây đã chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử trọng đại, có ý nghĩa lớn trong những thời điểm cuối trong cuộc đời cách mạng của Bác. "Dưới mái nhà này, Bác Hồ của chúng ta nhiều đêm không ngủ, nghĩ về cách mạng miền Nam, nghĩ về chủ nghĩa xã hội miền Bắc, và nghĩ về vấn đề đoàn kết quốc tế. Chính những năm ở đây, Bác Hồ đã từng đề ra đường lối chiến thuật, chiến lược, đảm bảo đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác" (Trường Chinh).
Hay như Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: Cuộc đời của Bác Hồ vô vàn điều giản dị, nhưng Nhà sàn nơi Bác ở và làm việc là điều giản dị nhất, nó trở nên kì diệu hơn, hấp dẫn hơn. Thanh cao Hồ Chí Minh là như vậy, "nâng niu tất cả chỉ quên mình". Bởi phong cách sống thanh cao, nên Bác tự rèn luyện cho mình một lối sống giản dị, giản dị đến hồn nhiên, an nhiên, tự tại, luôn vui vẻ lạc quan, để động viên, an ủi, cổ vũ chúng ta.
Nơi đây, Bác Hồ đã chuẩn bị cho chúng ta con đường đi tới ấm no, điều đó Người đã chỉ rõ trong tác phẩm "Con đường phía trước" viết năm 1960: "Đời sống nhân dân chỉ có thể thật dồi dào khi chúng ta dùng máy móc để sản xuất một cách thật rộng rãi. Máy sẽ chắp thêm tay cho người, làm cho sức người tăng lên gấp trăm, ngàn lần và giúp người làm ra máy, ra gang thép, than dầu. Đó là con đường phải đi của chúng ta, con đường công nghiệp hoá nước nhà, là con đường ấm no thật sự của nhân dân".
Tại ngôi nhà sàn này, vào những năm đế quốc Mỹ leo thang đánh phá ác liệt miền Bắc, ngày 17/7/1966, Bác Hồ đã ngồi viết lời kêu gọi đồng bào quyết tâm đấu tranh chống đế quốc Mỹ: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do".
Cũng tại nơi đây, từ năm 1965 đến năm 1969, Bác đã dành thời gian viết bản Di chúc lịch sử để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng. Chỉ với hơn 1.000 từ vô cùng ngắn gọn, Di chúc của Người đã truyền cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, ý chí quyết tâm sắt đá, thể hiện niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh vĩ đại của dân tộc, sức mạnh của chính nghĩa, của chân lý không có gì quý hơn độc lập, tự do; sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Và cũng ở nơi này, vào ngày 2/9/1969, Người đã vĩnh biệt chúng ta đi về thế giới người hiền, để lại cho Đảng ta, dân tộc ta một bản Di chúc lịch sử, gửi gắm trong đó những lời căn dặn thiết tha, cùng những khát khao cháy bỏng của Người.
Ngày nay, ngôi nhà sản nằm trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã trở thành "địa chỉ đỏ", nơi hội tụ tình cảm của nhân dân Việt Nam và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Nơi đây đã đón hàng chục triệu lượt khách tham quan, trong đó có hơn 100 đoàn nguyên thủ quốc gia và hàng trăm nghìn lượt du khách quốc tế đến từ hơn 160 quốc gia trên thế giới. Không một ai đến thăm nơi ở của Bác mà không trào dâng cảm xúc thành kính và ngưỡng mộ về một nhân cách văn hóa lớn đã trở thành huyền thoại ngay trong cuộc sống đời thường.
Tổng thống Nga V.Putin khi đến thăm nhà sàn đã xúc động viết rằng: Tôi thành thật được làm quen với cuộc sống người thầy vĩ đại của nhân dân Việt Nam - Một người mà tên tuổi đã lưu lại trong lịch sử thế giới.
Với những gì đã "chứng kiến", những gì đang được lưu giữ và trưng bày tại Di tích nhà sàn, nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là di sản về cuộc sống sinh hoạt của Người trong những năm tháng sống cuối đời, mà còn thể hiện tư tưởng, đạo đức và những phẩm chất cách mạng của một con người hết lòng vì sự nghiệp cách mạng dân tộc, vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân, vì tình hữu nghị, hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết: "Bác để tình thương cho chúng con/ Một đời thanh bạch chẳng vàng son/ Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn".
Tags