66 năm ra đời, sân Hàng Đẫy thuộc đội bóng nào?

Thứ Tư, 13/03/2024 07:09 GMT+7

Google News

Sân vận động Hàng Đẫy, một địa chỉ đỏ gắn liền với sự hình thành và phát triển của thể thao hiện đại nói chung và bóng đá nói riêng tại Hà Nội lẫn cả nước. Được xây dựng lần đầu vào năm 1937 dưới cái tên ban đầu là SEPTO và xây mới vào năm 1958 với tên gọi Hàng Đẫy, sân đấu này đã chứng kiến mọi thăng trầm của bóng đá phía Bắc cũng như những bước đi đầu tiên của bóng đá Việt thời mới trở lại với đấu trường quốc tế...

Vậy nên, qua 66 năm, để trở lời câu hỏi: Sân Hàng Đẫy thuộc đội bóng nào? Thật chẳng dễ!

Công trình của niềm tin thống nhất

Theo những tài liệu vũ, với bãi đất rộng khoảng 3ha nằm giữa làng Bích Câu và phố Hàng Đẫy cũ thuộc sở hữu của Trường Thể dục Hà Nội (Société d' Education Physique - EDEP) sau này đổi thành Hội Thể dục Bắc Kỳ (Société d' Education Physique du Tonkin - SEPTO)- sân Hàng Đẫy cũ được xây dựng vào năm 1937 với diện tích là 19.738m2.  Mặt sân lúc đó gồ ghề, nước mưa ứ đọng, khán đài chỉ vỏn vẹn 252m2 với 6 bậc chứa 400 chỗ ngồi, không có nơi ăn ở, vệ sinh cho cầu thủ, VĐV.

Sau Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), do yêu cầu tăng cường sức khoẻ cho nhân dân và phát triển phong trào TDTT và sau ngày thành tái lập Ban TDTT Trung ương, Chính phủ đã cho xây lại sân Hàng Đẫy với chủ trương "Đẹp, tốt, rộng, đúng quy cách hiện đại".

Khởi công vào ngày 16/2/1957 và hoàn thành vào ngày 24/8/1958, một tiến độ thi công được xem là cực kỳ tốc độ vào thời bấy giờ, SVĐ mới có diện tích 21.844m2, bao bọc bởi tường cao có 14 cửa nhỏ và 3 cửa lớn, chính giữa là sân bóng đá, xung quanh có đường chạy điền kinh, có sân bóng chuyền, bóng rổ... Khán đài xây theo hình lòng chảo có 20 bậc chứa xấp xỉ 2,5 vạn người.

Những con số khi đó đã cho thấy tầm cỡ, quy mô của sân Hàng Đẫy: Xi măng 670 tấn; Gạch 1.825.500 viên; Than xỉ 2.112,6 tấn; Sắt 69,359 tấn; Vôi 292,69 tấn. Đặc biệt nhân dân Thủ đô đã tham gia tích cực vào việc xây dựng với 101.304 công. Riêng toàn bộ việc cấy thảm cỏ mặt sân đều do các em thiếu nhi đảm trách...

66 năm ra đời, sân Hàng Đẫy thuộc đội bóng nào? - Ảnh 1.

SVĐ Hàng Đẫy được khởi công vào ngày 16/2/1957 và hoàn thành với hình hài mới hiện đại vào ngày 24/8/1958. Ảnh: Tư liệu

Một công trình mà theo bài phát biểu trong Lễ khánh thành vào chiều ngày 24/8/1958 của bác sỹ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Hà Nội khi đó là: "Thể hiện tính ưu việt của chế độ của chúng ta, một công trình chưa hề có dưới thời kỳ Pháp thuộc."

Cũng tại Lễ khánh thành được tổ chức trang trọng với sự có mặt của Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, trên sân Hàng Đẫy mới, chương trình đồng diễn thể dục của hàng nghìn người tham dự kết thúc màn xếp chữ THỐNG NHẤT đã thể hiện cho ý chí và sự tin tưởng vào sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước.

Sau Lễ khánh thành, người hâm mộ Thủ đô cũng đã được chứng kiến trận giao hữu quốc tế đầu tiên giữa 2 đội tuyển Phnom Penh và Hải Phòng. Sau đó, đội tuyển Phnom Penh còn thi đấu thêm 1 trận nữa trên sân Hàng Đẫy với đội tuyển Hà Nội và đều giành chiến thắng.

Minh chứng lịch sử

Từ bãi đá bóng Hàng Đẫy SEPTO (1934-1957), SVĐ Hàng Đẫy (từ 1958), rồi đến SVĐ Hà Nội (từ 1988), tới ngày 24/4/2003, UBND thành phố Hà Nội ra quyết định đổi tên sân trở về tên gọi ban đầu là SVĐ Hàng Đẫy và tên gọi đó được giữ đến nay, nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của thể thao, bóng đá Thủ đô cũng như cả nước.

Trước ngày đất nước hoàn toàn thống nhất là giải bóng đá Việt - Trung - Triều - Mông; giải bóng đá Quân đội các nước XHCN SKDA; Đại hội TDTT Thủ đô... rồi khi Thể thao Việt Nam trở lại và hội nhập với thể thao khu vực và quốc tế, sân Hàng Đẫy là điểm tổ chức chính giải bóng đá vô địch Đông Nam Á Tiger Cup 1998, thậm chí ngay cả khi SVĐ quốc gia Mỹ Đình ra đời, nơi đây vẫn diễn ra các trận đấu bóng đá trong khuôn khổ SEA Games lần thứ 22 năm 2023 cũng như nhiều giải đấu thể thao trong nước, quốc tế khác.

66 năm ra đời, sân Hàng Đẫy thuộc đội bóng nào? - Ảnh 2.

Trận đấu giữa Hà Nội FC và Công an Hà Nội trong khuôn khổ V-League 2023/24 trên sân Hàng Đẫy. Ảnh: Hoàng Linh

Là "thánh đường" của bóng đá Thủ đô, dễ hiểu khi tất cả các đội bóng có bản doanh tại Hà Nội chọn đây là sân nhà với những khán đài luôn chật kín khán giả. Thời bóng đá bao cấp, đây là sân nhà của những: Công an Hà Nội, Tổng cục Đường sắt, Thanh niên xây dựng Hà Nội hay kể cả Thể Công từ năm 1999... Thời chuyên nghiệp khi bóng đá Hà thành "bùng nổ", nơi đây là sân chính của tới 4 đội bóng chuyên nghiệp là Hà Nội T&T; Hà Nội. ACB; Hà Nội và Hòa Phát Hà Nội. Gần nhất, từ mùa giải 2023 đến nay, sân Hàng Đẫy được 3 CLB tại V.League 1 cùng sử dụng gồm: Hà Nội, Thể Công - Viettel và Công an Hà Nội.

Đó cũng chính là lý do khiến thông tin gần đây về việc Liên đoàn bóng đá châu Á AFC yêu cầu sân Hàng Đẫy chỉ có thể là sân nhà của 2 trong 3 đội bóng trên gây sốt với người hâm mộ cả nước lẫn giới truyền thông cũng như các cấp quản lý chuyên môn. Rõ ràng, mỗi CLB đều gắn bó và có những đóng góp lớn cho sự phát triển chung bóng đá Hà Nội, cũng như bóng đá Việt Nam. Chưa kể với thực trạng hiện tại, sân vận động này với vị trí đắc địa, số chỗ ngồi ít, kinh phí thuê rẻ phù hợp với các đội bóng hơn là phải xuống sân quốc gia Mỹ Đình (theo thông tin từ báo chí, một trận đấu tại sân Hàng Đẫy các đội chỉ phải tiêu tốn 70-100 triệu đồng thì ở sân Mỹ Đình sẽ tăng gấp đôi). Ngay cả việc tìm 1 sân vận động đạt tiêu chuẩn AFC, thậm chí là xây mới không hề là chuyện dễ dàng, hay một sớm, một chiều trong bối cảnh hiện tại.

Vẫn biết, quy định của AFC là phải chấp hành, nếu không bóng đá Việt Nam sẽ bị cắt suất tham dự các giải châu Á cấp CLB và xem xét phân bổ suất này cho các liên đoàn thành viên khác từ mùa giải 2024-2025. Nhưng tìm ra 1 giải pháp tạo ra sự đồng thuận lúc này là rất khó, khó như câu hỏi đã nêu ra ở đầu bài viết - Sân Hàng Đẫy thuộc đội bóng nào? 

Trong suốt lịch sử dài đến hơn nửa thế kỷ, sân Hàng Đẫy đã nhiều lần được sửa chữa, nâng cấp nhằm hoàn thiện theo tiêu chuẩn quốc tế. Sau 34 năm sử dụng (từ 1958 đến 1992), sân bị xuống cấp nghiêm trọng và Lễ khởi công xây dựng cải tạo sân được tiến hành đúng ngày kỷ niệm Giải phóng Thủ đô 10/10/1992, sau đó hoàn thành và đưa vào sử dụng từ ngày 2/9/1995. Sân mới có kích thước 105x68m, gồm 15 cửa, 3 khán đài với tổng số 20.080 ghế ngồi.

Đến thập niên 90 nhằm phục vụ cho Tiger Cup 1998, Hàng Đẫy được nâng cấp toàn diện hơn với hệ thống chiếu sáng mới hiện đại; chỉnh sửa mặt sân, thay cỏ; lắp ghế ngồi, đồng hồ điện tử, bảng điện tử; mở rộng và nâng sức chứa lên hơn 3 vạn chỗ ngồi. Vào đầu những năm 2000, nhằm chuẩn bị cho SEA Games 22 năm 2003 tại Việt Nam, sân cùng không gian xung quanh được nâng cấp, quy hoạch lại. Năm 2017, công trình này cũng được nâng cấp lần nữa với số kinh phí hơn 10 tỷ đồng sau khi thành phố Hà Nội quyết định giao sân cho đội bóng Hà Nội T&T. Gần nhất để phục vụ Hà Nội FC thi đấu tại AFC Cup 2019, sân Hàng Đẫy tiếp tục được sửa chữa các hạng mục như phòng chức năng, phòng thay đồ...

Đặc biệt hơn, khoảng đầu năm 2018, tập đoàn T&T có kế hoạch xây mới lại toàn bộ sân Hàng Đẫy với kinh phí lên đến 250 triệu euro. Theo thiết kế, sân mới mới có 4 tầng hầm, 2 tầng nổi và khán đài tạo thành quần thể văn hoá thể thao và dịch vụ, thay vì chỉ phục vụ cho thể thao. Đáng tiếc vì nhiều lý do, kế hoạch này đã không thành hiện thực.


V.M

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›