Hàng nghìn năm qua, trên mảnh đất Thăng Long-Hà Nội đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm và kết thúc trong khúc khải hoàn.
Ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954 là một trong những mốc son chói sáng đó. Thủ đô Hà Nội đã trở thành nơi kết nối những mạch nguồn lịch sử và tinh hoa của dân tộc, nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, tinh thần đoàn kết và khát vọng vươn lên của cả dân tộc.
* Mốc son lịch sử hào hùng
Kể từ “Chiếu dời đô” của Vua Lý Thái Tổ năm 1010 đến nay, Thăng Long-Hà Nội đã trải qua và chứng kiến biết bao sự biến thiên của lịch sử. Quân và dân Hà Nội, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước, đã bền bỉ lao động, kiên cường đấu tranh, sáng tạo nên một nền văn hiến rạng rỡ, lập nên nhiều chiến công hiển hách lưu danh muôn đời.
Sau cách mạng Tháng Tám, Hà Nội đã cùng cả nước kiên cường đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ. Nhưng thực dân Pháp quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Tháng 10/1946, giặc nổ súng chiếm Hải Phòng, tấn công Lạng Sơn, khiêu khích ở Hà Nội.
Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến với quyết tâm “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân, dân Hà Nội đã nhất tề đứng lên đánh giặc cứu nước. Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc bằng cuộc chiến đấu 60 ngày đêm vô cùng oanh liệt.
- Kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Hào hùng âm hưởng ngày chiến thắng
- Kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Ký ức tháng 10 lịch sử
Quân, dân Thủ đô đã biến mỗi ngôi nhà, mỗi ngõ, phố trở thành chiến luỹ, pháo đài đánh giặc. Sức mạnh quật cường của quân, dân Thủ đô đã kìm chân, tiêu hao sinh lực địch, tạo điều kiện để cơ quan đầu não và các lực lượng kháng chiến của ta tạm rút khỏi Hà Nội an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Trung ương giao.
9 năm sau đó, quân, dân Hà Nội cùng đồng bào cả nước đã chiến đấu ngoan cường, thông minh, gan dạ, đầy sáng tạo trên các mặt trận, các lĩnh vực; đặc biệt là chiến thắng trong trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ năm 1954, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (ngày 20/7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; và phải rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Ðảng, quân và dân Hà Nội đã chủ động chuẩn bị lực lượng về mọi mặt để tiếp quản Thủ đô.
16 giờ, ngày 9/10/1954, những người lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, Hà Nội sạch bóng quân thù.
Tối 9/10, mọi nhà đều để đèn sáng. Người dân Hà Nội không ngủ mà thức để chờ đón một ngày mới.
5 giờ ngày 10/10/1954, không khí khắp Thủ đô đã rất sôi động. Nhân dân đứng hai bên đường chào đón đoàn quân chiến thắng tiến vào tiếp quản Thủ đô. 15 giờ cùng ngày, hàng vạn nhân dân Thủ đô dự lễ chào cờ chiến thắng ghi dấu mốc quan trọng đưa Thủ đô bước sang một trang sử mới.
Và trong những ngày đầu tiên trở về Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở Đảng bộ và nhân dân Thủ đô: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, t.9, tr.77).
Thực hiện lời Bác dạy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã nỗ lực không ngừng để đưa Thủ đô từng bước phát triển. Cùng với nhân dân toàn miền Bắc, Hà Nội lần lượt thực hiện các nhiệm vụ cách mạng: Khôi phục kinh tế (1954-1957), cải tạo xã hội chủ nghĩa (1958-1960); thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960-1965).
Đến cuối năm 1965, diện mạo Thủ đô Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển phong trào thi đua lao động sản xuất ngày càng sâu rộng, ra sức chi viện sức người, sức của cho miền Nam kháng chiến chống Mỹ. Giai đoạn 1965-1968 và 1968-1972, quân dân Hà Nội đã anh dũng, kiên cường lần lượt chiến đấu, chiến thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời chi viện cho tiền tuyến miền Nam.
Sau khi Hiệp định Paris được ký ngày 27/1/1973, nhân dân Thủ đô bước vào giai đoạn khôi phục, phát triển kinh tế, giữ ổn định xã hội; đồng thời tiếp tục đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
* Hà Nội vững bước đi lên
Đi qua những thăng trầm của lịch sử, Thủ đô Hà Nội ngày nay luôn giữ vững vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của cả nước. Đặc biệt, trong sự nghiệp đổi mới ngày nay, Hà Nội đang thay đổi từng ngày, hướng tới một đô thị hiện đại, văn minh và hạnh phúc.
Thủ đô Hà Nội không chỉ vinh dự được Tổ chức Giáo dục-Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh “Thành phố Vì hòa bình” (năm 1999) mà còn là điểm đến an toàn, bình yên và thân thiện, được bạn bè trong nước, quốc tế yêu mến. Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) đã đề cử Hà Nội là 1/17 thành phố bình chọn giải thưởng “Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới năm 2018”...
Đặc biệt, từ năm 1986 đến nay, Hà Nội đi đầu cùng đất nước tiến hành sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Thành tựu đạt được qua hơn 35 năm đổi mới khẳng định mạnh mẽ sức vươn của Thủ đô anh hùng.
Trong đó ngày 1/8/2008, đánh dấu mốc son lịch sử mới, mở ra thời kỳ phát triển giàu tiềm năng của Thủ đô Hà Nội. Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII, Hà Nội hợp nhất với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Theo đó, công cuộc đổi mới ở Hà Nội đã thu được những thắng lợi quan trọng. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dần được hình thành. Kinh tế Thủ đô liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng bình quân 4,48% (1986-1990), 12,52% (1991-1995), 10,72% (1996-2000), 11,30% (2001-2005), 11,55% (2006-2007), 10,58% năm 2008 (thời điểm sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính) và tăng 9,03% (2009-2013).
Năm 2015, tăng 9,24% cao nhất trong 4 năm (2011-2014). Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2015 đạt 27,6 tỷ USD, bình quân đầu người 3.660 USD - gấp 1,8 lần so với năm 2010. Trong giai đoạn 2015-2020, kinh tế Thủ đô tăng trưởng với GRDP ước tăng 7,39%, cao hơn giai đoạn 2010-2015 (6,93%). Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng GRDP của thành phố vẫn tăng 2,92%. 9 tháng năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP của Hà Nội tăng 9,69%.
Hà Nội không chỉ là Thủ đô, trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia mà còn là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, kinh tế và giao lưu quốc tế. Thủ đô là một đô thị lớn, phát triển theo hướng đa hệ, bản sắc, văn minh và hiện đại.
Để nhịp độ phát triển được đồng bộ, những “mạch máu” là các trục giao thông được Hà Nội huy động các nguồn lực, phối hợp với các bộ, ngành triển khai đầu tư hoàn thành nhiều công trình giao thông quan trọng. Hàng loạt công trình, dự án trọng điểm được hoàn thành và đưa vào khai thác, như: cầu Nhật Tân cùng đường Võ Nguyên Giáp; Đường Vành đai 1; đường 5 kéo dài; đường Vành đai 2 và cầu Vĩnh Tuy; đường Vành đai 3…
Nhờ đó, diện mạo đô thị ngày càng hiện đại, tình trạng ùn tắc giao thông được cải thiện, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Công tác quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông, trật tự, kỷ cương đô thị có chuyển biến tích cực.
Hà Nội còn là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng nền văn hóa, văn minh của dân tộc; nơi hội nhập, giao thoa và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Chính vì vậy, vốn văn hóa, tiềm năng văn hóa của Hà Nội là thế mạnh riêng có, vượt trội so với các thành phố trong nước cũng như nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới.
Hà Nội có tài nguyên văn hóa, kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng gồm hơn 5.920 di tích, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 1 di sản tư liệu thế giới, 16 di tích quốc gia đặc biệt cùng hàng nghìn di tích cấp quốc gia và di tích cấp thành phố.
Hà Nội cũng là địa phương nắm giữ số lượng di sản văn hóa phi vật thể lớn, tới hơn 1.790 di sản, trong đó có 3 di sản được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 16 di sản thuộc danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...
Mang trong mình những tiềm năng, sức mạnh tinh thần, vật chất to lớn, truyền thống hào hùng, phẩm chất cao đẹp, Hà Nội đã làm nên những chiến công hiển hách và thành tựu vang dội được bạn bè thế giới ngợi ca là "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người"; được UNESCO vinh danh là "Thành phố vì hòa bình".
Ngày 30/10/2019, UNESCO tiếp tục chính thức ghi danh Hà Nội tham gia vào mạng lưới các "Thành phố sáng tạo" thế giới. Đây là cơ hội thuận lợi cho thành phố trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo văn hóa, đưa Hà Nội thành Thủ đô sáng tạo của khu vực Đông Nam Á - điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.
Diệp Ninh/TTXVN
Tags