An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên là nơi lưu giữ những ký ức về một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc, gắn liền với Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Phát huy giá trị lịch sử, mảnh đất ATK năm xưa nay ngập tràn sức sống, với những kết quả bứt phá trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Lịch sử mãi khắc ghi
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (giai đoạn 1947 - 1954), với vị trí "tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ" (tiến có thể đánh, lui có thể giữ), huyện Định Hóa được Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đặt bản doanh để lãnh đạo kháng chiến. Tại mảnh đất lịch sử này, nhiều quyết định quan trọng liên quan đến vận mệnh dân tộc đã ra đời như: Chỉ thị "Phải phá tan cuộc tấn công của giặc Pháp (Thu-Đông 1947)"; quyết định mở Chiến dịch biên giới (1950), Hòa Bình (1952), Tây Bắc (1953). Đặc biệt, ngày 6/12/1953, tại đồi Tỉn Keo, xã Phú Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp, thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân 53-54, hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Những địa danh như cánh đồng Bản Soi, suối Đồng Thịnh, cầu Đèo Tọt ở xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa năm xưa đã được giả định là cánh đồng Mường Thanh, con sông Nậm Rốm và cầu Him Lam để Bộ Tổng tham mưu tổ chức diễn tập thực binh đánh "tập đoàn cứ điểm" năm 1953. Đây được coi là bước chuẩn bị quan trọng và kỹ lưỡng trước khi mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ngay sau cuộc tập trận, ngày 6/12/1953, tại lán Tỉn Keo, xã Phú Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và cử Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng chiến dịch. Hiện nay, Di tích lịch sử Bản Soi thuộc xã Đồng Thịnh thường xuyên là nơi thế hệ trẻ tìm hiểu truyền thống cách mạng của quê hương.
Ông Nguyễn Đức Lực, Bí thư Huyện ủy Định Hóa cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 183 điểm di tích lịch sử, trong đó, có một di tích quốc gia đặc biệt gồm 13 di tích thành phần, 18 di tích quốc gia và 29 di tích cấp tỉnh. Đến nay, 17 xã của huyện vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 23/23 xã được Thủ tướng Chính phủ công nhận xã An toàn khu. Ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 548/QĐ-TTg, xếp hạng An toàn khu Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Từ tinh thần cách mạng đến quyết tâm đổi mới
Với mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới vào cuối năm 2023, Định Hóa đã lập Đề án "Xây dựng huyện Định Hóa đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2023". Ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND huyện cho biết, dù xuất phát điểm thấp, khi bắt đầu thực hiện Đề án, toàn huyện mới có 11/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2021, các tiêu chí đều ở mức thấp; chưa có xã nào đạt xã nông thôn mới nâng cao; thị trấn chưa đạt chuẩn đô thị văn minh; huyện mới đạt 2/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Các tiêu chí về quy hoạch, hạ tầng giao thông, xây dựng cơ bản; tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; nghèo đa chiều; môi trường; thu nhập... còn nhiều khó khăn.
Đề án được triển khai với tổng kinh phí thực hiện gần 1.800 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án gần 1.000 tỷ đồng; nguồn hỗ trợ từ các bộ, ngành Trung ương, đơn vị tài trợ khoảng 371,5 tỷ đồng; nguồn kinh phí vận động tổ chức, cá nhân, trong và ngoài huyện hỗ trợ bằng tiền, hiện vật cho các xã thực hiện hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao khoảng 24,05 tỷ đồng. Nguồn vận động nhân dân đối ứng hiến đất, tài sản, đóng góp bằng tiền và ngày công lao động thực hiện xây dựng công trình kết cấu hạ tầng nông thôn mới là 47,65 tỷ đồng; vận động nhân dân đối ứng thực hiện xóa nhà dột nát 176,76 tỷ đồng...
Chủ tịch UBND huyện Định Hóa Nguyễn Minh Tú cho biết thêm, từ nguồn vốn này, hạ tầng nông thôn của huyện được đầu tư cải tạo, nâng cấp và làm mới đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống người dân. Môi trường nông thôn được cải thiện theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp, tạo nên những vùng nông thôn văn minh, hiện đại. Hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, an ninh trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững ổn định, tạo niềm tin cho người dân để cống hiến xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.
Huyện lựa chọn Đồng Thịnh - nơi diễn tập thực binh đánh "tập đoàn cứ điểm" năm xưa làm xã điểm xây dựng nông thôn mới. Ông Mạc Văn Vỹ, Chủ tịch UBND xã Đồng Thịnh cho biết, phát huy giá truyền thống vùng quê cách mạng và thế mạnh địa phương, việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới nhận được sự đồng lòng hưởng ứng của nhân dân trong xã và đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Hiện xã đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%, tổng số hộ nghèo đa chiều là 8,48%, thu nhập bình quân đầu người đạt 44,66 triệu đồng/người/năm; hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ từ điện, đường, trường, trạm… Đồng Thịnh phấn đấu đến năm 2030 đạt xã nông thôn mới nâng cao và có ít nhất một xóm đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Song song với Đồng Thịnh, các xã trên địa bàn huyện Định Hóa đồng loạt triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. Sau hơn 2 năm, 22/22 xã của huyện Định Hóa đã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, 3 xã đạt nông thôn mới nâng cao, thị trấn Chợ Chu đạt chuẩn đô thị văn minh và huyện cơ bản đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới.
Với quan điểm xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Đức Lực khẳng định, thời gian tới, huyện tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, huyện tập trung huy động nguồn lực nhằm phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt chính sách an sinh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử gắn với phát triển du lịch; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số tạo sự chuyển biến tích cực; giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội trên toàn địa bàn.