70 năm Giải phóng Thủ đô: Phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội (kỳ 2) - Biến tiềm lực thành động lực

Thứ Ba, 15/10/2024 16:13 GMT+7

Google News

Cuối tháng 2 năm nay, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Và đến nay, Hà Nội cũng là địa phương duy nhất trong cả nước ban hành nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa.

Thực tế này phản ánh tầm nhìn, cũng như khát vọng, của Hà Nội trong việc biến tiềm lực văn hóa thành động lực phát triển Thủ đô. Để rồi, từ nhận thức đến hành động, trong những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều công việc cụ thể và đạt được những kết quả tích cực trong phát triển công nghiệp văn hóa.

Những kết quả tích cực

Theo PGS-TS Vũ Thị Phương Hậu (Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội những năm gần đây đạt được kết quả ở nhiều khía cạnh. Đó là: Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa; đẩy mạnh giao lưu hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa; xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo…

Phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội (kỳ 2): Biến tiềm lực thành động lực - Ảnh 1.

Tour đêm đền Ngọc Sơn - một sản phẩm du lịch mới của Hà Nội

Đơn cử, ở khía cạnh phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa, Hà Nội tập trung vào các công việc như: Kiện toàn và khai thác tốt hệ thống các thiết chế văn hóa (rạp hát, bảo tàng, các đoàn nghệ thuật, các di tích lịch sử văn hóa…); kiến tạo các không gian văn hóa nghệ thuật để vừa giới thiệu văn hóa Thủ đô vừa  khơi nguồn cho những cảm hứng sáng tạo mới tại các khu phố cổ, phố cũ, các tuyến phố đi bộ; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế du lịch văn hóa, mô hình trung tâm thiết kế sáng tạo và bán sản phẩm làng nghề.

Cùng với đó, thành phố cũng chú trọng nghiên cứu sáng tạo, phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn dựa trên việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của Hà Nội; đẩy mạnh quảng bá, khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của Hà Nội; đầu tư tổ chức một số sự kiện văn hóa nghệ thuật trở thành thương hiệu đặc trưng của Hà Nội…

Trong khi đó, ở khía cạnh giao lưu hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa, Hà Nội tích cực hợp tác với các tỉnh, thành phố trong nước tổ chức thành công nhiều sự kiện quảng bá văn hóa địa phương tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, góp phần quan trọng và thiết thực vào hoạt động giao lưu văn hóa các vùng miền trong cả nước.

Mặt khác, Hà Nội cũng là địa phương tiên phong trong việc xây dựng và triển khai có hiệu quả các chương trình liên kết, hợp tác, kết nối tour, tuyến du lịch với các địa phương khác trong cả nước. Đến nay, Hà Nội đã tiến hành ký kết hợp tác du lịch với 40 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ngoài ra, Hà Nội cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác, thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác chính thức với nhiều thành phố trên thế giới. Trong nhiều năm qua, Hà Nội phối hợp với các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động quảng bá văn hóa, du lịch, tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao du lịch. Trong công tác ngoại giao văn hóa, Hà Nội đã phối hợp tổ chức đón nhiều nguyên thủ quốc gia, nhiều phái đoàn ngoại giao của các Chính phủ, tổ chức quốc tế một cách trọng thị, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa lan tỏa sức mạnh mềm văn hóa Thủ đô Hà Nội đến với bạn bè quốc tế.

Phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội (kỳ 2): Biến tiềm lực thành động lực - Ảnh 2.

Festival Thu Hà Nội được định vị trở thành một trong những lễ hội đặc trưng của Hà Nội (Lễ hội này được trao Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2023)

Đặc biệt, Hà Nội còn chú trọng xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu "Thành phố sáng tạo". Theo đó, ngày 30/9/2019, Hà Nội chính thức trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo (lĩnh vực thiết kế) do UNESCO sáng lập. Kể từ đó đến nay, Hà Nội tích cực thực hiện các cam kết cùng các sáng kiến để thực hiện mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững.

Phát huy vai trò của thành phố sáng tạo, ở cấp độ địa phương, Hà Nội tập trung vào xây dựng các trung tâm thiết kế sáng tạo, các không gian sáng tạo và truyền thông về các hoạt động sáng tạo của Hà Nội. Ở cấp độ quốc tế, Hà Nội tổ chức thành công Lễ hội Thiết kế sáng tạo hàng năm (đã tổ chức năm 2022, 2023 và chuẩn bị tổ chức năm 2024), chú ý xây dựng Mạng lưới các nhà thiết kế trẻ và diễn đàn Mạng lưới các thành phố Sáng tạo của UNESCO ở khu vực Đông Nam Á (tháng 11/2023). 

Đáng nói, các sáng kiến ở cả cấp độ địa phương và quốc tế của Hà Nội đều được UNESCO và các quốc gia thành viên đánh giá cao.

"Chính sách và chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội còn phân tán, chưa có sự đồng bộ và bền vững" -PGS-TS Vũ Thị Phương Hậu.

Vẫn còn những bất cập

Theo PGS-TS Vũ Thị Phương Hậu, những năm gần đây, Hà Nội đã có rất nhiều nỗ lực trong phát triển công nghiệp văn hóa và thực tế cũng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, khi là địa phương dẫn đầu cả nước về lĩnh vực này. Nhưng so với tiềm năng và mục tiêu kỳ vọng, sự phát triển này vẫn chưa tương xứng và bộc lộ không ít những hạn chế, bất cập.

Phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội (kỳ 2): Biến tiềm lực thành động lực - Ảnh 4.

Tuyến du lịch đi bộ với điểm dừng là các ngôi đình tại phố cổ Hà Nội

Đáng chú ý nhất, cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô còn thiếu, chưa đồng bộ. Mặc dù công nghiệp văn hóa được coi là một lĩnh vực tiềm năng, nhưng hệ thống pháp luật và cơ chế chính sách hỗ trợ cho ngành này ở Hà Nội còn thiếu đồng bộ và chưa tạo được điều kiện thuận lợi để phát triển.

"Chính sách và chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội còn phân tán, chưa có sự đồng bộ và bền vững " - bà Hậu phân tích- "Ở đó, chưa có những chương trình và kế hoạch để phát triển ngành này trong dài hạn, gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, gắn liền với sự phát triển của từng sở, ngành, từng quận, huyện của Hà Nội. Đồng thời, chưa có sự liên thông giữa chính sách và cơ chế quản lý, cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành có liên quan".

Bên cạnh đó, chuyên gia này còn cho rằng, nguồn nhân lực của Hà Nội chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập.

Cụ thể, ngành công nghiệp văn hóa đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao với kiến thức liên ngành và kỹ năng chuyên sâu về quản lý văn hóa, sáng tạo nghệ thuật, tiếp thị và phát triển sản phẩm. So sánh với đòi hỏi của lĩnh vực này, đội ngũ nhân lực hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa của Hà Nội hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu khi còn mỏng về số lượng, hạn chế về ngoại ngữ, công nghệ hay những kiến thức về pháp luật, kinh doanh. Hệ thống đào tạo chuyên nghiệp về công nghiệp văn hóa, sáng tạo ở Hà Nội cũng chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội (kỳ 2): Biến tiềm lực thành động lực - Ảnh 5.

“Chuyện đình trong phố” - một dự án kiến tạo các không gian văn hóa sáng tạo tại các ngôi đình cổ ở Hà Nội

Mặt khác, mức đầu tư cho công nghiệp văn hóa vẫn còn thấp. "Cả từ nguồn ngân sách công lẫn sự đầu tư từ khu vực tư nhân vẫn chưa thực sự hiệu quả và đủ mạnh để phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo và văn hóa. Việc thiếu vốn đầu tư từ cả khu vực công và tư nhân làm giảm tiềm năng phát triển các dự án văn hóa. Ngoài ra, cơ chế hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp và tổ chức văn hóa vẫn chưa thực sự hiệu quả"- bà Hậu cho biết.

Ngoài ra, chuyên gia này cũng đề cập tới một số hạn chế khác: Nhận thức xã hội chưa đồng đều về vai trò của công nghiệp văn hóa trong phát triển Thủ đô; cơ sở hạ tầng chưa phù hợp để phát triển công nghiệp văn hóa; thiếu các mô hình kinh doanh sáng tạo; việc ứng dụng công nghệ trong phát triển công nghiệp văn hóa chưa thực sự hiệu quả; khả năng thương mại hóa sản phẩm văn hóa yếu; chưa khai thác hết tiềm năng văn hóa của Hà Nội.

Từ những hạn chế ấy, theo PGS-TS Vũ Thị Phương Hậu, Hà Nội có thể quan tâm tới một số giải pháp để thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế hiện nay. Đó là: Đẩy mạnh giáo dục văn hóa và nghệ thuật; phát triển các khu công nghiệp văn hóa và sáng tạo, xây dựng Hà Nội thành trung tâm sáng tạo quốc tế; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) trong phát triển công nghiệp văn hóa; phát triển thương mại hóa di sản văn hóa thông qua các sản phẩm văn hóa sáng tạo; thúc đẩy hợp tác công - tư trong phát triển công nghiệp văn hóa; tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp để thúc đẩy các ý tưởng và sản phẩm văn hóa;…

Lượng khách du lịch tăng đáng kể

Theo các thống kê, số lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng đáng kể. Cụ thể, năm 2023, tổng thu từ khách du lịch đạt 93.410 tỷ đồng, tăng 142,5% so với năm 2022 (tăng 13,83% so với kế hoạch, tương đương 84,4% kết quả năm 2019). Quý I năm 2024, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Công Bắc

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›