“Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây
Đây lắng hồn núi sông ngàn năm
Đây Thăng Long, đây Đông Đô
Đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu…”.
(Người Hà Nội - Nguyễn Đình Thi)
Trong suốt chiều dài hơn bốn nghìn năm lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc, Thăng Long-Hà Nội luôn là vùng đất địa linh nhân kiệt, biểu tượng cho tinh thần dân tộc, là hiện thân cho văn hóa Việt Nam. Hà Nội đã được ngợi ca, vinh danh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”. Đây chính là nguồn sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để Hà Nội vươn lên mạnh mẽ, không chỉ phát huy được những giá trị truyền thống, mà còn trở thành trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu, là nơi trao đổi các sáng kiến khu vực và quốc tế vì nền hòa bình, ổn định và phát triển.
Xứng danh "Thành phố vì hòa bình"
Từ nghìn năm qua, Thăng Long-Hà Nội đã bao lần phải trải qua những cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm. Biết bao xương máu của thế hệ cha anh đổ xuống để xây dựng, bảo vệ nền hòa bình. Nhưng, dù chiến thắng huy hoàng, oanh liệt, dân tộc Việt Nam nói chung, người Hà Nội nói riêng vẫn luôn đặt hòa khí làm trọng; lấy tinh thần nhân ái, hòa bình, hữu nghị, hợp tác làm phương châm xử thế. Đức Thái tổ Lê Lợi, vị vua gắn với huyền thoại trả lại gươm thần sau khi đánh tan quân Minh xâm lược từng nói: “Ta cất quân đánh giặc, không phải là có lòng ham muốn phú quý, mà chính vì muốn để ngàn năm về sau, người đời biết ta không chịu làm tôi tớ cho bọn giặc tàn ngược”. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khi hạ quyết tâm “hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta phải chiến đấu quét sạch nó đi” và luôn chỉ đạo “vừa đánh, vừa đàm”, tạo điều kiện cho đối phương kết thúc cuộc chiến trong danh dự, mà nổi bật là Hiệp định Genève (năm 1954) và Hiệp định Paris (năm 1973). Đó mãi mãi là những hình tượng sống động về tinh thần yêu chuộng hòa bình của người Thăng Long-Hà Nội-Việt Nam: “Đem đại nghĩa thắng hung tàn/ Lấy chí nhân thay cường bạo”.
Cách đây 25 năm, năm 1999, người dân Thủ đô tự hào khi Hà Nội được UNESCO vinh danh “Thành phố vì hòa bình”. Đến hôm nay, Hà Nội vẫn là thủ đô duy nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhận được danh hiệu này. Giải thưởng “Thành phố vì hòa bình” mà UNESCO trao tặng là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những đóng góp tích cực của Thủ đô Hà Nội trong công cuộc đấu tranh vì hòa bình, cũng như trong sự nghiệp phát triển, xây dựng một thành phố hòa bình. Một thành phố năng động nhưng vẫn giữ những nét truyền thống, xứng đáng là Thủ đô anh hùng, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước; là điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới.
Hà Nội luôn duy trì vai trò là một trong hai đầu tàu kinh tế, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích và 8,5% về dân số nhưng Hà Nội hiện đóng góp 16% GDP cả nước, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước. Năm 2023, GRDP Hà Nội tăng 6,27%, gấp 1,24 lần mức tăng cả nước. Thu nhập của người dân tiếp tục được cải thiện, bình quân 150 triệu đồng/người/năm.
Hà Nội cũng là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn FDI năm 2023 đạt trên 2,94 tỷ USD, tăng 70,5% so với năm trước và là một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI.
Cùng với phát triển kinh tế, Hà Nội luôn chú trọng công tác an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố còn 0,03%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 94,33% dân số. Cùng với đó, các lĩnh vực văn hóa, khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển; nhiều lễ hội văn hóa, ẩm thực được tổ chức thường xuyên tạo sức hút cho du lịch… Công tác quản lý đô thị được các cấp chính quyền đẩy mạnh, quản lý hè phố, vệ sinh môi trường được duy trì tốt; ứng dụng công nghệ thông tin được quan tâm, hình thành các điều kiện xây dựng dữ liệu lớn và thành phố thông minh.
Nổi bật trong các tiêu chí “Thành phố vì hòa bình” được UNESCO ghi nhận là những thành tựu trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Hà Nội hiện đã trở thành trung tâm giáo dục hàng đầu cả nước, với trên 2.900 trường học các cấp và gần 100 trường đại học, học viện. Hà Nội dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục mũi nhọn, về số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Hà Nội trở thành trung tâm đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài của đất nước.
Là địa bàn có vị trí đặc biệt quan trọng, Hà Nội luôn chú trọng làm tốt công tác quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các cơ quan và hoạt động của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các sự kiện chính trị, văn hóa lớn; các hoạt động, chuyến thăm của các nguyên thủ các quốc gia. Đáng chú ý, Thủ đô Hà Nội là nơi tổ chức nhiều sự kiện quốc tế lớn, như: Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) (2004); Hội nghị của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 14 (APEC 14) (2006); Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) (2015); Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ hai (2019); SEA Games 3 (2022)... Việc Hà Nội hướng tới mục tiêu “Thành phố của sự kiện” là điều hoàn toàn khả thi trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng.
Hữu xạ tự nhiên hương! Âm hưởng của hòa bình, hữu nghị, thân thiện và hiếu khách lan toả tự nhiên trên mảnh đất này khi du khách tới đây. Không chỉ người dân, khách du lịch, mà cả nguyên thủ các quốc gia hàng đầu thế giới, các nhà ngoại giao, chính khách lớn các nước, như: Hoa Kỳ, Anh, Hà Lan, Pháp, Thụy Điển, Australia, Hàn Quốc, Singapore… đều có thể thong thả đạp xe, đi bộ qua những ngõ nhỏ, phố nhỏ; ghé một cửa tiệm bình dân để mua vài món đồ lưu niệm ở khu phố cổ; hay thư thái ngồi vỉa hè thưởng thức tách cà phê phin, món bún chả dân dã… giữa nhịp sống thanh bình, thân thiện.
Năm 2019, trước thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19, lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 29 triệu lượt, trong đó có 7,05 triệu khách quốc tế. Sáu tháng đầu năm 2024, du lịch Hà Nội đã có sự phục hồi mạnh mẽ với việc đón 14,05 triệu lượt khách, trong đó khách du lịch quốc tế đạt 3,14 triệu lượt, gần bằng với thời kỳ cao điểm trước đại dịch. Đáng chú ý, những năm gần đây, thương hiệu du lịch Hà Nội không ngừng được củng cố và nâng cao trên bản đồ du lịch quốc tế. Tính riêng năm 2023, Hà Nội đã “gặt hái” được nhiều giải thưởng quốc tế với vị trí đánh giá, xếp hạng cao, như: "Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á", "Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu trên thế giới", "Điểm đến thành phố golf tốt nhất thế giới". Năm 2024, Hà Nội tiếp tục được vinh danh tại hạng mục "Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á" và "Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu châu Á". Đây là lần thứ 6 Việt Nam được tôn vinh là “Điểm đến hàng đầu châu Á” (vào các năm 2018, 2019, 2021, 2022, 2023, 2024). Việc liên tiếp nhận giải thưởng này càng khẳng định vị thế của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch khu vực châu Á và thế giới; khẳng định Hà Nội không chỉ là điểm đến an toàn mà còn rất độc đáo, đặc sắc và chất lượng.
Cùng với các yếu tố nêu trên, hạ tầng đô thị của Hà Nội được cải thiện; công tác xử lý nước thải, rác thải, phát triển hệ thống cây xanh của Hà Nội được quan tâm giúp thành phố phát triển cả bốn tiêu chí của “Thành phố vì hòa bình” lên một tầm cao mới.
Định vị thương hiệu "Thành phố sáng tạo", kết nối toàn cầu
Với chiều sâu văn hóa, nỗ lực đổi mới toàn diện, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, Hà Nội cũng là "cái nôi" sinh ra nhiều không gian sáng tạo đang trở thành điểm nhấn cho giới sáng tạo, giới trẻ. Tròn 20 năm sau khi đạt danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, tháng 10/2019, Hà Nội tiếp tục được vinh danh là thành viên “Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế”.
Là Thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế, Hà Nội xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2025, xây dựng phát triển thủ đô Hà Nội phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; định hướng đến năm 2030 Hà Nội trở thành thành phố “xanh-thông minh-hiện đại”, phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực, quốc tế và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế.
Sau 5 năm gia nhập “Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO” và thực hiện các sáng kiến, cam kết để thúc đẩy hoạt động thiết kế sáng tạo trong các chương trình phát triển văn hóa-kinh tế-xã hội, đến nay, Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến thiết kế sáng tạo. Các hoạt động đã thu hút sự tham gia của đông đảo đơn vị, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, từng bước đưa hoạt động thiết kế sáng tạo vào mọi mặt của đời sống.
Có thể thấy, hoạt động thiết kế sáng tạo hiện diện mạnh mẽ trong cuộc sống hằng ngày của người dân Hà Nội trong suốt chiều dài lịch sử, có mặt ở hạ tầng đô thị với kiến trúc “nhiều lớp lịch sử,” ở hạ tầng văn hóa đa dạng, phong phú, góp phần tạo nên sự gắn kết hài hòa trong đời sống giữa tự nhiên với con người. Những công trình kiến trúc, như Hoàng Thành Thăng Long, Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cầu Nhật Tân... đã thể hiện tài hoa, sức sáng tạo của nhiều thế hệ nhà thiết kế.
Những sản phẩm của sự sáng tạo hiện diện ở khắp nơi trong thành phố, cho thấy nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Hà Nội dựa trên thiết kế sáng tạo. Đó là những áp phích tuyên truyền và biển quảng cáo nổi bật (từng được dán trên các bức tường khắp thành phố, hiện đang được trưng bày ở trong nước và nhiều nơi trên thế giới), là những thiết kế độc đáo thể hiện ở các tuyến phố nội thành, là những sản phẩm thủ công mỹ nghệ các làng nghề truyền thống rất đa dạng, phong phú, như: gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái... Tất cả đã tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo và sự sáng tạo của Hà Nội trong bảo tồn và phát triển.
Để thực hiện mục tiêu đưa hoạt động sáng tạo vào đời sống, lan tỏa tinh thần sáng tạo trong mọi tầng lớp nhân dân, huy động cộng đồng tham gia hoạt động sáng tạo, Hà Nội phối hợp với các bên liên quan triển khai nhiều cuộc thi sáng tạo góp phần tái thiết đô thị, phát triển bền vững cho các tầng lớp nhân dân, tập trung vào thế hệ trẻ như: Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội, Thiết kế Km số 0, Ký họa Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội sáng tạo, Thiết kế nghệ thuật công cộng Hà Nội...
Điều nhìn thấy rõ nhất là việc phát triển không gian các tuyến phố đi bộ, các không gian sáng tạo văn hóa, nghề thủ công trên địa bàn thành phố thời gian qua. Thời điểm nộp hồ sơ ứng cử năm 2019, Hà Nội mới chỉ có 2 Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phố Trịnh Công Sơn; đến nay, thành phố đã phát triển thêm 4 không gian khác gồm: Phố đi bộ và đường hoa trong không gian khu đô thị Bắc An Khánh, Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, Phố ẩm thực đêm và đi bộ Đảo Ngọc-Ngũ Xã, Phố đi bộ Trần Nhân Tông-Công viên Thống Nhất… Đặc biệt, quận Hoàn Kiếm đã hoàn thành công tác tu bổ, tôn tạo, đưa vào hoạt động Không gian văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Công ty TNHH gốm sứ Quang Vinh khánh thành Trung tâm tinh hoa Làng nghề Việt tại Bát Tràng. Cùng với đó là nhiều cuộc trưng bày, triển lãm thời gian qua được tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Ngoài ra, các không gian sáng tạo văn hóa khác cũng tập trung vào hoạt động sáng tạo, tiêu biểu, như: Triển lãm kỹ thuật số “Magister Raffaello” nhân kỷ niệm 500 năm Ngày mất của danh họa Raphael, triển lãm các tác phẩm vẽ minh họa trong cuộc thi “Hà Nội là…”, triển lãm “Những mảnh vụn” của Hợp tác xã Vụn-Art nhân kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam…
Đặc biệt, việc tổ chức các lễ hội văn hóa, các sự kiện, tiêu biểu về hoạt động sáng tạo của Thủ đô đã thu hút đông đảo giới sáng tạo và nhân dân tham gia. Trong đó, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội đã tạo dấu ấn lớn khi quy tụ nhiều đơn vị, tổ chức, giới sáng tạo và cộng đồng, đồng thời khơi dậy các nguồn lực của văn hóa Hà Nội cho hoạt động sáng tạo. Đánh dấu năm thứ 3 tổ chức, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 với hơn 60 hoạt động văn hóa sáng tạo, mang tới nhiều trải nghiệm mới mẻ từ những di sản văn hóa dọc bên bờ sông Hồng qua các không gian nghệ thuật đặc sắc cho người dân. Lần đầu tiên người dân được tham quan những công trình đã tồn tại hàng trăm nay tại Thủ đô Hà Nội dưới một góc nhìn khác, như: tháp nước Hàng Đậu, Cầu Long Biên, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Ga Hà Nội, Ga Long Biên… đã được các kiến trúc sư, nghệ sĩ tái thiết kế thí điểm trở thành những không gian triển lãm kiến trúc nghệ thuật đặc sắc. Thông qua Lễ hội, Hà Nội khuyến khích hình thành cộng đồng sáng tạo, kết nối đa lĩnh vực công nghiệp văn hóa khác nhau như kiến trúc, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế..., từ đó hình thành các nền tảng sáng tạo nhằm phát huy các nguồn lực văn hóa, đặc biệt văn hóa truyền thống của Hà Nội.
Thời gian tới, thành phố Hà Nội chú trọng hình thành và phát triển mạnh mẽ hệ thống Mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ - nguồn nhân lực dồi dào, tiềm năng và sẵn có của Hà Nội. Để phát huy sức sáng tạo của giới trẻ, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều đề án quan trọng, tập trung vào thanh niên, sinh viên và giới trẻ, cụ thể như xây dựng chương trình ươm tạo và tăng tốc khởi nghiệp sáng tạo tại các trường đại học, học viện, cao đẳng; xây dựng nền tảng kỹ năng làm việc và khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên và câu lạc bộ chuyển đổi số trong các trường đại học, học viện, cao đẳng trên địa bàn thành phố; hình thành không gian hỗ trợ thanh niên Thủ đô khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tổ chức các sự kiện, cuộc thi quy mô thành phố thu hút sự tham gia của quốc tế về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cho doanh nhân, thanh niên, sinh viên và học sinh... Đây là một trong những bước đột phá mới quan trọng của Hà Nội nhằm xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo”.
Có thể thấy, tham gia “Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO” là bước đi đầu tiên nhưng có ý nghĩa quan trọng cho mục tiêu nâng cao vị thế, tạo dựng hình ảnh mới hấp dẫn hơn cho Hà Nội, mở ra nhiều cơ hội và tiềm năng trong việc tái thiết đô thị. Với sự chú trọng vào bảo tồn di sản văn hóa, cải thiện cơ sở hạ tầng và khuyến khích sáng tạo, Hà Nội đang từng bước thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, góp phần xây dựng một thành phố hiện đại, văn minh và đáng sống, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững và Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để Hà Nội thực sự trở thành "Trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng và cả nước".
Tags